Kể từ khi Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, từ một hòn đảo hoang sơ, đến nay Cù Chàm trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng trên bản đồ du lịch.
Cuối tháng 5-2016, Cù Lao Chàm nhộn nhịp hẳn. Sáng, gần 100 ca nô cao tốc từ bến Cửa Đại vượt sóng đưa khách ra Cù Lao Chàm. Trên ca nô rẽ sóng, có thể nhìn thấy Cù Lao Chàm với những bãi cát trắng mịn bên những hàng dừa soi bóng từ rất xa, trông như tranh vẽ... Đặt chân lên Cù Lao Chàm có cảm giác như quay về cố hương. Có cái gì đó rất thân thuộc và lạ lùng.
Ghé vào nhà hàng Dân Trí ở Bãi Làng. Gặp chủ quán, ông Huỳnh Văn Trí, nhận ra ngay tôi là người quen, dù đã hơn 1 năm rồi mới trở lại. Ở cái đất Cù Lao Chàm lạ lắm, khách đến như về với gia đình. Đến một lần rồi lại muốn đến tiếp bởi cái cách ứng xử gần gũi của người dân nơi đây. Dù là điểm đến du lịch đông đúc nhưng dường như chẳng có sự xô bồ “chặt chém”. Muốn ở lại đảo, hoặc ngủ lều trên bãi biển, hoặc ở cùng nhà dân. Cứ mỗi người 50.000 đồng/đêm. Rẻ đến bất ngờ.
Du khách đến với Cù Lao Chàm ngày càng đông.
Lần nào đến Cù Lao Chàm, tôi cũng phải ghé nhà hàng Dân Trí của ông Huỳnh Văn Trí. Nói là nhà hàng vì trong nhà ông treo rất nhiều giấy chứng nhận của các cuộc thi ẩm thực quốc tế, treo nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Thực chất, nhà hàng Dân Trí chỉ là một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Quán đơn sơ nhưng món ăn thì hấp dẫn lạ lùng. Món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn.
Ngồi trong nhà hàng nhìn ra bến tàu, ông Huỳnh Văn Trí kể về Cù Lao Chàm. Ông thường kể với khách lần đầu tiên đến đảo: Đảo Cù Lao Chàm cách Cửa Đại (Hội An) chừng 15km về phía Đông. Cù Lao Chàm là một cụm đảo với 8 hòn: Hòn Lao, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Tai, hòn Ông. Riêng hòn Lao có chín bãi: Bãi Bấc, bãi Ông, bãi Làng, bãi Xếp, bãi Chồng, bãi Bìm, bãi Hương, bãi Tra, bãi Nần... Ông kể như một thói quen, rồi kể luôn tích về tên gọi các bãi cũng như các di tích trên đảo. Với tôi, ông Trí không chỉ là một đầu bếp giỏi, nấu ăn ngon mà còn là một người “kể chuyện làng” cho du khách. Thậm chí, hơn thế.
Ở Cù Lao Chàm, không chỉ ông Trí, mà ai cũng thế. Cứ ghé vào ngồi chừng vài phút, tự khắc người dân sẽ bắt chuyện và kể chuyện làng, chuyện đảo, vanh vách.
Nhớ lần đầu tiên đặt chân lên đảo Cù Lao Chàm cách đây 12 năm. Ngày ấy, Cù Lao Chàm... xa lắm. Muốn ra đảo chỉ có thể đi bằng thuyền đánh cá của người dân hoặc xin đi nhờ tàu của Bộ đội biên phòng đi tuần tra. Nay, đến Cù Lao Chàm chỉ mất 20 phút đi ca nô cao tốc. Với số lượng khách ngày càng đông, đến nay ca nô cao tốc đưa khách ra Cù Lao Chàm lên đến hơn 110 chiếc. Đứng nhìn bến tàu đầy ca nô cao tốc xếp hàng đưa khách ra đảo Cù Lao Chàm, cứ nghĩ đang ở một xứ sở giàu có nào đó.
Chỉ chưa đầy chục năm, từ cái ngày chỉ lưa thưa người ra đảo mỗi ngày, đến nay mỗi ngày Cù Lao Chàm đón đến 5.000 lượt du khách trong nước và quốc tế. Những ngày lễ lớn, dù ca nô cao tốc trên 110 chiếc phục vụ hết công suất nhưng cũng không thể phục vụ hết du khách.
Trên chuyến ca nô cao tốc ra đảo, Hoàng Anh Việt, du khách đến từ Hà Nội, tâm sự: “Đã gần cả chục lần ra Cù Lao Chàm rồi nhưng hè nào về miền Trung tôi cũng ra lại đây. Nơi này gần gũi và thú vị”.
Ông Trần Tấn Dũng, Bí thư xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm cho biết, trước đây cư dân trên đảo chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp và nghề khai thác hải sản nên cuộc sống bấp bênh. Nhưng hơn 5 năm trở lại đây, khi Cù Lao Chàm trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch, lượng khách đến đảo ngày càng đông. Riêng năm 2015, Cù Lao Chàm đón đến 370.000 lượt khách, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, người dân trên đảo chuyển sang làm dịch vụ du lịch, nhờ thế đời sống người dân chuyển biến rõ rệt. Sắp đến, cuối tháng 9-2016, Cù Lao Chàm sẽ chính thức đóng điện lưới quốc gia, lúc đó Cù Lao Chàm sẽ còn phát triển hơn nữa nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách khi đến đảo.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy năm trở lại đây, lượng khách đến với Cù Lao Chàm tăng gấp nhiều lần. Chính vì thế, tình hình kinh tế - xã hội của xã đảo Cù Lao Chàm phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều nhờ làm du lịch. Người dân xã đảo từ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp thì đến nay người dân có thể sống khá giả nhờ làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, trước sự phát triển quá lớn lượng khách đến với đảo Cù Lao Chàm, ngành du lịch tỉnh cũng như các cấp chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp định hướng cho sự phát triển bền vững, vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi sinh và môi trường kinh doanh... để làm sao Cù Lao Chàm thực sự là “thiên đường nghỉ dưỡng” của du khách trong nước và quốc tế.
NGUYÊN KHÔI