Một nửa số điểm đen đã được xóa, kéo giảm thành công số vụ tai nạn giao thông, tăng thêm diện tích đường dành cho giao thông… Đó là những nét chấm phá bộ mặt giao thông gần đây ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TPHCM.
Chuyện cũ…
Còn nhớ cách đây cũng chưa lâu, mỗi khi nhắc tới tình trạng quá tải về giao thông đi lại ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TPHCM, người ta lập tức nghĩ ngay đến hàng loạt điểm nóng. Có thể nhắc đến tuyến đường Trường Chinh, ngã tư An Sương, tuyến quốc lộ 22, ngã tư Ga, cầu Phú Long, tỉnh lộ 9 - Củ Chi, tỉnh lộ 14 huyện Hóc Môn… Đặc biệt đường Trường Chinh, đoạn từ An Sương đến Cộng Hòa, có thể nói là điểm nóng của điểm nóng tại cửa ngõ Tây Bắc, bởi vì trước khi được cải tạo mở rộng, tuyến đường này có mật độ giao thông dày đặc thuộc loại cao nhất nhì TP trong khi đường chỉ rộng 8 - 10m tùy đoạn, lại có nhiều nút thắt cổ chai như Cộng Hòa, Phan Huy Ích, Phan Văn Hớn… hoặc băng ngang cổng khu công nghiệp Tân Bình vốn dĩ thu hút đông người vào ra hàng ngày.
Trong khi đó tỉnh lộ 9, ngoài chức năng là một trong những trục đường chính của huyện Hóc Môn và Củ Chi, còn là trục giao thông liên khu vực, nối từ trung tâm TP đến khu vực phía Bắc cũng như nối với tỉnh Bình Dương. Do đặc thù này, mật độ giao thông trên tỉnh lộ 9 khá cao, đặc biệt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng rất lớn. Thế mà mặt cắt ngang tỉnh lộ 9 chỉ rộng 5 - 6m. Còn hàng chục cầu trên tuyến chỉ có tải trọng 8 tấn, thậm chí cầu Rạch Tra bắc qua sông Rạch Tra tại vị trí ranh giới giữa 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhưng cầu chỉ rộng 3,5m và chỉ cho xe tải trọng 5 tấn đi qua từng chiếc một.
Bản thân hình ảnh cầu Rạch Tra cũ kỹ, lạc hậu, chỉ cho xe đi một chiều và kéo dài nhiều năm chưa được sửa chữa dạo ấy vừa mang tính tiêu biểu cho bức xúc hạ tầng giao thông tại cửa ngõ Tây Bắc TP, vừa như một thách thức lớn cho sự phát triển một khu vực rộng lớn bên bờ Tây sông Sài Gòn bởi vì ở bờ phía Đông của dòng sông này là thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương lúc ấy đã và đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
…và chuyện mới
Nay tình hình đã khác đi rất nhiều. Ngành giao thông công chính thành phố, thông qua Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - đơn vị thay mặt Sở GTVT quản lý địa bàn cửa ngõ Tây Bắc TP, đã gần như làm lột xác tình hình giao thông đi lại ở đây. Sau khi được xác định là diện công trình trọng điểm, cầu Rạch Tra - và không chỉ cầu Rạch Tra - đã được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư để rồi vừa được thông xe kỹ thuật, cho phép xe có tải trọng 10 tấn lưu thông. Cầu Phú Long mới, nối liền TPHCM và tỉnh Bình Dương được xây dựng hoàn thành, thông xe từ ngày 1-2-2012. Dự án mở rộng nâng cấp tỉnh lộ 9 bao gồm hạng mục xây dựng 10 cầu trên tuyến đã hoàn thành cầu Rạch Dứa, cầu Bà Đế, cầu Chữ Cua và cầu Vàm Thầy. Còn tuyến đường Trường Chinh sau khi được cải tạo mở rộng lên 60m để phục vụ 6 làn xe và 2 làn xe song hành hồi năm 2004 không những lập tức cải thiện đáng kể tình trạng quá tải giao thông kinh niên trên tuyến mà còn được xem như một thành tựu về giao thông của TP cũng như là một trong những con đường đẹp nhất TP với các mảng xanh.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới thành quả xóa điểm đen tai nạn giao thông ở khu vực ngày. Bởi vì trong năm ngoái, ngành chức năng đã xóa được 2/4 điểm đen của năm 2011. Đó là nút giao lộ Quang Trung - Phạm Văn Chiêu thuộc quận Gò Vấp và điểm đen trên quốc lộ 1 đi qua phường Tân Thới Nhất thuộc quận 12, đoạn từ ngã tư Bà Điểm đến cầu Bình Phú Tây. Hai điểm đen còn lại, vòng xoay An Sương và giao lộ Lê Thị Riêng - Thới An 16 thuộc quận 12 cũng đã được lập hồ sơ quản lý theo quy định cũng như được “lên lịch” xóa điểm đen trong năm nay.
Việc phát triển thêm hàng loạt hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, điển hình như cầu Rạch Tra và cầu Phú Long mới, cũng đồng nghĩa với việc làm tăng thêm diện tích cầu đường dành cho giao thông đi lại trên địa bàn TP nói chung và khu vực cửa ngõ Tây Bắc nói riêng.
| |
THIỆN NHÂN