Cú hích mới cho công nghiệp cơ khí TPHCM

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho TPHCM chuyển đổi cụm công nghiệp Cơ khí ô tô TPHCM (huyện Củ Chi) thành khu công nghiệp (KCN). Đây là bước ngoặt quan trọng đối với cả cụm công nghiệp này lẫn ngành công nghiệp cơ khí của thành phố.

Theo đó, KCN Cơ khí ô tô TPHCM được bổ sung vào danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố. KCN Cơ khí ô tô có diện tích xấp xỉ 113 ha, nằm trải dài qua hai xã xã Hòa Phú và xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Khi mới ra đời (tháng 9-2007), cụm công nghiệp trên chỉ được thu hút các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô; đóng mới, sửa chữa, lắp ráp ô tô, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; thiết kế, cải tạo và đóng mới các phương tiện cơ giới đường bộ... Lúc đó, cụm công nghiệp này là một phần trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô tại thành phố. Theo ông Vũ Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Phú (chủ đầu tư KCN này), đến nay KCN đã đền bù được gần 88ha.

Trước đây, do việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên cơ sở hạ tầng của KCN cũng chưa thể hình thành được do khó có thể triển khai việc xây lắp. Bên cạnh đó, với chức năng ngành nghề khá hạn hẹp như đã nêu thì công tác thu hút đầu tư vào KCN này khá gian nan. Đến nay KCN này có hai doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Đó là dự án nhà máy sản xuất xe chuyên dụng của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco). Dự án này đã có giấy chứng nhận đầu tư, sử dụng 3,8 ha đất, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành xây dựng vào đầu năm 2012. Dự án thứ hai là nhà máy sản xuất thiết bị, phụ tùng ngành nước (thuê 2,3 ha đất) của Công ty Cơ khí Hiệp Lực.

Về tình trạng hạ tầng kỹ thuật của KCN, ông Vũ Ngọc Hiếu cho biết: Hệ thống giao thông nội bộ đã hoàn thiện hơn 40%, riêng đường kết nối KCN với Tỉnh lộ 8 đã hoàn thành. Cùng với đó, hệ thống thoát nước cũng đã tương đối đầy đủ, bảo đảm thoát nước tốt cho các phần đất đã được san nền và hệ thống giao thông. Riêng hệ thống xử lý nước thải (công suất 2.150m³/ngày), đã được thiết kế xong và đang chờ thẩm định. Còn nhà máy nước sạch với công suất 2.500m³/ngày đêm thì đã được xây dựng xong, 50% tuyến ống cấp nước cũng đã ở tư thế sẵn sàng hoạt động. Ngoài ra, hệ thống cấp điện và viễn thông cũng đã được kết nối, luôn chờ phục vụ.

Hiện tại, Công ty Hòa Phú đang tập trung hoàn chỉnh bản quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:500 để trình UBND thành phố ra quyết định chính thức thành lập KCN. Với tiến độ công việc, dự kiến, trễ nhất là đến quý 1-2012, KCN sẽ có quyết định thành lập. Để KCN này trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như tương xứng với kỳ vọng của thành phố, theo ông Hiếu, chính sách đầu tư ở đây sẽ có nhiều nét mới so với CCN trước kia. Trước hết, phạm vi ngành nghề được mở rộng ra, không còn bó hẹp trong ngành cơ khí ô tô nữa mà bao gồm cả các ngành công nghiệp phụ trợ.

Tiếp đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đầu tư vào KCN này sẽ được sử dụng nhà xưởng có sẵn miễn phí trong 5 năm đầu hoạt động. Giá thuê đất cũng rất rẻ, chỉ khoảng 55 USD/m² trong suốt thời gian hoạt động của KCN (50 năm). Đặc biệt hơn, chủ đầu tư KCN còn sẽ đóng vai trò cầu nối về chuyển giao công nghệ sản xuất của một số nước tiên tiến như Nhật Bản cùng với cung cấp thông tin cung cầu của thị trường cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây; hỗ trợ việc tìm kiếm nguồn vốn, đầu ra, cung cấp đầy đủ những thông tin mới nhất về chính sách đầu tư... cho doanh nghiệp.

HIỀN VƯƠNG

Tin cùng chuyên mục