Từ “Cô lái đò” đến “Tiếng đàn bầu”

Từ “Cô lái đò” đến “Tiếng đàn bầu”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám và là một trong số các nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Nhà nước. Ông sinh ngày 20-8-1919 tại huyện Thanh Oai, Hà Đông, mất ngày 28-5-2001 tại Hà Nội, thọ 83 tuổi. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của người nhạc sĩ lão làng này, xin điểm lại những bước đường âm nhạc và một số tác phẩm nổi tiếng của ông.

…Tôi gặp và làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tại Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957 ở Hà Nội. Sau đó tôi thường xuyên đến nhà ông ở phố Huế để hỏi chuyện âm nhạc vì lẽ khi còn là một học sinh phổ thông tôi thường “nghêu ngao” và hòa đàn với bạn bè một số ca khúc trữ tình lãng mạn của ông. Khi tiếp xúc với nhạc sĩ đàn anh này, tôi thường tranh thủ tìm hiểu về cuộc đời sáng tạo âm nhạc của ông.

Từ hồi nhỏ, cậu bé Phúc đã cảm thấy say mê những làn điệu dân ca từ bài Hành vân mà ông bố thường hát, đến bài Hát xẩm ai oán của đứa bé mù trên tàu điện, từ lời ru ngọt như mía lùi của vú em, đến bài hát đồng dao của lũ trẻ con trong nhà… Vào tuổi 20, chàng thanh niên Phúc tìm thầy học đàn. Cậu đến thầy đàn Phạm Đăng Hinh, nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ, để học violon nhưng không kết quả rồi lại tìm đến một ông nghệ sĩ già đàn cello (violoncelle) người Nga tên là Sibirev, cậu mới học có kết quả và khi có nghề tương đối thì được dịp đi theo một đoàn xiếc để kéo đàn kiếm sống. Đồng thời với việc học nhạc, cậu còn say mê học vẽ, sau đó ít lâu còn có tranh triển lãm.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tự họa.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tự họa.

Bi quan, bế tắc với cuộc sống của xã hội ta thời thuộc Pháp, Nguyễn Đình Phúc đem suy tư, tình cảm của mình hồi ấy vào sáng tác đầu tay Lệ thu có mấy câu như sau: Ôi giấc mơ hoa đã tàn, xa rồi nhỉ, tìm đâu thấy?/ Ôi giấc mơ hoa đã tàn, xa rồi nhỉ, tìm đâu đây?/ Buồn ơi xa vắng mênh mông buồn… Năm 1942, ông rất vui được mời tham gia ban nhạc A.B.C. toàn đàn dây (violon, violla, contrebasse) do 5 nhạc sĩ trẻ thành lập (tự ví mình như dân a,b,c mới vào nghề). Ban nhạc A.B.C. từng được mời đi biểu diễn ở Hội chợ Sài Gòn.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhạc Nguyễn Đình Phúc có một sáng tác khá nổi tiếng là bài Cô lái đò. Trong năm 1944, sáng tác kế tiếp của ông là bài Lời du tử phổ biến vào thời đó. Năm 1946, một ngày trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, đang giữa trưa, nhạc sĩ Văn Chung tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc và bảo: “Đoàn thể kêu gọi văn nghệ sĩ chúng ta đi kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Đi đi! Đi ngay chiều nay!”. Thế là Nguyễn Đình Phúc lên đường tham gia kháng chiến không một chút chần chừ.

Hoàn cảnh trong kháng chiến đã tạo cho ông nhiều cảm hứng để sáng tác, trong đó đáng chú ý có các bài Quân tiên phong, Chiến sĩ sông Lô, Bình ca… Thời chống Mỹ, ông sáng tác rất nhiều, có thể kể các tác phẩm đáng chú ý như Bô lão chúng ta còn dẻo dai, Nhớ anh giải phóng quân, Gởi anh đi đầu quân, Những bông hoa cheng-ret… và xuất sắc nhất là bài Tiếng đàn bầu.

Ông là người có vinh dự viết nhạc cho bộ phim truyện đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam: Chung một dòng sông. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho phim truyện Lửa trung tuyến nổi tiếng một thời và nhiều phim tài liệu, phim hoạt hình… Sau ngày đất nước thống nhất, ông được đi tu nghiệp hơn 2 năm ở Bulgaria (khoảng 1976 - 1978). Thời kỳ này, ông viết một số tác phẩm khí nhạc lớn.

…Ông sáng tác ca khúc Cô lái đò vào năm 1944, lúc đó ông 25 tuổi. Trước đó ít lâu, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính ấn hành tập thơ Lỡ bước sang ngang được quần chúng, nhất là giới trẻ rất ngưỡng mộ. Trong tập thơ có bài Cô lái đò rất tình cảm, chinh phục Nguyễn Đình Phúc và thế là ca khúc Cô lái đò do ông phổ nhạc ra đời và nhanh chóng được phổ biến từ Bắc đến Nam: Xuân đã đem mong nhớ trở về/ Lòng cô gái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã nặng thề…

Ca từ của bài hát là một bài thơ tuyệt diệu. Bài thơ của Nguyễn Bính gợi lên hình ảnh một cô lái đò duyên dáng đáng yêu đã rời khỏi bến nước, dòng sông, để lại cho khách qua sông một nỗi buồn man mác như mình đã đánh mất một cái đẹp nên thơ. Nguyễn Đình Phúc cảm thấy bài thơ Cô lái đò như có phần máu thịt và tâm hồn của mình trong đó, bằng cảm xúc sâu đậm ông đã phổ nhạc bài thơ với giai điệu mượt mà, tiết tấu uyển chuyển với nhiều luyến láy mang đậm âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ, nét nhạc vừa nhớ thương, vừa luyến tiếc. Nghệ sĩ Thương Huyền - nay đã mất - là người đầu tiên hát bài này trong ánh đèn mờ ảo của phòng trà Thiên Thai ở phố Hàng Gai, Hà Nội và từ đó chắp cánh cho bài Cô lái đò bay cao, bay xa tới mọi miền đất nước...

…Năm 1972, một hôm Nguyễn Đình Phúc đọc được bài thơ Tiếng đàn bầu của Lữ Giang trên báo. Đọc 2 câu Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha... của bài thơ, trong ông bỗng lóe lên ý nghĩ sẽ sáng tác một bài hát về tiếng đàn bầu Việt Nam. Ông tâm sự: Khi đọc, ông chợt nhớ lại cảnh mưa phùn gần chợ Đồng Xuân thời thực dân Pháp, một cụ xẩm mù đang gò lưng đánh đàn bầu, nảy những tiếng ai oán, não nuột.

Rồi nhớ cảnh tên sĩ quan tù binh Pháp Lepage khóc rưng rức khi nghe tiếng đàn bầu của văn công bộ đội ta tấu bài Ru con Nam bộ, rồi bài dân ca Pháp Frère Jacques. Lại nhớ đến cảnh cả nhà hát thành phố Sofia, Bulgaria đồng loạt đứng lên vỗ tay dồn dập hoan nghênh tiết mục đàn bầu của nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong thời chống Mỹ... Những hình ảnh ấy cùng với bài thơ đã tạo cho ông cảm hứng sáng tác nên ca khúc tuyệt vời Tiếng đàn bầu, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông: …Tiếng đàn bầu của ta/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha/ Ngân nga em vẫn hát tích tịch tình tang…

Tạo nên giá trị bài hát Tiếng đàn bầu trước hết là ở nội dung và cảm xúc ẩn chứa trong bài hát, nó toát lên cái đẹp, cái hay của cây đàn bầu Việt Nam có tiếng đàn ngọt ngào, đằm thắm, thiết tha, đến nỗi các cụ ngày xưa từng khuyên “làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Ca từ bài hát rất tinh tế, sâu sắc.

Dựa theo lời thơ của Lữ Giang (bài thơ có 4 đoạn thơ 5 chữ gồm 16 câu), Nguyễn Đình Phúc vừa phổ thơ một số câu vừa phỏng ý thơ viết thêm lời, rồi thêm ý, nhất đoạn về tiếng đàn bầu ngày nay. Ông dùng nhịp 6/8 (barcarolle-điệu hát đò đưa của Ý). Âm hình giai điệu của bài hát đậm đà âm hưởng dân tộc, được ông khai thác từ cách chơi đàn bầu, tay trái nắn cần đàn, bẻ ra uốn vào, có lúc lại rung rung tạo nên âm thanh trầm bổng, du dương, thánh thót... Đó là những yếu tố tạo nên nét độc đáo và thành công của ca khúc Tiếng đàn bầu của Nguyễn Đình Phúc và Lữ Giang.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục