Trong nhiều năm qua, mặc dù đã được nói đến rất nhiều nhưng ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam vẫn chưa thể phát triển như kỳ vọng, nếu không nói là đang vấp phải khá nhiều “chướng ngại vật”. Vậy đâu là hướng phát triển cho ngành công nghiệp vốn được xem là nhiều tiềm năng, được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong những năm tới?
Năng lực thấp
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng Bkis, cho rằng, hơn chục năm qua, tại Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, chính sách đề cập tới sự phát triển công nghiệp CNTT, gần đây nhất là đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”. Tuy nhiên ông Quảng cho rằng, các văn bản, ý tưởng từ vĩ mô đến vi mô và chương trình cụ thể đều đã có hết nhưng trên thực tế công nghiệp CNTT vẫn giẫm chân tại chỗ. Đáng quan ngại hơn là có những văn bản sau khi ban hành không phát huy tác dụng, hiệu quả cần thiết bởi không có chế tài đủ mạnh.
Ông Quảng dẫn chứng: Thông tư số 42 của Bộ TT-TT ban hành ngày 30-12-2009 quy định các sản phẩm, giải pháp trong nước sản xuất có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn hàng ngoại nhập thì các cơ quan Nhà nước buộc phải sử dụng nếu đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, thế nhưng việc thực thi thông tư này là một vấn đề xa vời...
Riêng công nghiệp phần cứng CNTT Việt Nam ở thời điểm này coi như không có gì đáng kể (trừ phần lắp ráp máy tính và thiết bị điện tử). Không thể phủ nhận thực tế rất nhiều cơ quan nhà nước hiện nay vẫn ưu tiên hàng ngoại khi lựa chọn sản phẩm, giải pháp cho hệ thống CNTT của mình. Điển hình nhất là các cơ quan thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm CNTT, Ngân hàng BIDV, vấn đề này không hẳn là do “yêu ngoại hơn nội” và do các doanh nghiệp nội không đáp ứng được như cầu. Ví dụ, BIDV đã tiếp xúc với các đơn vị CNTT được cho là hàng đầu trong nước với mong muốn thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) nhưng sau khi khảo sát thấy năng lực họ quá nhỏ so với yêu cầu. Đây cũng là vấn đề mấu chốt được nhiều chuyên gia CNTT lý giải cho hiện tượng buộc phải dùng hàng ngoại vì năng lực của doanh nghiệp Việt vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của thị trường, khó có thể đầu tư đủ nguồn lực tài chính, nhân lực, cho các dự án “khủng”.
Chính sách linh hoạt
Về việc tạo thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp CNTT, đa số ý kiến đề xuất, giải pháp khả thi là Chính phủ tập trung đầu tư, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tàu, giúp họ liên kết lại thành những “liên minh” có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, có đủ tiềm năng, quy mô để thắng những gói thầu quốc tế và cạnh tranh được trên thị trường khu vực, thế giới. Đối với việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm, các sản phẩm và dịch vụ cần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường quốc tế có chọn lọc.
Về phần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho rằng, Việt Nam hiện là nền kinh tế nhà nước làm chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước chiếm 40% GDP. Nếu nhà nước quyết tâm, có sự đầu tư thích đáng, chính sách phù hợp thì các doanh nghiệp Việt Nam mới đủ sức lớn mạnh, trước hết là làm chủ thị trường trong nước, sau đó vươn ra nước ngoài.
Rất nhiều ý kiến đều khẳng định, chỉ có nhà nước với các công cụ về chính sách, pháp luật mới làm được điều đó, nếu “thả rông” để các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm sẽ không bao giờ phát triển được những sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm đúng nghĩa.
Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam - Vinasa, cho rằng, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT chỉ nên làm đến năm 2015 hoặc tối đa 5 năm rồi điều chỉnh, không nên đến 2020 vì CNTT có nhiều biến động, thậm chí có những biến động vô cùng lớn. Ví dụ, cách đây mấy năm, không ai ở Việt Nam biết được Samsung Vina phát triển nhanh như hiện nay trong việc lắp ráp và xuất khẩu điện thoại di động; hay trên thế giới, cách đây 10 năm, không ai dám hình dung đến quy mô, tốc độ phát triển của những doanh nghiệp CNTT như Google, Apple hiện nay. “Nên tập trung nội lực quốc gia vào lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số. CNTT luôn có thay đổi sáng tạo, nhanh chóng và liên tục. Do đó, chính sách của nhà nước cũng phải cần linh hoạt, nhanh nhạy và táo bạo để giúp doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ phát triển...” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
TRẦN LƯU