Kỷ niệm 66 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Công trình nhỏ, ý nghĩa lớn

Công trình nhỏ, ý nghĩa lớn

Tháng 10 năm 1947 ở giữa đồng bưng Đồng Tháp Mười đã ra đời một nền điện ảnh cách mạng. Lúc bấy giờ, giặc Pháp chiếm hầu hết các tỉnh Nam bộ. Đồng Tháp Mười bị bao vây bốn bề, ở giữa là căn cứ Khu 8. Đồng Tháp Mười 6 tháng nắng hạn, 6 tháng nước ngập mênh mông, lại không có điện. Song, với lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm cao, những chiến sĩ cách mạng vẫn làm được phim.

Nền nghệ thuật điện ảnh non trẻ đã ra đời, giải quyết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn: phương tiện máy móc, phim nguyên liệu, thuốc, hóa chất... Cải tiến không ngừng để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất từ quay phim cho đến chiếu phim là cả một sự tìm tòi, gian khổ; đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh để có được những bộ phim khi địch luôn bao vây, đánh phá. Trận Mộc Hóa là bộ phim đầu tiên của Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8; đã chiếu ra mắt đồng bào, chiến sĩ Đồng Tháp Mười tháng 12 năm 1948.

Các nhà hoạt động điện ảnh cách mạng lão thành trước tượng đài vừa khánh thành. Ảnh: HOÀNG CHÍ HÙNG

Các nhà hoạt động điện ảnh cách mạng lão thành trước tượng đài vừa khánh thành. Ảnh: HOÀNG CHÍ HÙNG

Dấu son lịch sử điện ảnh cách mạng từ vùng Đồng Tháp Mười này đã góp phần động viên quân và dân Nam bộ tiến lên, cùng với cả nước chiến thắng thực dân Pháp.

Niềm ao ước của những người hoạt động điện ảnh lão thành ở Khu 8 và Nam bộ là xây dựng tại Mộc Hóa - cái nôi của nền điện ảnh cách mạng giữa đồng bưng Đồng Tháp Mười - một bức tượng được xem là công trình văn hóa ghi lại kỷ niệm những ngày làm điện ảnh cách mạng bưng biền và kỷ niệm bộ phim tài liệu đầu tiên ra mắt nhân dân, chiến sĩ.

Với tấm lòng tha thiết dành cho điện ảnh cách mạng, hai nhà quay phim Hồ Tây và Nguyễn Đảnh đã không ngại khó khăn, không ngại tuổi cao, tìm mọi cách để  thực hiện cho được công trình này với sự hỗ trợ của Hội Điện ảnh TPHCM và sự đóng góp của Đài Truyền hình TPHCM, Đài PT-TH Đồng Nai, Hãng phim Việt BHD, Đài PT-TH Bà Rịa – Vũng Tàu, Tạp chí Thời Trang Vàng, NSƯT Lý Huỳnh, ông Khương Việt Hùng (con của NSƯT Khương Mễ) trong việc xây dựng tượng đài và phù điêu kỷ niệm Điện ảnh cách mạng - Điện ảnh Khu 8 Nam bộ tại Mộc Hóa.

Công trình tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn, ghi dấu công lao to lớn của những nhà làm điện ảnh cách mạng non trẻ ở bưng biền và cả tấm lòng của những người yêu điện ảnh đã cùng nhau góp sức làm nên…

Ng.Huyền - Th.Quyên

Tin cùng chuyên mục