
Song hành với nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa xã hội dành cho các tỉnh Tây Nguyên của 16 đơn vị Đoàn cơ sở, điểm nhấn mới trong chuỗi hoạt động của “Kỳ nghỉ hồng 2006” (từ 27-7 đến 2-8-2006) là chương trình “Kotex - Đồng hành cùng bạn gái Việt Nam” do các tỉnh đoàn tổ chức tại 3 tỉnh Đắc Nông, Gia Lai và Kon Tum. Trong bốn đêm diễn thì hai đêm mưa rỉ rả và một đêm mưa như trút nước, nhưng khán giả vẫn nhiệt tình, say sưa xem bởi đã lâu lắm, người dân phố núi mới xem “sô” ca nhạc hoành tráng và miễn phí.
- Tiếng hát át tiếng mưa

Chương trình tại Đắk-Mil, mặc trời mưa, ca sĩ vẫn hát và khán giả hào hứng cổ vũ.
Dù biết trước thời tiết sẽ không thuận lợi cho những buổi biểu diễn ngoài trời tại các tỉnh Tây Nguyên nhưng Ban tổ chức vẫn quyết định thực hiện đợt lưu diễn văn nghệ đầu tiên tương đối quy mô phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.
Mọi thứ cho đêm diễn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại được chở từ TPHCM, sân khấu được thiết kế hoành tráng không khác gì một chương trình ca nhạc chuyên nghiệp thường thấy ở thành phố và những tấm bạt dù khổng lồ che mưa cũng được mang theo.
Phục vụ chương trình ca nhạc lưu diễn dài ngày, có rất nhiều ca sĩ trẻ tình nguyện: Lâm Vũ, Vân Trường, Lâm Chấn Huy, Lưu Việt Hùng, Hà Bảo Thu, nhóm N9, nhóm Telephone và nhóm hài Vũ Thanh-Hữu Tâm-Băng Nhi.
Thị trấn Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông) là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn. Thị trấn nhỏ bé vốn tĩnh lặng này bỗng nhộn nhịp hẳn với buổi chợ phiên bán giảm giá từ 10%-20% của 10 đơn vị đoàn cơ sở thuộc Co.opMart, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn-Satra, Công ty Phát hành sách Fahasa, Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam-Seaprodex, Vinamilk… Hàng hóa khá phong phú từ thực phẩm, quần áo, hàng nhựa gia dụng đến sách vở… Người dân ra vào nhộn nhịp một phần vì muốn mua hàng giá rẻ và phần đông đến chờ xem ca nhạc.
Sân khấu dựng trong khuôn viên hội chợ trên khu đất lồi lõm, lác đác nhiều khóm cỏ dại, đêm diễn đầu tiên của đoàn lồng trong hội thi karaoke dành cho người dân thị trấn. Thanh niên kéo đến càng lúc càng đông bất chấp mưa rơi lất phất. Mưa ập xuống, mọi người chạy nấp mưa dưới tấm bạt dù, ca sĩ vẫn đứng hát dưới mưa. Mưa ngớt cũng là lúc chương trình kết thúc, ca sĩ lục đục lên xe, khán giả đứng trông theo đầy luyến tiếc. Đối với người dân của thị trấn được xem là nghèo nhất khu vực miền núi phía Nam này, đây là “bữa tiệc nhạc sống” hiếm hoi của họ ở chốn heo hút của Tây Nguyên.
Tại huyện Đăk-Mil (Đắc Nông), trừ một con đường chính của huyện sáng đèn vào mỗi tối, nay thêm sân vận động huyện rực đèn của sân khấu. Dòng người kháo nhau đổ về sân vận động xem ca nhạc. Hai tấm bạt dù lớn được căng ra giữa sân, 2.000 chiếc ghế nhựa đã lấp kín khán giả. Sau một số tiết mục trò chơi dành cho bạn trẻ, bầu không khí nóng lên với sự xuất hiện của các ca sĩ. Mưa lại rơi từng chặp không ngớt, không đủ chổ nấp, khán giả giăng áo mưa, tấm ni-lông, che dù đứng chung, rất đông thanh niên đứng dưới mưa cổ vũ ca sĩ. Nhiều khán giả ái ngại chép miệng: “Tội nghiệp ca sĩ quá, mưa gió như vậy mà cũng hát”. Mặc mưa gió, ngọn lửa nhiệt tình của ca sĩ và khán giả đã truyền cho nhau hơi ấm xua tan cái lạnh của mưa đêm. Đêm diễn thật ấn tượng với người xem lẫn ca sĩ.
Đề phòng trời mưa, tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) sân khấu ca nhạc được dời vào hội trường Nhà Thiếu nhi thành phố thay vì tổ chức ngoài sân. Hội trường chỉ có sức chứa 700 chỗ nên quá tải với hơn 1.000 khán giả. Anh Thái Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, chia sẻ: “Trước đây, Tỉnh đoàn đã tổ chức những chương trình ca nhạc theo đội, nhóm xung kích chứ chưa làm chương trình lớn như vậy. Thú thật là thanh niên ở đây chưa xem chương trình ca nhạc bài bản mà miễn phí như thế này bởi vì ít có đoàn nào từ TPHCM chịu ra đây biểu diễn lắm vì đường sá xa xôi trong khi người dân ở đây rất thích xem ca nhạc”. Còn ở thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum), đường phố thường vắng lặng lúc 9 giờ tối nhưng hôm ấy, rất đông người dân vẫn nán đến 11 giờ đêm để xem hết chương trình ca nhạc. Mưa dai dẳng nhưng khán giả vẫn ngồi xem tỉnh queo vì họ đã chuẩn bị dù, áo mưa.
- Tấm lòng người thành phố
Theo Thành đoàn TPHCM, “Kỳ nghỉ hồng” năm nay tại Tây Nguyên có sức hút lớn đối với cấp Đoàn cơ sở vì chương trình hoạt động gắn với chuyên môn của từng đơn vị, do đó số lượng đoàn viên mỗi đơn vị đăng ký “Kỳ nghỉ hồng 2006” đều vượt chỉ tiêu. Hoạt động xã hội gắn liền tính tình nguyện là yếu tố chính thu hút nhiều đoàn viên thanh niên, lượng người tham gia bị khống chế ở con số 300 nên các đơn vị Đoàn cơ sở rất khó xử khi lên danh sách.
Hoạt động năm nay diễn ra khá quy mô, kinh phí đầu tư đợt chợ phiên bán giảm giá lên đến 800 triệu đồng; Tổng Công ty văn hóa Sài Gòn chiếu phim lưu động phục vụ bà con vùng sâu; Đoàn khối Bộ Công nghiệp mang theo xe chuyên dụng lắp đặt đường dây và sửa điện cho bà con; Đoàn khối Bộ Tài nguyên-Môi trường tiến hành khoan giếng; Bệnh viện Chợ Rẫy khám và phát thuốc cho hơn 4.000 người…
Tham gia chương trình “Kotex - Đồng hành cùng bạn gái Việt Nam”, nhiều ca sĩ và nghệ sĩ không chút do dự khi hủy bỏ nhiều “sô” diễn ở thành phố. Ca sĩ Hà Bảo Thu chia sẻ: “Được đi xa và hát cho đồng bào Tây Nguyên, tôi không nề hà vấn đề tiền bạc và công sức. Chỉ cần diễn có người xem là tôi cảm thấy thỏa mãn rồi”. Gắn bó với nhiều hoạt động văn nghệ của Thành đoàn, nhạc sĩ Huy Cường (quản lý nhóm N9) cho biết: “Bất kể chương trình ca nhạc lớn, nhỏ nào của Thành đoàn ở vùng sâu và xa, nhóm N9 cũng xung phong. Chương trình năm nay quy mô hơn những năm trước và diễn tại khu dân cư tập trung, sự đón nhận của người xem đã đem lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc”.
Còn nghệ sĩ hài Vũ Thanh bộc bạch: “Trong chữ “tình” bao hàm tình yêu, tình thương, tình bạn… nhưng có cái tình khiến người ta thoải mái hơn, rộng mở tâm hồn mình là tình nguyện. Đoàn ca sĩ, nghệ sĩ chúng tôi tình nguyện lưu diễn theo chương trình này cũng vì muốn chia sẻ và góp thêm món ăn tinh thần cho bà con Tây Nguyên”. Sau thành công của đợt lưu diễn ở Tây Nguyên, Thành đoàn TP.HCM tiếp tục đưa chương trình “Kotex-Đồng hành cùng bạn gái Việt Nam” xuống hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long vào ngày 15 và 16-8-2006.
CHÂU LOAN