Ngày 23-6, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM đã khảo sát tình hình đầu tư hạ tầng giao thông vùng ven, ngoại thành tại huyện Củ Chi.
Tại buổi khảo sát, UBND huyện Củ Chi đề xuất đầu tư một số hạng mục đường trục ấp trong Khu đô thị Tây Bắc, Khu công nghiệp Hóa dược, Khu quy hoạch Viện - Trường, Khu công nghiệp Bàu Đưng… nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con vùng ven. Huyện Củ Chi cũng đề xuất đầu tư tuyến đường lô 3 - Kênh Thủy Lợi - Út Tiện, đường lô 1 Trạm Bơm, đường 94… trên địa bàn xã Tân Phú Trung; đường Sáu Viễn - ông Bù; đường ông Ba Lù - Trại Trùng - quốc lộ 22… tại xã Phước Hiệp. Trong đó, tổng số công trình đề xuất tại xã Tân Phú Trung gồm 10 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 24,6 tỷ đồng (trong số này dân đóng góp 320 triệu đồng). Đối với xã Phước Hiệp, tổng vốn đầu tư cho 10 công trình đề xuất là 21,6 tỷ đồng, vốn dân đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, công trình sau đầu tư, xây dựng tại xã Phước Hiệp còn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 430 ha đất nông nghiệp. Tuy vậy, nhiều nơi bị vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trước kiến nghị đầu tư, nâng cấp đường giáp ranh (một bên thuộc đề án xây dựng nông thôn mới, một bên nằm trong khu quy hoạch đô thị), đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng về nguyên tắc, không đưa việc xây dựng đường nằm trong khu đô thị vào đề án xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các xã có những tuyến đường nằm trong Khu đô thị Tây Bắc sẽ không được xây dựng theo đề án nông thôn mới. Hơn nữa, trong tình hình thực tế, nếu nâng cấp tuyến đường nhưng thời gian sau, khi khu đô thị tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng thì đường đã làm hoàn thiện lại bị phá đi xây mới, sẽ gây lãng phí lớn. Điều này vô tình gây bức xúc cho người dân sống tại vùng giáp ranh có đường xuống cấp, thường xuyên lầy lội. Tuy vậy, quan điểm của Sở GTVT khẳng định sẽ nâng cấp, xây dựng tạm những con đường này để người dân đi lại an toàn nhất, tránh lãng phí.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, chia sẻ, từ những năm 1990, người dân Củ Chi đã chủ động hiến đất làm đường, nếu không có phong trào này thì không có những con đường nông thôn mới đẹp như ngày nay. “Nhưng nếu bây giờ áp dụng chủ trương xã hội hóa đường nông thôn, yêu cầu những người dân từng hiến đất đóng tiền hoặc tiếp tục hiến đất theo chủ trương xã hội hóa sẽ rất thiệt thòi cho người dân (nhất là các xã Tân Phú Trung, Tân An Hội…)”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú trăn trở.
Kết thúc buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM yêu cầu Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc báo cáo chi tiết cho Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM về số lượng người dân sinh sống, các tuyến đường xuống cấp, thường xuyên lầy lội thuộc khu đô thị… Từ đó kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện để người dân được sinh sống, đi trên những con đường an toàn, không lầy lội, xuống cấp; tránh để xảy ra tình trạng đẩy trái bóng lăn, không đơn vị nào chịu trách nhiệm, cuối cùng người khổ nhất là người dân. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng hoàn toàn thống nhất với trăn trở của ông Nguyễn Hữu Hoài Phú về việc áp dụng chủ trương xã hội hóa làm đường vô tình gây khó người dân từng hiến đất nhiều lần tại địa phương; và cho biết sẽ trình bày vấn đề này cho Thường trực HĐND TP xem xét. Quan điểm của TP là trong cái khó, ta nên tính cái gì thuận lợi nhất cho dân, tôn trọng tinh thần “liệu cơm gắp mắm”.
THI HỒNG