Công nghiệp văn hóa TPHCM: Từ giá trị sáng tạo đến chuỗi trị giá thị trường

“Theo định nghĩa của UNESCO, Sài Gòn mang chân dung của một thành phố ngã ba đường, nay là TPHCM, chưa hề đánh mất đi vai trò đó” là nhận định của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái.

Cũng theo ông, “Đó là thành phố mang nhiều nét văn hóa, chủng tộc, với lịch sử hình thành được đánh dấu bằng các đợt nhập cư từ nhiều xứ sở, địa phương, liên tục đổ về lập nên một thế giới thu nhỏ… Nhịp sống ở đó cũng mãnh liệt hơn. Nó cũng chuyển về cho đất nước luồng sinh khí mới, nhiều sáng tạo, mang theo những cái mới, rất cần thiết để chống lại sự xơ cứng, rập khuôn, đơn điệu”.

Và đó cũng chính là tiềm năng, tiềm lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển và tạo ra nguồn lực phát triển dồi dào, đa dạng của TPHCM. Không khó để nhận thấy thành phố luôn là nơi tập hợp lực lượng nghệ sĩ tài năng, nguồn nhân lực sáng tạo lớn nhất của cả nước, có tính giao lưu, kết nối liên tục với khu vực, quốc tế. Đây cũng chính là thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa hàng đầu quốc gia. Các loại hình của kỹ nghệ tiêu khiển trong công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo đều hội tụ - lan tỏa rộng và sâu từ điện ảnh, kịch trường đến truyền hình, báo chí và sáng tạo trên các nền tảng số. Tất nhiên, không thể thiếu là thị hiếu - thị trường công chúng trẻ, công chúng thích nghi mạnh mẽ với từng chuyển dịch của công nghiệp văn hóa, công nghệ sáng tạo, tiêu dùng số…

Tuy vậy, mức độ đầu tư vào văn hóa của TPHCM vẫn còn khiêm tốn nên hiệu quả phát huy không cao, thậm chí khá hạn chế. Chênh lệch lớn giữa đầu tư kinh tế với văn hóa là một lẽ; trong các lĩnh vực cận liên thì văn hóa cũng thấp hơn so với khoa học và công nghệ (2,1%), giáo dục (2,1%), y tế và trợ giúp xã hội (3,1%), riêng nghệ thuật vui chơi, giải trí chỉ ở mức 0,8%.

Chưa kể, vốn đầu tư thấp, không kịp thời, thủ tục khó khăn dẫn tới gây ngưng trệ, hao phí công năng, trước khi có Nghị quyết 98/2023/QH15 lại càng nhiều vướng mắc, bất cập hơn. Đơn cử: Dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch sau 4 năm thông qua chủ trương đầu tư (2018) đến thời điểm 2022 vẫn “chưa được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai các bước tiếp theo”; Bảo tàng TPHCM, 2 công trình tượng đài Nam bộ kháng chiến, Thống nhất cũng “treo” ở tình trạng tương tự. Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ theo dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2023, vẫn chưa xong; trong khi các rạp cũ xuống cấp nghiêm trọng, rạp vừa xây mới lại sai công năng…

Rõ ràng, có một sự không đồng bộ trong phát triển kinh tế và văn hóa, vừa làm mất lợi thế vừa suy giảm nội lực mang tính nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, nguồn lực sáng tạo, chiều sâu của các sản phẩm, tác phẩm văn hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế phát triển tổng thể của thành phố, một “độ lùi nhất định” và nỗ lực trong việc đáp ứng các điều kiện nhằm khơi dậy, lan tỏa niềm cảm hứng sáng tạo.

Ngay cả trong Nghị quyết 98, chìa khóa mới mở ra cánh cửa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với lĩnh vực thể thao và văn hóa là một cơ hội vàng, song vẫn còn những “ưu tư” về việc đi cùng dự án đầu tư ấy và bên trong những thiết chế văn hóa hiện đại là những tác phẩm như thế nào, hàm lượng sáng tạo bao nhiêu, giá trị nghệ thuật phục vụ khán giả - người dân ra sao…

Như vậy, một khi đã nhận diện và có giải pháp tiếp cận ở hai mặt “tốt gỗ” lẫn “nước sơn” của ngành công nghiệp văn hóa, đề cao giá trị sáng tạo và tính cá thể trong chuỗi trị giá thị trường - công nghệ và tính tập thể là bước khởi đầu đúng đắn, bài bản cho định hướng phát triển của lĩnh vực kinh tế - văn hóa này.

Tiếp đến là “đường dẫn” đến các nguồn vốn huy động lực đẩy kinh tế “đầu tiên” cho công nghiệp văn hóa: từ vốn đầu tư công theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của TPHCM; từ điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nhà nước cho thành phố trong giai đoạn 2023-2025; từ bộ công cụ Nghị quyết 98 và nhất là thông qua các hình thức xã hội hóa, thu hút kiều hối…

Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh tốc độ vận dụng Nghị quyết 98 để huy động nguồn vốn xã hội hóa cho việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa hiện đại phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, hỗ trợ xây dựng mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư xây dựng sản phẩm, thương hiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác công nghiệp văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực.

Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM (1963-2023), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đề nghị chính quyền thành phố chú trọng đến việc “tạo lập môi trường, khích lệ nhiều hơn về tinh thần, tự do sáng tạo khai phóng năng lượng đối với chủ thể sáng tạo trước hết là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ”. Lời đề nghị mang ý nghĩa thông điệp này cũng chính là giá trị cốt lõi của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM.

Tin cùng chuyên mục