Chuẩn bị cho phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã nhận được hơn 160 câu hỏi của gần 100 đại biểu gửi đến. Nhân dịp này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở TPHCM cũng muốn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mình tới diễn đàn Quốc hội. Nhóm PV Báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến.
- Ths Trần Đình Lý (Giám đốc TT Hỗ trợ SV - Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Nông lâm TPHCM): Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục
Chúng ta dễ nhận thấy rằng, đặc điểm của giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam là với tỷ lệ dưới 15% thanh niên trong độ tuổi vào ĐH, giáo dục ĐH về cơ bản vẫn là nền giáo dục cho số ít và với hai nguồn lực vận hành chủ yếu là ngân sách nhà nước hoặc học phí, nhiều trường ĐH vẫn chưa thoát khỏi “tháp ngà” để thật sự bám rễ vào cộng đồng xã hội. Do đó, với hai đặc điểm này, không dễ dàng gì chúng ta có thể đạt được hai mục tiêu chủ yếu mà giáo dục đề ra: Chất lượng và công bằng xã hội trong giáo dục.
Thực tế từ kinh nghiệm các nước, theo tôi có thể chia ra ba nhóm giải pháp. Thứ nhất, phân tầng ĐH và đa dạng hóa các loại hình đào tạo để ĐH không là đích đến duy nhất. Tăng có mức độ chỉ tiêu vào ĐH để tăng dần sinh viên vào các loại hình đào tạo khác nhau như cao đẳng, trung cấp nghề, các khóa đào tạo ngắn hạn.
Thứ hai, không thể có một mức học phí trần chung cho các ngành, chuyên ngành đào tạo. Đối với các ngành sử dụng trang thiết bị và thực tập nghề nghiệp phức tạp như y khoa, kiến trúc và một số ngành kỹ thuật, nông lâm ngư... mức học phí phải cao hơn để bù đắp kinh phí đào tạo. Ngược lại, các trường cần đề ra và tăng cường nhiều chính sách hỗ trợ học phí theo vùng miền, đối tượng chính sách...
Thứ ba, cũng là nhóm giải pháp quan trọng nhất, đó là phải đa dạng hóa các nguồn lực phát triển, mà điều này phải được tiến hành ở ngay từng trường ĐH. Các nguồn lực này lấy từ đâu? Đó là các công trình nghiên cứu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác với doanh nghiệp hay cộng đồng, các chương trình chế tạo và đóng góp của các tổ chức đoàn thể xã hội và cuối cùng từ cựu sinh viên.
- Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM): Đường sắt cao tốc - không khả thi
Đường sắt cao tốc là dự án cực kỳ bất hợp lý đối với tình hình nước ta hiện nay. Mức đầu tư 56 tỷ USD đối với nền kinh tế Việt Nam là quá lớn. Nguồn vốn chính để thực hiện dự án là ODA. Vậy quốc gia nào sẽ mở hầu bao cho chúng ta vay với phần tiền trả nợ mỗi năm 1 tỷ đồng như dự kiến, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới chưa được phục hồi như hiện nay? Bên cạnh đó, như một thông lệ, các dự án lớn của chúng ta đều luôn phát sinh gấp 2-3 lần. Đài Loan xây 300 km đường sắt cao tốc hết 18 tỷ USD thì con số hơn 1.500km của ta sẽ không thể là 56 tỷ USD!
Các nước có hệ thống đường sắt cao tốc đều là nước phát triển, nước giàu. Việc đầu tư quá cao vào dự án này sẽ làm hụt hơi các dự án khác của đất nước. Ngoài ra, tính không tương ứng còn biểu hiện ở mức sống, cơ sở hạ tầng, ý thức xã hội của người dân đối với sản phẩm này. Hệ thống giao thông hoàn chỉnh để kết nối vào đường sắt cao tốc là rất cần thiết, đảm bảo đủ lượng người lưu thông.
Nhìn lại hệ thống giao thông của ta thì 10 năm nữa mới tạm gọi là hoàn chỉnh nhưng cũng chỉ ở một số TP lớn. Như vậy, khi chưa có đủ lượng khách theo yêu cầu, buộc lòng chúng ta phải tăng giá vé hoặc nhà nước bù lỗ hoặc sử dụng cả hai biện pháp. Lúc đó, gánh nặng ngân sách lại tăng thêm. Chúng ta sẽ làm đường sắt cao tốc nhưng là sau 10 năm nữa.
- PGS-TS Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển - hỗ trợ cộng đồng): 5 yếu tố hạn chế tiêu cực đất đai
Để hạn chế tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, cần hoàn thiện 5 yếu tố cơ bản. Thứ nhất, xem lại chế độ sở hữu toàn dân của đất đai, cần khẳng định quyền định đoạt đất đai cho người dân với tư cách là chủ sử dụng đất. Thứ hai, đối xử bình đẳng giữa người dân bị thu hồi đất với doanh nghiệp. Thứ ba, xóa bỏ tận gốc cơ chế xin - cho. Việc quy hoạch đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, định giá đất cần được lấy ý kiến nhân dân.
Thứ ba, tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất và chủ đầu tư tiếp xúc với nhau đồng thời tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên, tạo diễn đàn cho các lực lượng này phản biện. Thứ tư, hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về đất đai, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của các tỉnh, TP liên quan đến đất đai để đảm bảo văn bản của địa phương không vượt quá thẩm quyền mà Luật Đất đai quy định. Thứ năm, cần minh bạch trong quản lý cán bộ, công khai với người dân kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ để người dân giám sát.
- Chị Nguyễn Ngọc Hoàn (Nghiên cứu sinh Đại học Kinh tế TPHCM): Tránh hiệu ứng tăng giá do tâm lý
Chẳng hạn, doanh nghiệp xăng dầu được tự định giá bán nhưng các cơ quan chức năng cũng phải xem mức tăng giá đưa ra có phù hợp không. Ngành điện tăng giá điện nhưng trước tiên cần phải có giải pháp giảm tổn thất điện năng ở khâu phân phối, truyền tải, tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn Chính phủ linh hoạt trong điều hành các chính sách, cơ chế không cứng nhắc, đồng thời cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tránh hiệu ứng tăng giá do tâm lý.
Giữ hồn văn hóa thủ đô Chúng ta đã giao cho những nhà xây dựng lập quy hoạch thủ đô Hà Nội. Điều đó có thể là đúng nhưng chưa đủ và thậm chí là thiếu sót. Cảm nhận khi đọc các thông tin về quy hoạch Hà Nội thiếu vắng vai trò trực tiếp của những người làm văn hóa, những nhà sử học trong quá trình làm đồ án quy hoạch. Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn vật, Hà Tây là vùng đất văn hóa lâu đời với số lượng di tích lịch sử nhiều nhất nước, với 100 làng nghề nổi tiếng và độc đáo. Câu hỏi đặt ra là vùng đất giàu văn hóa và lịch sử như vậy đã được nghiên cứu như thế nào để đưa vào đồ án quy hoạch? Hà Nội trong bản đồ án hầu như chỉ thấy các khu đô thị, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu hành chính... mà không thấy quy hoạch để giữ truyền thống văn hóa, lịch sử cho vùng đất này. Có lẽ chưa ai biết có bao nhiêu di tích, bao nhiêu làng nghề sẽ bị xóa trên vùng đất do trục Thăng Long đi qua hoặc nhường chỗ cho khu công nghiệp, cho những tòa nhà chọc trời. Xây dựng một đô thị hoành tráng với những tòa nhà tráng lệ giống như các nước khác không quá khó. Nhưng xây một Hà Nội độc đáo và đặc sắc với hồn của ngàn năm Thăng Long, dáng dấp đình chùa Hà Tây, nét thanh lịch của người Tràng An, thâm thúy và sắc sảo của sĩ phu Bắc Hà là khó vô cùng. Khó nhưng phải làm, vì nếu không Hà Nội cũng sẽ như hàng trăm đô thị khác. Hà Nội không thể hơn TPHCM về quy mô kinh tế vì thế không nên có hệ thống đường giao thông quá rộng, quá nhiều tầng hiện đại nhưng thiếu hồn cổ như không ít siêu đô thị khác. Hà Nội xưa đẹp với phố cổ và những tòa biệt thự, những con đường xanh mát do người Pháp xây dựng. Tiến sĩ Lê Mạnh Hà |
Nhóm PV chính trị