
Như SGGP đã đưa tin, bắt đầu từ năm học 2004 - 2005 này, toàn quốc không thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Đi đôi với vấn đề này, việc xét tuyển học sinh vào lớp 6 trên toàn quốc cũng có những sự điều chỉnh mới. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai.
-Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, liệu chất lượng học sinh tiểu học có gì thay đổi giữa việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và không tổ chức thi mà sẽ dùng kết quả học tập cuối năm lớp 5 để xem xét, công nhận học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học hay chưa?

Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai.
-Thứ trưởng ĐẶNG HUỲNH MAI: Thực ra khi tổ chức thi, thông thường là vì chúng ta không tin tưởng vào chất lượng của học sinh. Bây giờ với việc không thi, trách nhiệm của các giáo viên tiểu học đòi hỏi cao hơn. Tức là ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, việc kiểm tra, đánh giá học sinh từng học kỳ, bắt đầu từ lớp 1 đòi hỏi phải chặt chẽ, khách quan hơn.
Giáo viên phải chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh của mình từng học kỳ, từng lớp một, chứ không phải chờ đến kỳ thi mới quyết định được. Đó chính là ý nghĩa và mục đích của việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tiểu học trên toàn quốc và bắt đầu được thực hiện từ năm nay. Mặt khác, việc không thi tốt nghiệp tiểu học cũng chứng tỏ được rằng, chúng ta đã tin tưởng vào chất lượng của hệ thống giáo dục tiểu học hiện nay.
-Trước đây, kết quả tốt nghiệp tiểu học được dùng để tuyển sinh vào lớp 6. Bây giờ không có kết quả đó, việc xét tuyển vào lớp 6 sẽ thực hiện theo phương án nào?
-Việc xét tuyển vào lớp 6 sẽ căn cứ vào kết quả học tập cuối năm của học sinh lớp 5. Các trường tùy theo tình hình cụ thể của mình mà tiến hành xét tuyển lớp 6 với tiêu chí chung là gọn nhẹ, không tạo áp lực cho học sinh và gia đình học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung. Chúng ta cần phải xem đó như là một việc lên lớp bình thường.
Với một số trường có nhu cầu xét tuyển học sinh lớp 6, thì phải sử dụng kết quả 2 môn Toán và Tiếng Việt ở kỳ thi cuối năm lớp 5 của học sinh. Với những trường này, ngoài việc xin phép Sở GD-ĐT, thì Sở GD-ĐT cũng sẽ có chỉ đạo cụ thể về việc ra đề, tổ chức thi học kỳ, chấm điểm... làm sao đảm bảo được sự nghiêm túc, khách quan và công bằng nhất.
- Như vậy, mặc dù không tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học, nhưng với nhiều trường, nhiều địa phương, kỳ thi học kỳ 2 của lớp 5 sẽ trở nên vô cùng quan trọng và vô hình trung cũng sẽ tạo áp lực lớn đè lên học sinh giống như thi tốt nghiệp tiểu học. Điều đó phải giải thích như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Trước hết, tôi xin khẳng định rõ là phương án xét tuyển vào lớp 6 tùy các Sở GD-ĐT quyết định. Và việc xét tuyển lớp 6 bằng kết quả 2 môn Toán và Tiếng Việt học kỳ 2 của lớp 5 không phải trường nào cũng thực hiện. Điều đó, Bộ GD-ĐT và kể cả Sở GD-ĐT cũng không có quyền bắt buộc trường phải làm. Theo dự kiến của chúng tôi, những trường thực hiện việc xét tuyển kiểu này sẽ tập trung vào những trường điểm, uy tín và có nhiều nguyện vọng muốn vào học.
Tuy nhiên, việc xét tuyển kiểu này chỉ nên thực hiện khi phương án xét tuyển bằng kết quả học tập của học sinh không thể đáp ứng được. Ví dụ: Có quá nhiều học sinh giỏi muốn vào học ở một trường, con số đó vượt quá chỉ tiêu, khả năng của trường, lúc đó mới nên sử dụng kết quả thi học kỳ 2 môn Toán và Tiếng Việt lớp 5 để xét tuyển...
- Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, trong những năm qua, luôn có hiện tượng “chạy” trường điểm và đi kèm đó là những tiêu cực trong vấn đề tuyển sinh lớp 6. Với việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học trên toàn quốc, liệu việc xét tuyển lớp 6 ở những trường điểm có hạn chế được tiêu cực không? Làm sao đảm bảo được sự công bằng cho tất cả học sinh, dù là ở địa bàn nào?

Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm học 2003 - 2004 tại Trường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM. Năm nay, cảnh này sẽ không còn.
- Trước hết, trường nằm ở địa bàn nào phải có trách nhiệm xét tuyển học sinh ở địa bàn đó. Phải xem đó là ưu tiên số 1 trong quá trình xét tuyển vào lớp 6 của trường mình. Xét hết học sinh đủ tiêu chuẩn ở địa bàn mình, mới tính tới việc xét tuyển học sinh trái tuyến, đủ tiêu chuẩn.
Để đảm bảo sự công bằng, các trường cần phải thông báo rộng rãi những tiêu chí tuyển sinh lớp 6 của mình. Ví dụ: với những trường điểm, có nhiều nguyện vọng vào học thì sẽ tuyển học sinh giỏi với điểm tổng kết bao nhiêu? Bao nhiêu năm đạt học sinh giỏi? Có thành tích xuất sắc gì trong học tập, rèn luyện bản thân?...
Với việc công khai các tiêu chí xét tuyển như vậy, Sở GD-ĐT giám sát nghiêm túc, rồi các trường xét tuyển nghiêm túc, tôi hoàn toàn tin rằng sẽ tránh được vấn đề tiêu cực như việc “chạy” trường điểm từng diễn ra. Khi đó, học sinh và gia đình sẽ căn cứ trên các tiêu chí đã công bố, xem đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển vào trường nào cho phù hợp.
Với những học sinh muốn theo học các trường điểm trên địa bàn hoặc ngoài địa bàn quy định, mà trường đó tổ chức xét tuyển theo kết quả thi học kỳ 2 môn Toán và Tiếng Việt lớp 5, thì phải tham gia thi học kỳ 2 với học sinh lớp 5 trường đó. Đủ kết quả xét tuyển thì theo học, không đạt thì có thể đăng ký học trường khác trên địa bàn mà đủ điều kiện.
Tôi xin lưu ý, tất cả các trường khi xét tuyển lớp 6, trước hết phải ưu tiên cho con em trên địa phương trường đóng, kể cả khi học sinh đó tham gia xét tuyển ở trường khác, không đạt và quay lại đăng ký học ở trường mình. Tuyệt đối không để diễn ra tình trạng phân biệt đối xử, gây khó khăn với các em thuộc diện này.
- Làm sao các em học sinh lớp 5 vừa thi học kỳ 2 trường mình, vừa có thể tham gia thi học kỳ 2 ở trường khác, để có kết quả môn Toán và môn Tiếng Việt dùng cho việc xét tuyển vào lớp 6 trường đó?
- Việc tham gia thi học kỳ 2 ở trường mình là điều các em học sinh bắt buộc phải làm. Vì phải thi hết các môn, đủ điểm mới được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học. Còn việc tham gia thi với trường khác, việc này các em phải đăng ký trước.
Tùy theo tình hình thực tế, các Sở GD-ĐT sẽ quyết định cho trường nào thi trước, trường nào thi sau, làm sao để học sinh đều được tham gia thi học kỳ 2 ở trường mình có nguyện vọng theo học.
Có thể học sinh thi học kỳ 2 ở trường mình trước và tham gia thi với trường khác sau; hoặc có thể ngược lại. Bộ quy định khung thời gian thi học kỳ 2 lớp 5 từ 20-5 đến 31-5 chính là vì lý do đó.
-Xin cảm ơn Thứ trưởng.
TRẦN LƯU (thực hiện)