Công trình chống ngập... gây ngập

Ngập kéo dài 15 giờ
Công trình chống ngập... gây ngập

UBND TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc dẫn dòng thi công đảm bảo thoát nước cho khu vực trong quá trình triển khai các dự án chống ngập. Thế nhưng, thời gian qua trong quá trình thi công một số công trình chống ngập, đơn vị thi công không chấp hành nghiêm khiến nhiều tuyến đường, khu vực dân cư bị ngập nước mỗi khi có mưa lớn…

Nhiều tuyến đường ở TPHCM bị ngập nặng do ảnh hưởng của việc thi công công trình chống ngập chặn dòng. (Trong ảnh: Tuyến quốc lộ 1A đoạn nút giao thông Gò Dưa ngập sâu trong nước sau cơn mưa chiều 9-7).

Nhiều tuyến đường ở TPHCM bị ngập nặng do ảnh hưởng của việc thi công công trình chống ngập chặn dòng. (Trong ảnh: Tuyến quốc lộ 1A đoạn nút giao thông Gò Dưa ngập sâu trong nước sau cơn mưa chiều 9-7).

Ngập kéo dài 15 giờ

Dù chỉ mới vào mùa mưa vài tháng nhưng sau mỗi cơn mưa trên nhiều tuyến đường, khu vực dân cư ở nhiều khu vực tại TPHCM bị ngập sâu trong nước. Cụ thể, cơn mưa lớn xảy ra vào chiều 9-7 đã làm một số tuyến đường như quốc lộ 13, 1A, Gò Dưa, Tỉnh lộ 43 (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai (quận 9)… bị ngập sâu trong nước khiến người dân và phương tiện phải “bì bõm” lội nước để đi lại. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (Trung tâm chống ngập), cơn mưa chiều 9-7, đã làm 16 tuyến đường trên địa bàn TP bị ngập nước. Những cơn mưa sau đó cũng diễn ra tương tự: mưa lớn là ngập và kéo dài.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TPHCM) gói thầu xây lắp số 1, 2 và 3 có kích thước không bảo đảm, là nguyên nhân gây ngập khu vực lân cận khi có mưa.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TPHCM) gói thầu xây lắp số 1, 2 và 3 có kích thước không bảo đảm, là nguyên nhân gây ngập khu vực lân cận khi có mưa.

Theo Trung tâm chống ngập, qua theo dõi các trận mưa đầu mùa năm 2012 đến nay, các tuyến đường trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm như: Hòa Bình, Bàu Cát, Đồng Đen, Trương Công Định… bị ngập nước thường xuyên khi có mưa (15 lần ngập), đặc biệt đường Hòa Bình (từ Lạc Long Quân đến kênh Tân Hóa) thời gian ngập kéo dài từ 10-15 giờ và chiều sâu ngập từ 30-50cm, ảnh hưởng đời sống người dân trong khu vực quận 11, Tân Phú và Tân Bình. Nguyên nhân, do việc thực hiện dự án thành phần 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư đang triển khai thi công gói thầu xây lắp số 1, 2 và 3 (lấp kênh, thay thế bằng cống hộp có kích thước từ 2m x 2,5 x 3,0 đến 4 x 2,5 x 3m).

Trong khi đó, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khoảng 1.446ha nhưng đơn vị thi công chỉ dẫn dòng thi công bằng cống tròn D1.200mm không đảm bảo thoát nước cho khu vực. Cách đây không lâu, Trung tâm chống ngập đã chủ trì họp với đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan để thảo luận phương án tăng cường dẫn dòng thi công cho kênh Tân Hóa - Lò Gốm, các bên thống nhất giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị tổng hợp phương án dẫn dòng đã thảo luận, xây dựng giải pháp cụ thể gửi các đơn vị liên quan và cùng phối hợp giải quyết đảm bảo thoát nước cho khu vực, thời hạn hoàn thành trước ngày 20-5. Nhưng đến nay, đơn vị này vẫn chưa thực hiện.

Tương tự, đối với khu vực nút giao thông cầu vượt Gò Dưa, phường Tam Bình và Bình Chiểu, quận Thủ Đức thời gian qua người dân cũng phải sống chung với cảnh ngập nước mỗi khi có mưa. Nguyên nhân, do hiện nay đơn vị thi công cống hộp thay thế rạch Cầu Miếu thuộc dự án nút giao thông Gò Dưa dẫn dòng bằng cống D600mm không đảm bảo thoát nước (cống hiện hữu tại vị trí tiếp giáp rạch là cống hộp 3x2,5x2,5m).

Đình chỉ thi công đơn vị vi phạm

Để đảm bảo thoát nước cho lưu vực kênh Tân Hóa trong mùa mưa năm 2012, UBND TPHCM đã chỉ đạo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị nghiên cứu thực hiện một số giải pháp như: Tăng tiết diện cống dẫn dòng thi công từ D1.200mm lên cống hộp 2,0 x 2m. Tận dụng khoảng không hai bên hố móng để tăng cường dẫn dòng khi có mưa lớn: Hạ cao độ hai bên hố móng để tận dụng thoát nước khi bị ngập sâu cho khu vực. Đấu nối liền tuyến cống Lũy Bán Bích để tăng cường công tác dẫn dòng tại 3 vị trí: Ngã tư Lũy Bán Bích và Hòa Bình, Trịnh Đình Thảo, Huỳnh Thiện Lộc. Đấu nối tuyến cống trên đường Ông Ích Khiêm vào tuyến cống Bình Thới để chia bớt lưu lượng về hạ lưu kênh Lò Gốm. Nạo vét thông thoáng lòng kênh Tân Hóa (tập trung tại các cửa xả Huỳnh Thiện Lộc, Trịnh Đình Thảo, Hòa Bình, cửa xả chân cầu Tân Hóa), thường xuyên kiểm tra, nạo vét tuyến cống dẫn dòng, mương dẫn dòng để tăng khả năng thoát nước khi xảy ra mưa lớn. Chủ động điều động phương tiện cơ giới, máy bơm nước, nhân lực, kịp thời ứng cứu, khai thông lòng kênh Tân Hóa khi có mưa lớn để đảm bảo thoát nước cho khu vực.

Để đảm bảo thoát nước cho lưu vực kênh Tân Hóa cũng như các khu vực đang triển khai thi công dự án khác trong mùa mưa năm 2012, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các đơn vị thi công chặn dòng thi công nhưng không có biện pháp dẫn dòng thi công hợp lý gây ngập cho khu vực. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo và đề xuất UBND TP có biện pháp xử lý đình chỉ thi công có thời hạn hoặc không thời hạn trên địa bàn TP, nhất là các đơn vị đã bị xử lý nhưng không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục