
Sự kiện bé Ngọc Lan 3 tuổi (xã Gia Kiệm- huyện Thống Nhất – tỉnh Đồng Nai) bị chết khi rơi xuống hệ thống mương thoát nước dọc quốc lộ 20 gây xôn xao trong dư luận những ngày gần đây. Điều đau lòng hơn nữa là cũng gần vị trí này hai năm về trước (2004) một em bé 7 tuổi cũng đã chết khi không may lọt xuống mương lúc trời vừa mưa xong.
Hai cái chết và lời cảnh báo

Biên bản hiện trường của Công an xã Gia Tân 3– huyện Thống Nhất – Đồng Nai ghi nhận, khoảng 12g30 ngày 23-7-2006 trước cửa quán nhậu “Cây Xoài” ở ấp Tân Yên (xã Gia Tân 3) cháu bé Ngọc Lan bị rớt xuống mương nước dọc QL20. Lúc này trời đã tạnh mưa, nước đổ vào con mương rất xiết, bé Lan bị cuốn trôi và được tìm thấy xác ở một con suối cách vị trí này khoảng 18km.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc là dì ruột của bé Ngọc Lan khai với công an rằng trước đó đã cùng với chị Tâm (mẹ của bé Lan) tới quán nhậu “Cây Xoài” chơi với bà Trang chủ quán, cũng là chị chồng của chị Tâm. Bà Ngọc ngồi trong quán nhìn ra thấy bé Kiều Phương (5 tuổi) là con của chủ quán rủ bé Lan ra mương bắt cá. Trong khi nô đùa, bé Phương đã đẩy bé Lan rơi xuống con mương. Và đến 10 phút sau có người biết sự việc, tri hô lên thì sự thể đã muộn.
Cũng thời điểm tháng 7 mùa mưa này của hai năm về trước (2004), ngay vị trí vào ấp Đông Kim – xã Gia Kiệm (bên phải QL20) em Vũ Ngọc Đức (7tuổi) không may lọt xuống mương vì nước ngập tràn cả mặt đường sau khi mưa, kéo lên được thì đã chết do ngạt nước. Hai cái chết đau lòng này gióng lên một hồi chuông báo động, vẫn còn nhiều trẻ em trong mùa hè ở đây vô tư chơi đùa ngay miệng mương thoát nước mà chẳng có người trông coi.
Ai chịu trách nhiệm?
Sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra trên QL20, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam Mai Văn Đức đã gửi ngay công điện cho Khu Quản lý đường bộ VII yêu cầu phối hợp với cơ quan chức năng xác minh vụ việc, thống nhất với địa phương tìm giải pháp khắc phục nhằm không để xảy ra tai nạn tương tự. Tuy nhiên, những bức xúc xung quanh 2 cái chết này vẫn còn đó…?
Theo điều tra ban đầu của chúng tôi, QL20 dài 73km từ ngã ba Dầu Giây (QL1A) đến giáp ranh Lâm Đồng (Madagui), nằm trên địa bàn Đồng Nai, tuyến đường cấp 3 miền núi này hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1997.
Thời điểm ấy dân cư ngụ dọc đường, nhất là ở khu vực xã Gia Tân, Gia Kiệm không nhiều. Do vậy, hệ thống thoát nước ở đây làm theo kiểu mương hở để thu và thoát nước nhanh là phù hợp. Tuy nhiên hiện nay hơn 4km QL20 đoạn qua Gia Kiệm, Gia Tân nhà dân đã dày đặc, nhiều nhà dân còn xây dựng lấn ra hành lang bảo vệ đường bộ đã làm cho hệ thống mương này bộc lộ nhiều bất cập… mà cụ thể là hệ thống mương này vô hình trung đã trở thành cái bẫy “bẫy” nhiều người đi qua vô ý.
Chi cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), Công ty 79 (đơn vị trực tiếp quản lý QL20) đã có đề nghị cho lắp đặt các tấm đan ở những vị trí xung yếu. Khu QLĐB VII cũng cho lắp đan ở một số nơi quan trọng như trường học, nhà thờ, nhà dân, chợ … nhằm giúp cho sinh hoạt người dân không bị trở ngại.
Thế nhưng, bức tranh chung rất khó coi vì chỗ có, chỗ không, vừa hở vừa kín, không triệt để và tai nạn vẫn luôn rình rập, nhất là với trẻ em. Hiện nay, Khu QLĐB VII đang cho khảo sát để “phủ” toàn bộ đan cho hệ thống mương hở này… một việc làm dẫu muộn nhưng cần thiết.
Đây là một bài học đau xót cho tất cả các bên liên quan: bậc cha mẹ đã lơ là không trông con cẩn thận; những người quản lý hệ thống mương đã không đưa ra những giải pháp công trình phù hợp với thực tế mới phát sinh. Mong rằng sẽ không còn có những cái chết thương tâm như vậy.
Thanh Chương