* Kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư và xử phạt 150 triệu đồng
Từ năm 2007 đến nay, Công ty Hào Dương liên tục gây ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, công ty này vẫn không thực hiện các giải pháp cải thiện tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN-MT TPHCM cho biết, tháng 11-2009, Tổng cục Bảo vệ Môi trường đã kiểm tra và phát hiện Công ty Hào Dương xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tổng cục đã chuyển hồ sơ đề nghị Thanh tra Sở TN-MT TPHCM xử phạt. Sở đã kiến nghị UBND TPHCM xử phạt.
Kế đến, UBND TP yêu cầu thanh tra sở thực hiện tái kiểm tra hành vi vi phạm môi trường của công ty. Kết quả kiểm tra vào tháng 5 vừa qua cho thấy, một lần nữa nước thải của công ty này tiếp tục vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần. Trước thực tế trên, sở kiến nghị UBND TP xử phạt công ty này với mức phạt tiền 150 triệu đồng.
Thống kê cho thấy, từ năm 2005 đến nay, công ty này đã từng bị khiếu kiện và xử phạt lên đến gần 50 lần. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm môi trường. Lý giải thực tế này, bà Nguyễn Thị Dụ cho rằng, Nghị định 117 chỉ cho phép ngưng hoạt động khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần trong trường hợp lưu lượng nước thải trên 2.000m³/ngày đêm.
Riêng trường hợp Công ty Hào Dương, chất lượng nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần nhưng với lưu lượng nước thải chỉ 1.000m³/ngày. Tuy nhiên, trong lần kiến nghị này, sở đã đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh và giấy phép đầu tư với công ty này vì quá chây ì trong công tác bảo vệ môi trường.
Chủ đầu tư hạ tầng chậm kết nối
Liên quan đến vụ việc Công ty Hào Dương, về phía chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước, ông Trần Anh Tích Lan, Giám đốc phụ trách môi trường thừa nhận rằng, hiện khu công nghiệp vẫn chưa thực hiện kết nối hạ tầng với đơn vị này. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, chủ đầu tư hạ tầng bắt buộc phải hoàn thiện hạ tầng. Điều này có nghĩa là chủ đầu tư hạ tầng phải đầu tư hoàn thiện hệ thống điện, cấp nước, thoát nước đến cổng của từng doanh nghiệp.
Riêng hệ thống thoát nước thì phải chia làm hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải. Còn nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải tách rời hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của mình. Đối với nước mưa đấu nối trực tiếp vào hệ thống thoát nước mưa chung của khu công nghiệp.
Còn nước thải sản xuất thì phải xử lý cục bộ trước khi đấu nối vào hệ thống nước thải tập trung. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải trả một phần chi phí cho chủ đầu tư để vận hành và xử lý thêm một bước chất lượng nước thải của doanh nghiệp tại hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Điều này càng trở nên quan trọng khi việc quản lý và xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường đã được phân cấp xuống từng quận huyện, ban quản lý KCX-KCN và chủ đầu tư hạ tầng. Nhưng với trường hợp chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước thì cho đến nay vẫn chưa đầu tư hạ tầng thoát nước, đảm bảo để Công ty Hào Dương thực hiện kết nối theo đúng quy định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất khó kiểm soát chất lượng nước thải của Công ty Hào Dương trong trường hợp đơn vị này vẫn cố tình vi phạm môi trường.
ÁI VÂN