
Thời gian gần đây, tiết kiệm điện trở thành vấn đề nóng, nhất là khi ngành điện rục rịch dự kiến tăng giá. Rất nhanh nhạy, trên thị trường xuất hiện nhiều thiết bị tiết kiệm điện (TBTKĐ) được quảng cáo có thể tiết kiệm từ 15 - 50%, khiến nhiều người đổ xô mua. Thực hư thế nào? Tuần san SGGP Thứ Bảy đã kết hợp với các nhà chuyên môn tiến hành “giải phẫu” vấn đề này.
Tung hỏa mù

Bộ TBTKĐ “Công nghệ Russia” ICE.
Đó là TBTKĐ ICE Model T2. 2005 do Công ty Tư vấn công nghệ điện tử ICE (đ/c: 479/33/72 Tô Ký, P.Tân Chánh Hiệp, Q12, TPHCM) sản xuất. “Đây là TBTKĐ bán rất chạy so với các loại khác’’ - anh Trung, người chuyên bán TBTKĐ trên đường Phạm Viết Chánh cho biết - “Hiện nay các TBTKĐ có mặt trên thị trường đa số không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được xem là các TBTKĐ “lụi’’, trong khi đó, bộ TBTKĐ ICE Model T2. 2005 này không những có địa chỉ nhà sản xuất, trung tâm phân phối, các đại lý cùng địa chỉ nơi tư vấn khách hàng mà mỗi bộ còn kèm tờ “Phiếu tiếp nhận’’ của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM với dấu đỏ hẳn hoi, trên bao bì sản phẩm ghi: “SX theo công nghệ Russia - đã đăng ký và công bố chất lượng, sở hữu công nghiệp”.
Thế nhưng, ngôn ngữ quảng cáo thì cực kỳ... tung hỏa mù: “Tiết kiệm điện và rơ-le bảo vệ máy tính, tủ lạnh, chức năng ổn định và tiết kiệm điện, giảm hao hụt tải đường dây và lưu trữ điện trong thời gian ngắn, hiệu quả cho các thiết bị máy bơm, máy lạnh, tủ lạnh... Đặc biệt tích hợp bảo vệ chống sốc máy vi tính và chống nghẹt gas khi điện cúp đột ngột, tăng độ bền cao cho tủ lạnh và máy vi tính”.
Chúng tôi đã mang thiết bị này tìm gặp KS Nguyễn Khắc Ngữ - Trung tâm bảo trì máy Quê Hương - Hoàng Văn Thụ, Tân Bình. Sau khi kiểm tra, KS Ngữ nhận xét: “Chỉ nói riêng phần công tắc, ổ cắm, nguồn (ngõ ra - vào), TBTKĐ ICE Model T2. 2005 đã không đảm bảo bởi với dòng tải cao (trên 10A), thiết bị có thể cháy mạch và nổ. Thêm nữa, mạch điện tử phía trong không có chỗ tỏa nhiệt. Không có cầu chì bảo vệ thiết bị, đèn led (báo nguồn) không được cách ly tốt với điện khu vực, dễ chạm vỏ thiết bị, gây giật - cháy, rất nguy hiểm cho người sử dụng’’.
Thật vậy, chỉ cần để ý xem xét sẽ thấy sự phi lý và chồng chéo các chức năng của thiết bị. Thế nhưng, dường như chưa đủ ép phê, nhà SX còn “quảng cáo” thêm: “Chống sét, bảo vệ điện gia dụng và điện thoại vô tuyến (cordless) nhờ hệ thống trở kháng Lef” (?). Sản phẩm nghiễm nhiên có mặt tại các “Hội chợ hàng VN chất lượng cao” trong thời gian qua với giá “khuyến mãi 200.000đ/cái” (giá trên vỏ hộp ghi là 350.000đ). Tiếp xúc một số đại lý của ICE, chúng tôi biết thêm:
Thực tế, thiết bị này khi phân phối cho các đại lý thì mỗi nơi mỗi giá. Vì sao? “Để lắp toàn bộ thiết bị như thế chỉ mất khoảng 30.000đ, kể cả công” - Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học IEC, TPHCM nói, sau khi xem xét từ trong ra ngoài thiết bị này. “Một thiết bị hoàn toàn lừa dối người tiêu dùng, “Phiếu tiếp nhận” không thể thay thế cho việc chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm’’ - ông thêm.
Sự thật phơi bày
Để có những thông tin và thông số chuẩn xác về thiết bị trên, chúng tôi đã mời Kỹ sư Công nghệ Trần Đình Hiệp - Công ty xây lắp Thừa Thiên-Huế - đối thoại với ông Trần Văn Tín, GĐ công ty Tư vấn Công nghệ điện tử ICE, người “phát minh’’ và là nhà sản xuất TBTKĐ Model T2. 2005- dựa trên các chức năng của thiết bị mà ông Tín quảng cáo. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi (kèm theo lời nhận xét của KS Trần Đình Hiệp).
- Anh có thể giải thích “chức năng ổn định’’ của TBTKĐ ICE Model T2. 2005?
- Ô. Trần Văn Tín: (Không trả lời được).
- (KS Trần Đình Hiệp: Vì nó có gì đâu mà ổn định. Có nó hay không thì máy móc cũng hoạt động như vậy).
- TBTKĐ đã được tiến hành thử nghiệm thế nào trước khi sản xuất và tiêu thụ hàng loạt?
- Ô. Trần Văn Tín: Chỉ tính trên lý thuyết, sau đó thử nghiệm trên chiếc bơm hút nước nhưng chạy không tải, kết quả có giảm điện, giảm hao hụt tải đường dây.
(KS. Trần Đình Hiệp: Việc thử nghiệm này là sai, nhất thiết động cơ phải được thử ở chế độ có tải).
- TBTKĐ còn có khả năng lưu trữ điện trong 1 thời gian, sau khi điện bị cúp?
- Ô. Trần Văn Tín: Khi điện cúp đột ngột, thiết bị có thể tích tụ, lưu trữ, sau đó phóng ra duy trì dòng điện nhưng chỉ trong khoảnh khắc, điện phải có lại ngay sau đó.
(KS. Trần Đình Hiệp: Tụ xoay chiều (tần số 50Hz) tích và phóng điện trong 1 chu kỳ có thời gian 1/50s. Không thể có sự cố mất điện và có lại nào có thể xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nếu có, động cơ vẫn hoạt động gần như bình thường nhờ quán tính. Riêng điều này, tôi khẳng định ông Trần Văn Tín không hiểu gì về một chiếc tụ xoay chiều khi nó đang nạp điện mà lại bị mất điện).
- Anh giải thích thế nào về chức năng “tích hợp bảo vệ chống sốc máy vi tính” của thiết bị?
- Ô. Trần Văn Tín: Tụ sẽ nạp nhiều hơn khi điện mạnh và xả bớt khi điện hơi thấp (?!)
- Nhưng bộ nguồn máy tính thường ổn định khi hoạt động với điện áp từ 115V cho đến 230V, có loại lên đến 240V thì sao?
- Ô. Trần Văn Tín (Không trả lời được)
(KS. Trần Đình Hiệp: Ông Tín đã nhầm lẫn giữa tụ điện 1 chiều và tụ xoay chiều).
- Còn việc “chống nghẹt gas khi điện cúp đột ngột”?
- Ô. Trần Văn Tín: Nhờ mạch trễ, khi mất điện và có lại ngay, tủ lạnh chỉ được cấp điện sau vài phút, an toàn cho lốc máy.
(KS. Trần Đình Hiệp: Nếu có, chỉ nên lắp cho những tủ lạnh tự chế hoặc những tủ được sản xuất cách đây hàng chục năm, bởi tủ lạnh, máy lạnh hiện nay chức năng đó đã có sẵn. Không chỉ có mạch trễ, các động cơ còn được gắn rơ-le tự ngắt khi quá dòng hoặc quá nhiệt. Quý vị nào muốn thử xem tủ lạnh nhà mình có chức năng này hay chưa, xin hãy thử rút phích điện khi tủ đang chạy, sau đó khoảng 3-5 giây cắm trở lại. Sau một vài phút, tủ sẽ hoạt động trở lại bình thường).
- Thế còn “tăng 50% độ bền cho ổ cứng máy tính”?
- Ô. Trần Văn Tín: (Không giải thích được)
- Anh khẳng định “bộ TKĐ ICE sẽ làm dòng điện (I) giảm từ 15%-20% và cos phi tăng 0,8 trong quá trình đang tải các thiết bị (P=U.I.cos phi) vì vậy công suất (P) sẽ giảm theo tỷ lệ thuận”?
- Ô. Trần Văn Tín: Có lẽ tôi đã tính nhầm.
(KS Trần Đình Hiệp: Một sự nhầm lẫn tai hại vì khi I giảm, cos phi tăng thì P vẫn không đổi, tức không có sự tiết kiệm điện nào nếu tính theo công thức này).
- Còn chức năng “chốâng sét, bảo vệ điện gia dụng và điện thoại vô tuyến nhờ hệ thống trở kháng”?
- Ô. Trần Văn Tín: Thiết bị có thể chống sét đánh vào dây điện.
- Vì sao có dòng khuyến cáo “không nên rút phích cắm ra khỏi ổ điện”?
- Ô. Trần Văn Tín: Tôi thừa nhận đây là điểm không an toàn của thiết bị.
- Anh khẳng định TBTKĐ giá thành rẻ bằng 1/5, thậm chí 1/7 so với hàng nhập?
- Theo tôi biết, một thiết bị tương tự ở nước ngoài có giá tới 60USD.
(KS Trần Đình Hiệp: Ở đây, phải tính đến yếu tố hàng của nước ngoài nhưng cụ thể là nước nào, “tương tự” ra sao?)
- Sản phẩm “được sản xuất theo công nghệ Russia”?
- Ô. Trần Văn Tín: Tôi thấy được do hồi đi học ở nước ngoài.
(KS Trần Đình Hiệp: Quả thực, nếu Russia có công nghệ này thì ông Tín đã vi phạm bản quyền).
- Anh đã đăng ký và công bố chất lượng, sở hữu công nghiệp?
- Ô. Trần Văn Tín: Chỉ mới đăng ký, chưa có kết quả, chưa có giấy chứng nhận.
Vậy thì quá rõ ràng, người sản xuất đã mang bán một sản phẩm non, còn các cơ quan chức năng liên quan thì buông lỏng quản lý. Điều đáng nói là thời gian qua, một số báo đã ca ngợi ông Trần Văn Tín là “ông vua sáng chế” với các TBTKĐ, thiết bị tiết kiệm xăng...
Sau cùng, liệu có bao nhiêu người đã và sẽ mua TBTKĐ ICE Model T2. 2005 - một sản phẩm không hề có chút ích lợi nào bởi người sáng chế ra nó đã thừa nhận mình “tính nhầm” công thức?
SONG PHẠM
Trên thực tế, nếu có người phát minh ra một thiết bị, dẫu chỉ giúp tiết kiệm được 1% lượng điện tiêu thụ, cá nhân đó rất xứng đáng được tặng giải Nobel! Các TBTKĐ trôi nổi trên thị trường nói chung đều là một dạng tụ điện, gọi nôm na là tụ bù. Tụ bù chỉ hiệu quả nếu khách hàng là những nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất... có công suất tiêu thụ điện lớn và có trạm biến thế. Ở các trạm này, nhà cung cấp thường bố trí đồng hồ để đo chỉ số cos phi tức tỷ số giữa công suất sử dụng (công suất tiêu thụ) với công suất phản kháng (công suất truyền tải). Khi kết nối tụ điện vào các trạm biến thế, nó sẽ phát ra một phần công suất phản kháng có tác dụng nâng cao hệ số cos phi, vì vậy sẽ tiết kiệm được 1 lượng điện trên đường truyền tải. Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình, ngành điện lực đã không tính tiền hao hụt trên đường truyền tải mà chỉ tính lượng điện năng tiêu thụ, việc gắn các TBTKĐ nói trên có thể giúp tiết kiệm công suất truyền tải, tức tiết kiệm cho nhà cung cấp (tuy nhiên, lượng điện tiết kiệm được này nhỏ đến mức không đáng kể), chứ không hề giảm công suất tiêu thụ. |