
Hiện nay, tình trạng các dây nhợ chằng chịt trên cột điện đã đến mức báo động trong vấn đề an toàn điện và mỹ quan đô thị trên địa bàn TPHCM cũng như nhiều TP khác trên cả nước. Thực trạng này chủ yếu là do hệ thống dây thông tin đi trên cột điện của các công ty kinh doanh viễn thông tự ý câu móc trên cột điện mà không thông qua hoặc thỏa thuận với Công ty Điện lực TPHCM.

Nhiều dây thông tin treo mắc trên cột điện đã làm cột này bị nghiêng, dễ gây sự cố điện. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh).
Ảnh: Đ.TH.
Trong những năm qua, Công ty Điện lực TPHCM đã tiến hành cải tạo hầu hết hệ thống dây hiện hữu bằng các vật tư, thiết bị công nghệ mới như cáp hạ thế vặn xoắn ABC; thuê tư vấn thiết kế điện thực hiện đối với từng dự án phát triển cải tạo lưới điện. Nhờ vậy, hệ thống dây của ngành điện đã dễ nhận thấy trên cột điện, vì được bố trí đơn giản, bảo đảm kỹ thuật an toàn và mỹ quan. Theo số liệu thống kê của Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM, trên địa bàn TP có khoảng 36 đơn vị quản lý dây thông tin treo trên cột điện.
Tuy nhiên, chỉ có 5 đơn vị quản lý dây thông tin có thỏa thuận với Công ty Điện lực TP thông qua hợp đồng thuê cột điện. Thực trạng này đã gây cho Công ty Điện lực TP nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành điện và phối hợp xử lý khi có sự cố liên quan đến cột điện. Việc di dời cột điện theo các dự án mở rộng tuyến đường của TP cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không xác định được đơn vị nào quản lý dây thông tin trên cột điện, mặt khác do chưa có một quy định cụ thể nào về công tác này.
Để giải quyết khó khăn trên, UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 184/2006/QĐ-UB về “Quy chế quản lý sử dụng chung cột điện trong phạm vi TPHCM”. Theo quy chế này, các đơn vị chuyên ngành gồm: Bưu chính viễn thông, thông tin liên lạc, chiếu sáng công cộng, truyền hình cáp được tham gia sử dụng chung cột điện, các trường hợp khác phải được cấp thẩm quyền cho phép. Cấm quảng cáo, treo băng rôn trên cột điện… mà chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Các đơn vị sử dụng chung cột điện phải thỏa thuận với đơn vị điện lực bằng hợp đồng thuê mướn. Các đơn vị có dây thông tin chung trên cột điện phải có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Trường hợp các đơn vị khác sử dụng chung cột điện nhưng không đăng ký, hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc với đơn vị điện lực có cột điện, hoặc trốn né trách nhiệm phối hợp giải quyết những bất thường do hệ thống khác trên cột điện đe dọa gây ra sự cố lưới điện , đơn vị có cột điện sẽ phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông, Sở Công nghiệp chứng kiến giám sát, tháo dỡ hệ thống khác trên trụ điện để xử lý khiếm khuyết đe dọa gây ra sự cố… khi đó đơn vị có cột điện không chịu trách nhiệm đến việc hư hỏng vật tư thiết bị cũng như tín hiệu đường truyền thông tin của đơn vị khác.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tuyến, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Điện lực TPHCM cho biết: “Để thực hiện quy chế này, công ty đã triển khai thí điểm việc bố trí, sắp xếp lại dây thông tin đi chung cột điện tại mỗi điện lực địa phương 1 vị trí, vị trí thí điểm có thể là 1 cột điện, 1 trạm biến điện hoặc 1 tuyến đường, dự kiến hoàn thành trong tháng 2-2007. Song song đó, Công ty Điện lực TPHCM cũng chủ động liên hệ Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM để cùng phối hợp thực hiện thí điểm công tác này trên đường Hai Bà Trưng từ ngã tư Lê Duẩn đến vòng xoay Mê Linh. Đồng thời Công ty Điện lực TP cũng mời các đơn vị có hệ thống dây thông tin phối hợp khảo sát và ký kết hợp đồng thuê cột điện”.
Ngoài việc triển khai quy chế “Quản lý sử dụng chung cột điện trong phạm vi thành phố TPHCM”, Công ty Điện lực TPHCM còn đang triển khai chương trình ngầm hóa lưới điện TP đến năm 2010, theo đó công ty tập trung việc ngầm hóa lưới điện tại các khu vực trung tâm TP như quận 1, 3, 5 và khu vực cửa ngõ vào trung tâm TP từ sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu triển khai nghiêm túc quy chế quản lý sử dụng chung cột điện và chương trình ngầm hóa lưới điện, mạng lưới điện TP sẽ bảo đảm kỹ thuật, an toàn và đạt yếu tố mỹ quan.
ĐỨC THÀNH