Phòng tranh của NSND Trà Giang và đạo diễn Phan Vũ

Khi người làm phim vẽ tranh

Vào lúc 18 giờ 30 ngày 30-7-2004, tại Lotus Gallery số 47/202, NSND Trà Giang và đạo diễn Phan Vũ sẽ khai mạc một phòng tranh chung, gồm 40 bức vẽ mới nhất. Đây là lần đầu tiên hai nghệ sĩ điện ảnh cùng triển lãm những tác phẩm hội họa.
Khi người làm phim vẽ tranh

Vào lúc 18 giờ 30 ngày 30-7-2004, tại Lotus Gallery số 47/202, NSND Trà Giang và đạo diễn Phan Vũ sẽ khai mạc một phòng tranh chung, gồm 40 bức vẽ mới nhất. Đây là lần đầu tiên hai nghệ sĩ điện ảnh cùng triển lãm những tác phẩm hội họa.

  • NSND Trà Giang: Vẽ là cứu cánh
Khi người làm phim vẽ tranh ảnh 1

NSND Trà Giang bên giá vẽ.

Chị nghỉ đóng phim đã lâu, dễ chừng hơn 10 năm kể từ vai dì Năm trong bộ phim truyện video Nguyễn Thị Minh Khai của đạo diễn Bạch Diệp. Nhiều năm sau phim ấy, tuy có nhiều lời mời, song chị không nhận lời. Chị nghĩ vai trò của mình đã xong và chị muốn dành quỹ thời gian còn lại để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, bù đắp những “thiệt thòi” cho người thân trong những ngày tháng chị biền biệt với phim ảnh. Thế rồi mọi sự bỗng trở nên hụt hẫng khi người bạn đời đột ngột ra đi mãi mãi vì bệnh hiểm nghèo. Đó là những tháng ngày đau buồn nhất trong cuộc đời chị. Chồng không còn, con đi học xa, chị loay hoay không biết làm gì để lấp đầy khoảng trống mỗi ngày. Rồi như một món quà của thượng đế, bỗng một ngày chị tình cờ phát hiện ra có một người vợ góa đã tìm lại được niềm vui qua hội họa. Chị không chắc mình có vẽ được không song “giải pháp” của người phụ nữ ấy đã cuốn lấy chị.

Chị quyết định xin “đi theo”. Thì ra, không phải chỉ có một mà là một nhóm đến cả chục người, gồm toàn phụ nữ, già có, trẻ có và hầu hết đều đến với hội họa để không phí thời gian nhàn rỗi, nhưng họ không vẽ tự phát mà tổ chức lớp học hẳn hoi, mời các thầy có uy tín về dạy, chỉ dẫn từng bước đúng giáo trình của trường vẽ. Nhóm ấy lấy tên là Hương Cỏ và liên tục từ năm 2001 đến nay, đã ba lần tổ chức triển lãm lớn với số tranh bán được cũng thật đáng nể.

NSND Trà Giang đã cầm cọ được 4 năm. Từ lúc chưa có khái niệm gì về màu, đến nay, chị đã có thể tạm sống được nhờ tranh. Song điều thu hoạch lớn nhất là chị đã tìm được niềm đam mê với hội họa, nó thôi thúc chị cả trong giấc ngủ. Sáng dậy, điểm tâm qua loa, chị lại vội vã xách chìa khóa sang xưởng vẽ. Xưởng vẽ của chị nằm trên tầng 3 chung cư 59 Phạm Ngọc Thạch, nơi một thời là tổ ấm của gia đình nhỏ của chị. Sau hơn 4 năm, đã có nhiều tranh được khách hàng đặt mua, lớp học của nhóm Hương Cỏ vẫn diễn ra đều đặn ngày ngày. Cứ mỗi sáng, các “vẽ sĩ” học trò lại tụ về xưởng vẽ của chị cho đến xế trưa. Buổi chiều, ai về nhà nấy, trả lại cho chị sự yên tĩnh. Có khi chị vẽ, có lúc lại lúi húi đóng khung, một công việc lẽ ra không phải của phụ nữ nhưng chị đã phải tự phấn đấu đến thành thạo như hiện nay. Sản phẩm hoàn thành đầu tiên của chị là một bức tranh tĩnh vật về hoa. Chị đã vẽ rất nhiều loại hoa và “nghề” nhất là hoa cắm trong bình, thường mang một dáng vẻ yên tĩnh, nghiêm trang. Cùng với hoa là trái cây, cũng đủ loại, thỉnh thoảng trong số tác phẩm mới của chị lại xuất hiện một mâm cơm, niêu đất dở dang có một cái chén thừa còn úp. Chị nói, đó là lúc chị nhớ đến anh.

Thời gian gần đây, chị chuyển sang vẽ phong cảnh. Từ ngôi nhà tranh liêu xiêu trong xóm vắng - chút ký ức về những năm tháng đóng phim ở Quảng Trị, miền Trung cho đến những khúc sông rợp bóng dừa xanh ở miền Nam, cả sương mù bâng khuâng của Đà Lạt sớm mai... Con gái chị – nghệ sĩ piano Bích Trà – mỗi năm về nghỉ hè đều cười sung sướng nửa đùa nửa thật nói: “Mẹ mỗi năm một lên tay!”. Có lẽ vì vậy mà lần triển lãm này, chị mang ra trưng bày 16/20 bức tranh phong cảnh.

  • Đạo diễn Phan Vũ: Tôi chỉ vẽ cái đẹp

Thân hình cường tráng, dáng đi băm bổ và áo quần rất “hippi”, khó ai tin được ông năm nay đã gần chạm ngõ 80. Đúng như ông nói: “Cơ bản là thấy mình có sức!”. Sức ở đây là sức bứt phá, ở tay cầm cọ lẫn tay cầm viết. Tác giả bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố” thú nhận gần một năm nay, ông không đụng tới chữ, song vẫn trông chờ ở một kịch bản phim đang được chào hàng bên... Tây!

Khi người làm phim vẽ tranh ảnh 2
"Nghĩ về hoa" của Phan Vũ.

Ông sinh ra là một người tài hoa nhưng lận đận. Từ rất sớm đã có thiên hướng văn chương song đến năm 46 tuổi mới có kịch bản được dựng phim. Trước kia, ông được biết đến nhiều “nhờ” là chồng một diễn viên điện ảnh nổi tiếng – nghệ sĩ Phi Nga, người đóng vai Hoài trong Chung một dòng sông, bộ phim được coi là phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng. Ông cũng đã từng được mời đóng phim song người ta đùa rằng vì không nhân vật nào có ngoại hình giống Charles Bronson (diễn viên Mỹ) như ông nên ông không nổi tiếng. Ông đã làm đủ công việc, từ viết kịch bản, đạo diễn sân khấu-điện ảnh, viết văn, làm báo, làm thơ và từ năm 1995 tới nay, thêm nghề vẽ tranh. Ông nói, tất cả những nghề đã làm đều làm vì thích và trong tất cả những cái thích ấy thì vẽ là tự do hơn cả, không bị lệ thuộc vào một ai khác.

Gần 70 tuổi mới cầm cọ song ông lại là người yêu thích và có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Lẽ ra, thời trẻ, ông đã thi vào mỹ thuật từ thời Pháp song gia đình,  muốn ông đeo đuổi con đường khoa bảng. Ông chơi khá thân với nhiều danh họa ở Hà Nội và bài thơ Em ơi, Hà Nội phố chính là cảm tác từ một tình bạn thân thiết với danh họa Bùi Xuân Phái, vốn được coi là chuyên gia về “phố”. “Bên cạnh mấy “cha” đó, dại gì vẽ!” – ông cười giải thích về sự muộn màng của mình với hội họa.

Ông tự xác định tranh của mình thuộc dạng bán trừu tượng, không quan trọng cái cụ thể mà thiên về tả ý, chơi màu, thích cái vẻ rực rỡ của màu. Mỗi ngày, cứ 4 giờ sáng, ông thức dậy cầm cọ, đuổi theo màu suốt cả ngày, quên ăn uống cho đến nét chấm màu cuối cùng của tranh mới thôi. Mặc dù đã có năm lần triển lãm, ông cho rằng mình vẫn đang học vẽ, và để đi đến “vẽ thật” còn mất nhiều thời gian nữa.

NHẬT LAM

Tin cùng chuyên mục