Hiện nay, tại TPHCM có khoảng 400.000 người cao tuổi, trên 44.000 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 13.000 hộ nghèo, 10.000 người nghiện ma túy, hơn 2.000 người bán dâm được tập trung tại các cơ sở xã hội và có khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.
Nhu cầu chăm sóc các đối tượng trên là rất lớn. Công việc của họ thường rất nặng và mang tính rủi ro cao do làm việc trong các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh, cơ sở tham vấn, tiếp cận người nhiễm HIV, tâm thần, nghiện ma túy. Nhưng hiện có tới 81% người hoạt động công tác xã hội (CTXH) chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trái ngành...
Do vậy, CTXH phải được coi là một nghề, trước mắt tập trung đào tạo nguồn nhân lực vào các lĩnh vực như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo trợ xã hội, người tàn tật và người cao tuổi, phòng chống tệ nạn xã hội…
Một tín hiệu vui là Chính phủ đang triển khai đề án phát triển nghề CTXH. Với tổng kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng, mục tiêu của đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Ngoài việc nâng cao chất và lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH, đề án còn có nhiệm vụ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên CTXH theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và theo nhóm đối tượng.
Khi Đề án hoàn thành sẽ có 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp và 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo lại. Song song với việc đó, mới đây Bộ Nội vụ cũng đã có thông tư hướng dẫn về việc ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH. Theo đó, ngạch viên chức này gồm 3 chức danh: CTXH viên chức; CTXH viên; nhân viên CTXH. Đây là căn cứ để coi CTXH là một nghề được đào tạo bài bản, có chức danh, ngạch lương chứ không còn mù mờ như trước đây.
Hồ Việt