Công viên Gia Định bị giảm diện tích, bù lại bằng công viên mới

Đối với dự án nằm trên địa bàn quận Tân Bình

Người dân đang rất thắc mắc về một số vấn đề liên quan đến dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài - một trong những dự án trọng điểm của TPHCM từ nay đến năm 2010. Về việc này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP đã trả lời như sau:

Đối với dự án nằm trên địa bàn quận Tân Bình

Việc chọn hướng tuyến Bạch Đằng và Hồng Hà để giải tỏa là do khối lượng nhà bị giải tỏa trắng của hai tuyến đường trên là ít nhất so với các phương án (đường Bạch Đằng có 52 căn nhà và đường Hồng Hà 8 căn).

Bên cạnh đó, để tránh gây xáo trộn cho người dân, đường Hồng Hà được quy hoạch lộ giới 20m, đường Bạch Đằng có lộ giới 60m và tuyến đường vành đai lộ giới 60m nối dài đường Bạch Đằng và vòng xoay Trường Sơn cũng đã được đề xuất giảm xuống còn 20m cho phù hợp với thực tế.

Về việc thiết kế lệch tim đường Hồng Hà là vì tuyến đường này không hoàn toàn thẳng, hai đoạn tim tuyến tại giao lộ Hồng Hà - Yên Thế lệch nhau khoảng 3m và để kết nối hai đoạn tim tuyến này cần phải có một đoạn chuyển tiếp, nên việc nắn tuyến đường Hồng Hà là rất cần thiết.

Khi thiết kế tuyến đường phải dựa trên mặt bằng toàn tuyến, không thể lấy theo hiện trạng từng căn nhà, vì như thế sẽ tạo ra tim đường gãy khúc, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật hiện hành. Riêng việc giảm diện tích công viên Gia Định, phần đường Hồng Hà nối dài đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn đi qua công viên Gia Định sẽ được UBND quận Gò Vấp hoán đổi bằng việc lập một công viên khác trên địa bàn quận Gò Vấp, với diện tích gấp 1,2 lần diện tích bị tuyền đường chiếm chỗ.

Đối với những khu vực bị ảnh hưởng của dự án trên địa bàn quận Gò Vấp

Đối với đoạn từ khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn không thuộc diện quy hoạch hướng phóng tuyến con đường này nữa từ năm 1996, chỉ bố trí 20m lộ giới đảm bảo cho chiều đi vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhiều người dân thắc mắc đoạn đường từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn đến ranh giới đường Lê Lai thuộc phường 3 (khoảng gần 1km) mà từ năm 1997 đến nay có đến 6 - 7 bản đồ phóng hướng tuyến, tuyến đường cứ dịch qua dịch lại nhằm mục đích gì?

Câu trả lời là đoạn đường này từ năm 1997 có một số lần điều chỉnh tim dự án vì tính toán kỹ thuật, và cân nhắc lựa chọn giải pháp tối ưu về giải tỏa đền bù. Dự án đã được thu hồi đất, tổ chức cắm mốc và đến nay chỉ công bố một bản đồ quy hoạch để làm cơ sở thực hiện.

Về việc điều chỉnh vị trí nút giao thông Nguyễn Thái Sơn là do trong quá trình thiết kế phải dựa vào quy hoạch chung của địa phương (trong đó cũng phải thỏa thuận hướng tuyến với các quận liên quan), căn cứ vào các điểm khống chế và các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc… nên đơn vị tư vấn thiết kế, các sở - ngành liên quan đã chọn phương án vị trí tuyến và nút giao thông phù hợp nhất và việc điều chỉnh trên cũng đã được Bộ Xây dựng thẩm định.

Giải thích việc định ranh giải tỏa nhà từ tim đường ra 34m có gì khuất tất hay không?, ông Trần Quang Phượng cho biết: đoạn tuyến từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn đến nút giao thông gần cầu Gò Dưa có chiều rộng 60m, nhưng vì cần phải đắp cao để bảo đảm công trình thiết kế và xử lý nền đất yếu, do vậy bắt buộc phạm vi giải tỏa một số đoạn trên tuyến có thể lớn hơn 30m kể từ tim đường. Do đó một số khu vực thuộc hai quận Bình Thạnh và Thủ Đức có chiều rộng giải tỏa lớn hơn 60m.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ tuyến đường là hơn 7.968 tỷ đồngª

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục