Người không nhớ tuổi và chuyện "Cô gái vót chông"

Người không nhớ tuổi và chuyện "Cô gái vót chông"

Nhiều người không biết ông, thậm chí cả nhạc sĩ Hoàng Hiệp – người viết nhạc cho “Cô gái vót chông” – cũng thổ lộ rằng chỉ biết tác giả bài thơ là một người dân tộc thiểu số ở Phú Yên nhưng chưa một lần gặp mặt. Vài năm trước, khi còn khỏe, ông cũng vài lần về thị xã Tuy Hòa (nay đã là thành phố) để dự và đọc thơ Nguyên tiêu được tổ chức dưới chân Tháp Nhạn. “Nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, đi lại khó khăn quá nên mình cũng ít khi về xuôi để gặp gỡ anh em” – ông giãi bày.

Người không nhớ tuổi

Người không nhớ tuổi và chuyện "Cô gái vót chông" ảnh 1

Ông Mô Lô Y Choi

Ông là Mô Lô Y Choi (khi in sách, đôi khi người ta sắp chữ lộn là Mô Lô Y Clavi), người Ê Đê ở buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Bây giờ, lũ làng thường gọi ông là Oi Thưng (ông của thằng Thưng) hoặc Ma Luê (cha của thằng Luê), một già làng bình thường như những người có tuổi khác trong buôn.

Oi Thưng cho biết, đến năm 2005 này, ông khoảng 75 tuổi, nhưng “đó cũng là áng chừng, lấy năm sinh của Đảng mà theo, chứ ama, amí chết sớm hết rồi, ai nhớ được bao nhiêu mùa rẫy mà biết đích xác tuổi tác!”.

Không nhớ rõ tuổi tác nhưng những biến thiên của cuộc đời mình cũng như của dân làng, Oi Thưng đều nhớ cả. Oi Thưng kể: “Mình sinh ra đã thấy khổ. Dân làng bị thằng ksóc (giặc, quỷ) Pháp lùng sục, bắt bớ, giết chóc liên miên. Ai cũng phải bỏ làng, bỏ nương rẫy, trốn sâu trong rừng để tìm củ, tìm quả sống qua ngày. Vậy mà chúng cũng chẳng tha, chúng dồn cả lũ làng về giết sạch...”.

Khoảng năm 1946, Y Choi trốn theo bộ đội, lăn lộn khắp chiến trường Tây Nguyên cùng bà con chiến đấu chống Pháp. Rồi sau đó, ông được đưa ra Bắc học trong diện đào tạo cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoài niệm về “Cô gái vót chông”

Sau khi được học chữ ở Trường Sư phạm Miền núi Trung ương, rồi học Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ lý luận văn hóa (Bộ Văn hóa), Y Choi được cử về làm biên tập mảng sáng tác văn nghệ dân tộc thiểu số của Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc.

ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, Y Choi bắt đầu làm thơ, viết báo phục vụ cách mạng. Khoảng giữa năm 1962 thì bài thơ “Cô gái vót chông” ra đời. “Đó là bài thơ đầu tiên của mình đấy” – Y Choi kể – “Một đêm giữa núi rừng Việt Bắc tĩnh lặng, mình bỗng nhớ ama, amí và lũ làng da diết, nhớ những ngày cùng nhau vót chông đánh thằng ksóc Pháp...

Vậy là mình bật dậy, viết một mạch đến sáng thì xong”. Y Choi gửi luôn bản gốc bài thơ dự thi Báo Văn Nghệ, và tác phẩm đầu tay này đã mang về cho ông giải khuyến khích. Ông cười khanh khách khi được hỏi về nguyên mẫu cô gái vót chông trong bài thơ và bảo rằng: “Không phải người yêu mình đâu. Đó là toàn thể lũ làng mình đánh giặc đấy”.

Vài tháng sau, nghe trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam bài hát “Cô gái vót chông” được giới thiệu là nhạc của Hoàng Hiệp, lời thơ Mô Lô Y Choi, ông sung sướng đến rơi nước mắt. Cùng với giải thưởng thơ, bài hát đã kích thích xúc cảm của Y Choi, ông bắt đầu chuyên tâm làm thơ, nhiều bài của ông sau đó như “Em của núi rừng”, “H’Ní”, “Em chờ”, “Tiếng hát Đam San”... được đăng trên báo Văn Nghệ, được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Những thông tin chiến sự ác liệt của miền Nam, của Tây Nguyên khiến Y Choi không thể ngồi yên nghe con chim khách hót véo von, nhìn hoa ban nở giữa núi rừng Việt Bắc. Năm 1965, ông kiên quyết xin về Nam chiến đấu đuổi ksóc Mỹ.

Hòa bình, Y Choi trở về nơi ông đã sinh ra như con chim tìm được về tổ cũ. Ông tìm được một phụ nữ vót chông “đồng cái bụng, đồng cái nhìn” để cùng làm nhà sàn, cùng lên nương xuống rẫy, sinh con đàn cháu đống, không màng danh lợi.

Tre, nứa rừng vót chông năm xưa, Y Choi bày ra làm đàn đing năm, đing goong dạy con cháu chơi; bày chúng hát trường ca, kể chuyện những ngày gian khổ... Ông thổ lộ: “Mình mãn nguyện lắm rồi. Cuộc sống của đồng bào ba mươi năm nay còn hơn những gì mình mơ ước. Chỉ có một điều đáng tiếc là Awa (Bác) Hồ không còn sống để vô miền Nam, lên Tây Nguyên uống rượu cần như mơ ước của Người và của lũ làng...”.

Nhớ nhà, nhớ lũ làng gian khổ chống Pháp, chống Mỹ, từ miền Bắc, Mô Lô Y Choi sáng tác “Cô gái vót chông” để rồi nó trở thành lời một ca khúc vang vọng mãi đến bây giờ...

 “Rất tình cờ, đọc báo Văn Nghệ, tôi thấy bài thơ “Cô gái vót chông” của Mô Lô Y Choi, bài thơ đã tạo cho tôi nhiều cảm hứng. Sẵn vốn chất liệu Tây Nguyên ấp ủ từ trước, tôi phổ nhạc bài thơ khá nhanh. “Cô gái vót chông” ngay sau khi ra đời đã được tốp nữ của Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương dàn dựng. Tác phẩm này về sau được biểu diễn ở một số nước châu Âu, được ghi đĩa ở Pháp... Vài năm sau đó, ca khúc được ca sĩ Tường Vi trình bày đầy sáng tạo, nâng lên một tầm cao mới, sống mãi trong lòng người thưởng thức cho đến bây giờ”
(Nhạc sĩ Hoàng Hiệp)

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục