Công khai phải gắn với minh bạch

Hôm nay 1-8, Thông tư 61/2017 hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Theo đó, các đơn vị sử dụng NSNN có trách nhiệm gửi tài liệu, số liệu công khai dự toán, quyết toán cho đơn vị dự toán cấp trên hoặc gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Việc công khai dự toán ngân sách có thể được thực hiện bằng một số hình thức như công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các báo, đài hoặc đưa lên trang thông tin điện tử. Các bộ, ngành, UBND các cấp, đơn vị dự toán cấp trên… có trách nhiệm kiểm tra, thực hiện việc công khai NSNN của cấp dưới trực tiếp.
Quá trình kiểm tra nếu phát hiện có vi phạm thì phải xử lý kịp thời hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN hàng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện NSNN hàng năm được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp. 
Việc công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán NSNN (quý, 6 tháng, năm) đối với dự toán ngân sách cấp trên gồm: công khai thuyết minh tình hình thực hiện dự toán NSNN (quý, 6 tháng, năm) đã được phê duyệt; công khai số liệu thực hiện; đối với đơn vị sử dụng ngân sách thì cần công khai thuyết minh tình hình thực hiện dự toán NSNN (quý, 6 tháng, năm) đã được phê duyệt; công khai số liệu thực hiện dự toán NSNN (quý, 6 tháng, năm)… Việc công khai minh bạch nhằm tạo dựng niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các định chế quốc tế vào Chính phủ, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đó thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng. 
Cũng theo thông tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát việc thực hiện công khai NSNN theo quy định tại Luật NSNN. Tuy nhiên, việc công khai dự toán là cần thiết nhưng cơ chế nào để người dân được quyền thắc mắc và cơ chế để ai là người giải đáp, tháo gỡ kịp thời những thắc mắc hoặc ý kiến của người dân; trách nhiệm giải trình các số liệu công khai của các bên liên quan; việc xử lý những vi phạm trong xử lý ngân sách… 
Bức tranh tài chính thời gian qua cho thấy, thu NSNN luôn gặp những khó khăn khi nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực từ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng chi luôn “phóng tay”, không tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách. Tại nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề kỷ luật ngân sách vẫn được các đại biểu Quốc hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những bất cập trong chi ngân sách nổi lên nhiều năm vẫn là: chi sai chế độ, định mức; sai nguồn kinh phí… Không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, thực trạng này là tồn tại lâu nay là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm về tài chính ngân sách dù hàng năm khi phê chuẩn quyết toán, nghị quyết của Quốc hội đều quy định rõ, phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm và báo cáo Quốc hội. 
Để người dân có thể tham gia giám sát việc sử dụng ngân sách thì phải công khai nhưng để giám sát có hiệu quả thì trách nhiệm giải trình của cơ quan, người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng NSNN ra sao. Nếu trách nhiệm giải trình bị “bỏ lơ” thì những tiếng nói của người giám sát cũng sẽ không mang lại nhiều tác dụng. Rõ ràng, ở vấn đề này, trách nhiệm người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Nếu người đứng đầu không có quyết tâm làm việc một cách minh bạch thì việc công khai cũng không mang lại nhiều ý nghĩa. Vì vậy, ngành, cơ quan nào không đảm bảo công khai minh bạch, trước hết là trong ngân sách thì việc đầu tiên phải xử lý nghiêm người đứng đầu.
Một vị đại diện Ngân hàng Thế giới khi bàn về vấn đề này từng cho rằng, việc công khai NSNN là cần thiết. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 10% số công chúng hiểu được thông điệp và những thông tin đã được công khai. Do đó, những số liệu đưa ra, đặc biệt là báo cáo quyết toán phải kèm theo thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, lĩnh vực, chương trình, mục tiêu được giao phụ trách là hết sức quan trọng để hiệu quả giám sát đạt được hiệu quả cao nhất. Nếu công khai nhưng thiếu minh bạch thì việc giám sát của nhân dân sẽ thiếu chặt chẽ, thậm chí bị vô hiệu hóa. 

Tin cùng chuyên mục