Các chủ đầu tư CHTL đang bước vào cuộc đua quyết liệt giành những điểm bán tốt và thị phần.
Chạy đua điểm bán
Sau khi nắm hơn 100 cửa hàng Co.op Food, cuối năm 2016, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tiếp tục ra mắt thêm một mô hình mới là Co.op Smile. Nếu như chuỗi cửa hàng Co.op Food (chủ yếu bán các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, chế biến và nhu yếu phẩm), thì Co.op Smile được hình thành từ việc liên kết, đầu tư, biến cửa hàng tạp hóa thành đại lý bán lẻ hiện đại với phương thức nhượng quyền thương hiệu. Chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay đã có hàng chục cửa hàng Co.op Smile tại TPHCM kinh doanh thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, hàng may mặc. Dự kiến, năm 2017, Saigon Co.op sẽ phát triển khoảng 200 - 300 cửa hàng Co.op Smile.
Trong cuộc đua mở CHTL còn có Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), với chuỗi gần 140 cửa hàng Satrafoods tại TPHCM và một số tỉnh, thành. Tập đoàn Vingroup cũng vào cuộc với chuỗi hơn 1.500 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, tăng gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Là thương hiệu “sinh sau, đẻ muộn” nhưng chuỗi CHTL Bách hóa xanh của MWG (Công ty CP Thế giới di động) cũng đã đạt gần 100 điểm bán, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành.
Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) trong nước, thị trường Việt Nam cũng đã xuất hiện hàng loạt chuỗi CHTL, siêu thị mini của các chủ đầu tư nước ngoài đang cạnh tranh quyết liệt nhằm nhanh chóng phủ kín thị trường. Đáng lưu ý, 7-Eleven là thương hiệu thành công trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh CHTL, cũng đã khai trương điểm bán đầu tiên tại TPHCM vào tháng 6-2017 vừa qua.
Tận dụng lợi thế “sân nhà”
Theo phân tích của các chuyên gia, các CHTL tại Việt Nam tạm chia thành 2 loại: cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm và chuyên về hàng tiêu dùng nhanh. Theo Sở Công thương TPHCM, trong số 1.050 CHTL hiện hữu tại TP, có tới 50% là cửa hàng có bán mặt hàng thực phẩm tươi sống. Điều này cũng đồng nghĩa, thị trường đang có sự phân chia khá rõ nét giữa các nhà kinh doanh trong nước và nước ngoài, trong đó, DN trong nước đang nắm giữ hầu hết chuỗi các CHTL có kinh doanh thực phẩm tươi sống, còn lại các cửa hàng có yếu tố nước ngoài gần như độc chiếm chuỗi cửa hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe… Quan sát của chúng tôi cho thấy, đối tượng khách hàng đến với mỗi hệ thống CHTL cũng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, tại thời điểm này, phần thắng vẫn đang nghiêng về các DN trong nước do có lợi thế “sân nhà”.
Từ thực tế kinh doanh, nhiều DN cho rằng, cái khó trong lĩnh vực kinh doanh CHTL tại Việt Nam là đại đa số người tiêu dùng chưa có thói quen phải trả giá cao cho yếu tố tiện lợi. Mặt khác, muốn phát triển nhanh chuỗi CHTL cũng không dễ, vì rất khó tìm mặt bằng. So với cuối năm 2013, giá thuê đã tăng gấp đôi, với nhiều mặt bằng đẹp giá thuê có thể lên tới 60 - 80 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian thuê lại rất ngắn. Trong khi đó, mỗi CHTL phải mất 5 - 6 năm mới có thể hoàn vốn. Ở các huyện ngoại thành, muốn mở cửa hàng thì ngoài việc tiền thuê mặt bằng, DN còn phải đầu tư mới 100% nên lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm…Thông thường, để đạt được mức lợi nhuận ổn định, mỗi thương hiệu phải mở ít nhất 300 cửa hàng. Dù không DN nào công khai mức lỗ hàng năm đối với 1 cửa hàng, nhưng theo con số chúng tôi có được, tại 1 điểm bán có thể lỗ khoảng 2 tỷ đồng! Điều này có thể lý giải, có không ít DN không thể cầm cự được trước mức lỗ khủng, nên buộc phải giảm điểm bán, hoặc là bán lại cho DN nước ngoài!
Ông Nguyễn Ngọc Hóa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thừa nhận tốc độ tăng trưởng của CHTL nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của siêu thị hoặc các loại hình bán lẻ khác. Nhưng cái khó nhất của CHTL là tổ chức cung ứng hàng hóa, logistics và quản trị. Vấn đề này thì DN nước ngoài có kinh nghiệm hơn DN Việt, bởi họ vừa có chuỗi cửa hàng tự đầu tư, vừa có kinh nghiệm trong nhượng quyền cửa hàng.
Cuộc chiến CHTL vẫn chưa dừng lại, nhưng cũng đã định hình rõ hướng đi và mục tiêu của từng nhà đầu tư. Ai đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, làm chủ được giá cả và nguồn hàng sẽ có lợi thế và đứng vững trong thị trường đầy cạnh tranh.
Mặc dù các CHTL đang được xem như “nấm mọc sau mưa”, nhưng theo các chuyên gia thì vẫn chưa thấm vào đâu so với các nước. Theo tính toán, hiện cứ 69.000 người dân Việt mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Philippines là 37.000 người, Trung Quốc là 21.000 người, Thái Lan 5.556 người, Hàn Quốc 1.800 người...