Hồi ký

Thiếu tướng Trần Chí Cường được gặp Bác Hồ trước Chiến dịch Khe Sanh 1967

LTS:
Thiếu tướng Trần Chí Cường được gặp Bác Hồ trước Chiến dịch Khe Sanh 1967

LTS: Thiếu tướng Trần Chí Cường (tên khai sinh là Trần Thanh Nhã), nguyên Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, sinh năm 1926 tại thôn Phước Hưng, tổng An Cư, nay là xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ một anh học trò bươn chải cuộc sống chốn đồng quê, ông trở thành người chiến sĩ đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Với mong muốn ghi lại đôi nét về cuộc đời hoạt động của mình, qua đó nhắc nhớ thế hệ trẻ về công lao to lớn của bao đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu để giành độc lập tự do cho đất nước, Thiếu tướng Trần Chí Cường đã viết cuốn hồi ký “Đường lên phía trước” (NXB Quân đội Nhân dân - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc ghi). Dưới đây, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu một đoạn hồi ức của đồng chí.

Thiếu tướng Trần Chí Cường được gặp Bác Hồ trước Chiến dịch Khe Sanh 1967 ảnh 1

Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Thanh Bình tại triển lãm Hậu cần (1958). Người đứng ngoài cùng, bên phải là đồng chí Trần Chí Cường.

Vào một buổi chiều mùa hè năm 1967, anh Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, trước khi đi công tác nước ngoài có dặn tôi, người giúp anh theo dõi tình hình hậu cần các chiến trường: Nếu trong ấy có điện ra xin ngoại tệ thì đến báo cáo với đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng phụ trách Tài - Mậu và chiến trường.

Tôi đến nhà đồng chí Phạm Hùng ở 72 đường Phan Đình Phùng vào buổi chiều ngày chủ nhật, mang theo điện chiến trường và bản dự trù xin ngoại tệ. Anh Phạm Hùng tiếp và làm việc với tôi thân tình, thoải mái.

Giữa lúc tôi đang báo cáo thì có tiếng động nhẹ ở phòng khách bên cạnh. Vừa ngẩng lên tôi đã nhìn thấy Bác Hồ. Mừng quá, tôi định reo to: “Bác đến!”. May kịp kiềm chế. Người đến bất ngờ từ cửa sau và ngồi vào ghế bành.

Đồng chí Phạm Hùng và tôi vội đứng lên chào Bác. Anh Phạm Hùng vào phòng mặc thêm áo. Tôi loay hoay xếp tài liệu, cúi đầu xin phép Bác ra ngoài. Thấy tôi là bộ đội, Bác vẫy tôi đến bắt tay, chỉ cho ngồi cạnh. Bác hỏi:

– Chú làm gì trong bộ đội?

– Thưa Bác, cháu ở Tổng cục Hậu cần, giúp anh Đinh Đức Thiện theo dõi các chiến trường B, C, 559. Trong đó vừa có điện xin đôla và tiền Miên, cháu đến báo cáo với anh Phạm Hùng xin để gửi vào mua lương thực và vật dụng cho bộ đội.

– Xa thế, Đoàn 559 không đưa vào kịp à?

– Thưa Bác, đang bắt đầu mùa vận chuyển, song có tiền mua thêm tại chỗ vừa nhanh và rẻ.

– Như thế tốt, nhưng phải tiết kiệm ngoại tệ vì ta không có nhiều.

Bác ân cần hỏi:

– Thế bộ đội có bị thiếu thốn nhiều, có ai bị đói không? Khi ốm đau có thiếu thuốc không?

– Thưa Bác, thiếu thì có, nhưng không đói. Do thiếu thuốc tốt nên chữa bệnh lâu lành.

Người chỉ thị:

– Chú về nói các chú ở Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần quan tâm đến đời sống bộ đội tốt hơn, đừng để anh em thiếu ăn, ốm đau nhiều, mất sức chiến đấu.

– Dạ vâng ạ!

Đồng chí Phạm Hùng kịp trở ra phòng khách tiếp Bác. Tôi đứng lên xin phép Bác ra ngoài. Ra sân, tôi thấy xe Bác vừa đến là loại xe du lịch thông thường do Liên Xô sản xuất. Chiếc Pô-bê-đa màu trắng đục. Đồng chí lái xe ngồi dưới gốc cây trông xe và cảnh vệ một cách bình thản. Tôi đi vào phòng thư ký riêng của đồng chí Phạm Hùng.

Chừng 20 phút sau, Bác Hồ ra xe, đồng chí Phạm Hùng đi theo tiễn Bác. Tôi trở lại làm việc tiếp, được đồng chí Phó Thủ tướng giải quyết rốt ráo mọi yêu cầu của chiến trường. Tôi ra về với niềm vui được nhân lên gấp bội. Quả là đời tôi thật may mắn vì được gặp Bác hai lần, được Bác ân cần hỏi han dạy bảo.

Về cơ quan, tôi điện báo với Thủ trưởng Bộ. Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần đang thường trực ngày chủ nhật về việc được gặp Bác Hồ và những lời dạy bảo của Người.

Càng về cuối năm 1967, tình hình diễn biến hết sức khẩn trương. Các cơ quan từ Tổng hành dinh đến các đơn vị đều náo nức khí thế lên đường ra mặt trận. Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần cùng với Cục Tác chiến xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Chiến dịch Khe Sanh.

Tháng 11 năm 1967, tôi cùng anh Lê Ngọc Hiền, Cục trưởng Cục Tác chiến với một số cán bộ vào Nam Quân khu 4 để triển khai kế hoạch. Tiếp đó, chúng tôi đi nghiên cứu thực địa Khe Sanh để chuẩn bị các hướng của chiến dịch.

Thung lũng Khe Sanh có chiều ngang, dọc vào khoảng 5 – 10km. Đây là huyện lỵ của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khe Sanh có vị trí chiến lược rất quan trọng trên hệ thống trục Đường 9 qua Lào. Tuyến Đường 9 từ biên giới Việt - Lào đến Cửa Việt áng chừng 100km.

Đã mười bốn năm xa cuộc sống tiền tuyến, nay tôi mới có dịp trở lại. Tiếng máy bay địch gầm rú điên loạn, tiếng bom rung chuyển đất trời, tiếng súng của ta vang dội. Không khí của chiến trường khá rộn rịp, bất chấp bom đạn của kẻ thù.

Ở Khe Sanh, gặp những ngày mưa, lạnh tê người. Trong những ngày đi nghiên cứu thực địa các căn cứ hậu cần cho chiến dịch, tôi mang theo niềm vui được gặp Bác Hồ và những lời nói của Người tại nhà đồng chí Phạm Hùng để cổ vũ động viên anh em.

Sau mấy ngày nghiên cứu kỹ, chúng tôi xác định về hậu cần bố trí 3 căn cứ. Hướng chủ yếu H1 phía Tây Khe Sanh, hướng thứ yếu H2 phía Đông, H3 phía sau. H1 và H3 sẽ tiếp giáp với tuyến 559, H2 sẽ tiếp giáp với hậu cần Quân khu 4. Sở chỉ huy cơ bản, Sở chỉ huy hậu cần đều ở phía Tây Khe Sanh.

Ngày 6 tháng 12 năm 1967, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh được thành lập. Đồng chí Trần Quý Hai là Tư lệnh; đồng chí Lê Quang Đạo, Chính ủy; Phó Tư lệnh chung là Đàm Quang Trung; Chỉ huy hướng Đông, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh; cơ quan tham mưu Lê Ngọc Hiền; cơ quan chính trị Nguyễn Trọng Yên; Phó Tư lệnh hậu cần Trần Thọ; cơ quan hậu cần Trần Chí Cường.

Trước khi bắt đầu chiến dịch, lực lượng địch trên toàn chiến trường miền Nam có 9 sư đoàn quân Mỹ, 3 lữ đoàn quân ngụy. Quân chư hầu gồm 2 sư đoàn và 3 trung đoàn của Úc, Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Triều Tiên, Tân Tây Lan. Chúng có hệ thống phòng thủ kiên cố, có sức mạnh hỏa lực, có các cứ điểm Tà Cơn, Làng Vây, chi khu quân sự Hướng Hóa, có pháo hạm... và những căn cứ B52 ở Thái Lan sẵn sàng chi viện.

Lực lượng của ta ở phía Tây có Sư đoàn 304 và 325. Hướng Đông có Sư đoàn 320 và 324, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 27. Ngoài ra, ta còn có 5 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn cao xạ, 4 đại đội xe tăng. Một đoàn và 5 đại đội đặc công, một trung đoàn công binh tăng cường, một tiểu đoàn thông tin.

Ý định của Bộ là tổ chức tác chiến bằng hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mỹ - ngụy, thu hút lực lượng địch ra Đường 9 càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động. Từ cuối tháng 12 năm 1967 đến đầu tháng 1 năm 1968, các cơ quan, các lực lượng của ta đã triển khai xong theo kế hoạch tác chiến đã định.

Trước chiến dịch, hậu cần các hướng H1, H2 và dự trữ ở H3 đã đủ lực lượng và cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm đủ cho tất cả các hướng. Đồng thời có kế hoạch hiệp đồng với Đoàn 559 và Quân khu 4 trong các trường hợp cần thiết.

Cuối tháng 12 năm 1967, sau khi phát hiện ta tập trung quân chủ lực mạnh về quanh Khe Sanh và tăng cường áp sát các vùng ven đô thị lớn, Mỹ vội vàng co cụm về phòng thủ. Chúng cấp tốc điều quân chiến đấu tăng cường cho chiến trường Trị - Thiên.

Lúc này lực lượng địch có trên mặt trận là 32 tiểu đoàn, trong đó có 25 tiểu đoàn lính Mỹ, bằng một nửa số đơn vị chiến đấu của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Sư đoàn 325 và 304 lần lượt nổ súng tiêu diệt cứ điểm Động Trị và các điểm cao 1009, 845, 832, 573. Ngày 20 tháng 1 năm 1968, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ Đường số 9. Ta đánh chiếm huyện lỵ Hướng Hóa, đánh chiếm căn cứ Huội San, cắt Đường 9.

Ngày 6 tháng 2, các đơn vị của ta nổ súng áp đảo căn cứ Làng Vây, tiêu diệt trên 400 tên địch, bắt sống hàng trăm tù binh. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên trên chiến trường Trị - Thiên. Chiến thắng này tạo bàn đạp vững chắc để quân ta vây hãm Tà Cơn, thừa thắng xốc tới.

Trên cả ba hướng, các đơn vị chủ lực cũng như tại chỗ của ta đều được bảo đảm tốt về hậu cần, kỹ thuật. Đặc biệt, các lực lượng cơ giới pháo, xe tăng, xe kéo, xe tải, xe đặc chủng có đủ nhiên liệu để hoạt động. Sở chỉ huy chiến dịch bị địch đánh phá ác liệt nhất. Sở chỉ huy hậu cần và sở chỉ huy các binh chủng vẫn được an toàn.

Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh di chuyển sở chỉ huy về phía Đông Bắc. Cơ quan hậu cần hành quân di chuyển ngày đêm. Ban đêm đi dưới bom B52, ban ngày thì máy bay trinh sát quần đảo trên đầu. Chúng tôi vượt sông Xê-băng-phai, vượt núi 1.001 an toàn, liên lạc được với đồn công an vũ trang Làng Ho (Quảng Bình) cũng là nơi có Sở chỉ huy hậu cần Sư đoàn 308.

Không chịu nổi sức ép của quân ta, rạng sáng ngày 9 tháng 7 năm 1968, địch tháo chạy tán loạn khỏi căn cứ. Pháo binh ta liên tục đánh chặn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 15 tháng 7, ta làm chủ hoàn toàn Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa. Đường số 9 từ Cà Lu lên biên giới Việt - Lào dài trên 40km được giải phóng. Con đường vận tải chiến lược thông cả Đông và Tây Trường Sơn.

Theo tài liệu Mỹ công bố, quân Mỹ đã huy động 334 lần chiếc B52; 17.731 lần chiếc máy bay chiến thuật ném xuống ngoại vi Khe Sanh 78.000 tấn bom trong 60 ngày (*). Trong lúc quân ta siết chặt vòng vây, Khe Sanh bị vây hãm. Hướng Đông Đường 9, Sư đoàn 320 đánh mạnh vào các khu vực Đông Hà, Gio Linh, Cửa Việt, đánh bại cuộc càn quét, liên tục đánh phá các hệ thống giao thông trên đường 9, kìm chân 10 tiểu đoàn Mỹ - ngụy, uy hiếp tuyến phòng thủ đường 9 làm cho Khe Sanh càng bị cô lập, buộc địch phải tháo chạy.

Khi đến cách làng Ho chừng 500m, tôi gặp hai chiến sĩ ở hậu cứ trong một hang đá. Xung quanh có đất trồng rau. Chúng tôi vào đây nghỉ tạm. Đã quá nửa đêm mà tôi vẫn không tài nào ngủ được. Người chiến sĩ công an vũ trang nằm bên cạnh mới 22 tuổi, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình rất mê thơ. Tôi liền đọc mấy bài thơ của Tố Hữu, trong đó có bài viếng đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Tôi vẫn không hề chợp mắt. Thấy tôi trằn trọc, cậu ta hỏi: “Vì sao chú không ngủ?”. Tôi chép miệng nói rằng giờ này ở sườn núi bên kia có một đơn vị vẫn hành quân, trong đó có vị chỉ huy 55 tuổi đang mệt phải đợi sáng mai sương mù, không có máy bay mới sang sông.

Nghe vậy, cậu ta bỏ ra ngoài. Tôi hơi lo và thoáng chút hồ nghi nên có phần cảnh giác. Hồi lâu, người chiến sĩ này trở lại với thái độ vui vẻ. Tôi gợi hỏi có chuyện gì mới không, cậu ta trả lời:

– Nghe chú nói có đồng chí cán bộ cao cấp già chỉ huy bị mệt mà còn phải tiếp tục đi chiến dịch, cháu bảo thằng bạn làm thịt con gà nấu cháo để bồi dưỡng cho đồng chí ấy. Gọi là tấm lòng của chúng cháu ở đây, coi các chú như cha chú mình ở nhà mà.

Cảm động trước tấm tình chân thật đó, tôi ôm đồng chí công an vũ trang vào lòng. Tự nhiên, bao nỗi lo âu và sự mệt mỏi tan biến đâu mất. Vượt qua tất cả khó khăn, các căn cứ hậu cần với sự chi viện của Đoàn 559 và tiền phương Quân khu 4, các tuyến của chiến dịch bảo đảm thông suốt tận các đơn vị cho đến khi kết thúc toàn bộ chiến dịch.

Kết thúc chiến dịch, tôi về Hà Nội dự tổng kết. Trong buổi chiêu đãi của Quân ủy Trung ương, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ nói: “Nào đi chiến dịch về có chuyện gì thú vị kể cho mọi người cùng nghe”.

Tôi kể về chuyện đồng chí chiến sĩ công an nhân dân vũ trang ở làng Ho, nghe xong mọi người đều cảm động với tấm lòng của người chiến sĩ dành cho chỉ huy và đồng đội. Các anh Trần Quý Hai và Trần Thọ ngồi bên cạnh đều xúc động vì là người trong cuộc.


(*) Trận đánh 30 năm – Ký sự lịch sử – NXB QĐND, H.2005.

Tin cùng chuyên mục