Công ty rất “lính”

Công ty rất “lính”

9 cựu chiến binh (CCB), thương binh của Trung đoàn 33 (QK7) ngày nào giờ đã là 9 doanh nhân trong thời bình. Tên doanh nghiệp của họ cũng rất lạ, rất “lính”: Công ty cổ phần Trung đoàn Ba ba (CTCPTĐBB).

  • Từ trong khói lửa…
Công ty rất “lính” ảnh 1

Các CCB năm xưa, nay lại sát cánh bên nhau trong CTCPTĐBB.

Đại tá Trần Văn Luận, nguyên Chính ủy Trung đoàn 33 (TĐ33), hiện là Chủ tịch HĐQT CTCPTĐBB, rưng rưng nước mắt khi tôi hỏi thăm về trận đánh đồn Pleime: “Đó là trận đầu tiên quân đội ta đụng độ trực tiếp với Sư đoàn 1-Anh cả đỏ, của Mỹ. Sau 7 ngày 7 đêm bao vây, chúng tôi cạn sạch bắp rang dự trữ, anh em cũng hy sinh dần. Tôi không thể quên những đồng đội hy sinh trên tay mình, máu loang ướt đất”.

Đó chỉ là một ký ức trong hàng trăm ký ức bi hùng mà TĐ33 đã kinh qua trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, tỷ như trận đánh với lính chư hầu Rồng Xanh năm 1972, trận đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột Tết Mậu Thân… Bây giờ, ngồi trước mặt tôi là 9 người lính, 9 CCB, của TĐ33 anh hùng.

Ông Luận bị bom bi găm vào lưng, thương tật 41%; anh Ký (Phạm Nhật Ký- PGĐ) bị đạn phá tay, vai, bụng, thương tật 31%; anh Hồng (Nguyễn Văn Hồng-Chánh VP) bị sức ép bom nên tai điếc; riêng GĐ Phan Đức Chi thì toàn bộ xương phải của cơ thể vỡ nát, teo cơ chân phải, tỷ lệ thương tật lên đến 67%... 9 CCB, 9 thương binh, của TĐ33, nay là 9 cổ đông của CTCPTĐBB.
 
Trong tờ trình gửi UBND TPHCM xin chủ trương đầu tư Viện An dưỡng Sài Gòn (VADSG) rộng 10 hécta tại quận 9 để nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và người già, CTCPTĐBB nêu rõ: “Trong số 200 anh em cựu chiến binh TĐ33 tại phía Nam đã có tới 150 thương binh và hầu hết bị nhiễm CĐDC. Trong mất mát đau thương của dân tộc, mất mát hy sinh của TĐ33 chỉ là phần nhỏ. Vì vậy, TĐ33 mong thành lập VADSG để giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình CCB và xã hội…”.

  • “Nghị quyết” các bà vợ lính

Xem hồ sơ lưu, chúng tôi bắt gặp một biên bản ghi nhớ khá kỳ lạ của 9 người vợ lính. Họ cam kết sẽ cùng với 9 người chồng thương binh đưa tất cả tài sản của mình vào làm vốn để thực hiện dự án. GĐ Chi nói vui: “Tất cả chúng tôi đều là đảng viên, có người như anh Luận đến 40 tuổi Đảng nên khi bắt tay nhau làm đã đưa ra nghị quyết hẳn hòi.

Trong chiến đấu, mình không chết là may lắm rồi, bây giờ có của ăn của để, chúng tôi quyết tâm phục vụ xã hội. Phần các bà, cũng có một “nghị quyết” riêng. Vốn hiện kim của công ty chúng tôi là 5 tỷ, chưa kể 1,6 hécta đất tại vị trí làm dự án. 9 anh em dự định nâng tổng vốn lên 30 tỷ”.

Theo dự án, những năm đầu tiên, CTCPTĐBB sẽ nuôi dưỡng 200 nạn nhân CĐDC theo tiêu chuẩn 1 triệu đồng/người/tháng (miễn phí) và xây hẳn một khu an dưỡng cho người cao tuổi để lấy thu bù chi. Bên cạnh đó, khu vực trồng rau sạch và hoa lan theo chương trình “cây-con” của TPHCM cũng được triển khai trên phạm vi rộng để lấy vốn phục vụ cho con số 1.000 nạn nhân CĐDC vào 10 năm tới.

Cựu Chính ủy TĐ 33 Trần Văn Luận lý luận: “Quy mô VADSG phải ngang tầm một trung tâm điều dưỡng quốc tế với nghiệp vụ y tế do một cựu chiến binh TĐ33 liên kết, anh này đang là GĐ BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Bưu điện 2. 

Chúng tôi còn lập hẳn một khu thể thao, du lịch sông nước để lấy ngắn nuôi dài. Rất nhiều đoàn cựu binh các nước đã đến và hứa sẽ ủng hộ chúng tôi, phải huy động thêm sự trợ giúp của toàn xã hội nữa. Chỉ cần UBND TPHCM chấp thuận địa điểm là chúng tôi triển khai công việc ngay, các nạn nhân CĐDC không còn chờ lâu hơn được nữa”.

Hy vọng rằng bài toán của giám đốc thương binh Phan Đức Chi và các đồng đội sẽ sớm có lời giải đẹp.

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục