Covid-19: Có vaccine không đồng nghĩa đẩy lùi dịch

Đó là lời cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh nhiều nước chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 khiến từ đó nảy sinh lầm tưởng rằng đại dịch đang hoành hành trên thế giới này có thể bị đẩy lùi.
Một nhân viên y tế tại TP Tver, Nga tiêm vaccine Sputnik-V
Một nhân viên y tế tại TP Tver, Nga tiêm vaccine Sputnik-V

Công cụ bổ sung quan trọng

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan khẳng định, có vaccine không đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ bị đẩy lùi. Việc có vaccine và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung công cụ quan trọng, sắc bén cho các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này. Vì thế, WHO kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vaccine phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, việc tìm ra vaccine giúp cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có hy vọng tìm được lối thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, WHO lo ngại rằng thế giới đang hình thành một tâm lý chủ quan, tự mãn rằng đại dịch đang qua đi. Ở nhiều nơi, tỷ lệ lây nhiễm virus rất cao khiến các bệnh viện, đơn vị điều trị tích cực và nhân viên y tế chịu thêm nhiều áp lực. Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến sáng 5-12 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 66,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1,5 triệu ca tử vong. Hơn 45,7 triệu ca phục hồi và hiện còn hơn 18,8 triệu ca đang được điều trị.

Ông Tedros cảnh báo thế giới sẽ tiếp tục phải chiến đấu với đại dịch thêm một thời gian dài nữa và tình hình dịch bệnh trong ngắn hạn cũng như thời điểm dịch bệnh kết thúc sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo cũng như người dân đưa ra trong những ngày tới.

Khẩn trương mua, tiêm vaccine

Ngày 5-12, Nga đã bắt đầu phân phối vaccine Sputnik-V thông qua 70 phòng khám, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nga trong nỗ lực chống lại Covid-19. Trong khi đó, Israel thông báo đã ký kết thỏa thuận mua 6 triệu liều vaccine từ Công ty Công nghệ sinh học Moderna của Mỹ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, số lượng vaccine trong thỏa thuận mới ký kết gấp 3 lần số lượng trong thỏa thuận ban đầu. Do một chu trình chủng ngừa đầy đủ bao gồm 2 liều nên số lượng vaccine mới được ký kết sẽ giúp Israel có đủ vaccine để tiêm cho 3 triệu người dân. Hồi tháng 11, Israel cũng thông báo đạt thỏa thuận đặt mua 8 triệu liều vaccine của Pfizer và BioNTech, bàn giao đầu năm 2021.

Tây Ban Nha dự định tiêm phòng cho ít nhất 1/3 trong tổng số 47 triệu dân tại quốc gia này trước tháng 6-2021. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, nhóm được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn đầu bao gồm nhân viên y tế, người già ở viện dưỡng lão và nhân viên chăm sóc. Mục tiêu là khoảng 2,5 triệu người được chủng ngừa trong giai đoạn đầu khoảng 2 tháng. Giai đoạn 2 từ tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 6, với mục tiêu tiêm phòng khoảng 15 - 20 triệu dân. Tây Ban Nha hy vọng giai đoạn 3 sẽ tiêm phòng cho toàn dân dù chính phủ nước này cũng khẳng định việc tiêm phòng Covid-19 là không bắt buộc.

Hiện các công ty Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy công tác chuẩn bị về hậu cần để phục vụ phân phối vaccine, nhất là những loại vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp. Tuy không trực tiếp liên quan việc sản xuất, bảo quản và vận chuyển vaccine nhưng hãng chế tạo ô tô Ford đã đặt mua các thiết bị trữ đông riêng để chuẩn bị tiếp nhận vaccine cung cấp cho các nhân viên muốn được chủng ngừa.

Theo WHO, hiện có khoảng 51 vaccine Ccovid-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Tin cùng chuyên mục