Công nhân cao su đổi đời

Đứng chân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai, ngoài việc phát triển vườn cây, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) luôn chú trọng chăm lo đến đời sống của công nhân, đặc biệt là người tại chỗ.
Công nhân cao su đổi đời

Đứng chân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai, ngoài việc phát triển vườn cây, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) luôn chú trọng chăm lo đến đời sống của công nhân, đặc biệt là người tại chỗ.

Niềm vui ở các gia đình công nhân

Đến Nông trường cao su Hòa Phú (thuộc Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah, Gia Lai) vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của những gia đình công nhân. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, Rơ Châm Chyur, công nhân khai thác mủ của tổ 12, kể: “Mình sinh ra trong gia đình nông dân Ja Rai nghèo, ở xã Ia Khươl, huyện Chư Pah. Năm 1997, khi Nông trường cao su Hòa Phú trồng cao su tại xã Ia Khươl, mình và các thanh niên trong làng được tuyển vào làm công nhân thì cuộc sống mới dần được thay đổi. Bây giờ, gia đình mình tích lũy khá, các con được ăn học đầy đủ”. Từ năm 2005 đến nay, thực hiện chủ trương về thâm canh vườn cây nhận khoán, anh đã vay vốn của công ty (không tính lãi suất) để mua phân bón, chăm sóc tốt vườn cây, đảm bảo thời gian, kỹ thuật khai thác, vì vậy vườn cao su nhà Rơ Châm Chyur luôn đạt sản lượng được giao.

Hưởng ứng phong trào làm kinh tế phụ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống do ban tổng giám đốc và công đoàn công ty phát động, bằng những tính toán riêng, gia đình Rơ Châm Chyur đã có thêm 2ha bời lời, 1,2ha cà phê, 3 sào ruộng lúa nước, 15 con bò, heo và một số ít diện tích trồng mì. Với các khoản tiền lương, thưởng từ làm công nhân cao su và kinh tế phụ, gia đình anh đã xây được nhà mới khang trang, mua xe công nông để chuyên chở, xe gắn máy để đi làm và các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống gia đình.

Chúng tôi lại tiếp tục đến thăm các gia đình công nhân ở Nông trường cao su Ia Phú (thuộc Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah) trên địa bàn xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Trước đây, xã Ia Dêr nghèo vì bà con chủ yếu sống bằng nghề nông với tập tục lạc hậu. Nhưng từ khi 1.004 ha cao su của Nông trường cao su Ia Phú lên xanh, nơi đây đã có những đổi thay rõ rệt. Đã có 464 người Ja Rai vào làm công nhân nông trường với thu nhập khá cao và ổn định. Bà con trong xã còn được Công ty cao su Chư Pah hỗ trợ, giúp đỡ về cây giống, con giống để sản xuất.

Một ca làm việc của công nhân Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah.

Một ca làm việc của công nhân Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah.

Trên 50% số hộ biết làm giàu

Trong số 10.000ha được giao, Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah đã định hình được 8.122 ha cao su ở 3 huyện Ia Grai, Chư Pah, Chư Prông và TP Pleiku (tỉnh Gia Lai). Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu, tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở đó làm công nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh, tạo ra bộ mặt nông thôn mới, trong 25 năm qua công ty đã triển khai các dự án trồng cao su, dự án chăn nuôi, các chương trình cải tạo vườn tạp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai.

Trong buổi đầu, mỗi cán bộ, kể cả lãnh đạo công ty đều là một “tuyên truyền viên” tích cực, xuống tận các thôn, làng để hướng dẫn, giúp đỡ bà con tạo một thói quen mới cho phù hợp khi trở thành người công nhân cao su. Song song đó, việc đào tạo tay nghề và bổ túc văn hóa cho công nhân luôn được công ty chú trọng. Những năm qua, công ty đã mở 6 lớp bổ túc văn hóa cấp 1 và 4 lớp bổ túc văn hóa cấp 2 cho hơn 300 công nhân; hỗ trợ 100% kinh phí gửi 20 con em đồng bào học đại học. Điều đáng nói là với việc trở thành công nhân của Công ty cao su Chư Pah, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu của tỉnh Gia Lai đã có thu nhập và đời sống ổn định, giảm áp lực căng thẳng về thiếu đất sản xuất và đất ở, thiết thực góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ông Lê Đức Tánh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah, cho biết đến nay đời sống của công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số đã dần ổn định và có trên 50% số hộ biết làm giàu. Nông trường cao su Hòa Phú, Nông trường cao su Ia Nhin, Nông trường cao su Hà Tây không còn nhà tranh tre nứa lá, đường sá được mở mang đến tận các làng, không còn hộ đói nghèo, công nhân người dân tộc thiểu số đã có xe máy đi làm…

Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah chủ động triển khai chương trình kết nghĩa: tổ, đội với thôn, làng; nông trường với xã; công ty với huyện trên tinh thần hợp tác toàn diện để cùng phát triển, làm cho sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương và công ty ngày càng chặt chẽ. Từ đó, tình hình an ninh chính trị trên 68 thôn, làng của tỉnh Gia Lai có công nhân của công ty sinh sống đã yên ổn...

Năm 2005, thu nhập bình quân của mỗi cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah là 1,77 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2010 là 5,2 triệu đồng/người/tháng. Tiền thưởng bình quân cuối năm 2010 gần 20 triệu đồng/người. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục