Cùng bắt tay nâng tầm phim Việt

Cùng bắt tay nâng tầm phim Việt
  • Từ những cái bắt tay nồng hậu...
Cùng bắt tay nâng tầm phim Việt ảnh 1

Cảnh trong phim "Võ lâm truyền kỳ"

Hơn một năm trở lại đây, cùng với việc thực hiện dự án sản xuất riêng, một số hãng phim đã “bắt tay nhau” sản xuất – phát hành phim một cách công khai. Hãng KH Film và Hãng phim Việt kết hợp làm bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt; hay Tết Đinh Hợi 2007 vừa rồi, Hãng Đào Thu Film đã “đỡ” cho Hãng phim Giải phóng phần phát hành bộ phim Chuông reo là bắn… Trung tuần tháng 5 tới, bộ phim Sài Gòn nhật thực ra mắt là kết quả của sự hợp tác giữa Hãng phim truyện I và Hãng phim tư nhân Nhật Thực. Mới đây nhất, Hãng phim truyện Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác với Hãng phim Thiên Ngân cùng làm bộ phim Người vớt củi – kịch bản được Nhà nước xét trúng thầu cuối năm ngoái với số tiền 2,1 tỷ đồng, sẽ bấm máy vào tháng 7-2007.

Trước đó, Hãng Thiên Ngân đã tài trợ một phần công đoạn làm hậu kỳ và in tráng bản đầu tại Thái Lan cho bộ phim Vũ điệu tử thần (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, phim tài trợ từ 2005) vừa hoàn thành của Hãng Phim truyện Việt Nam. Hãng phim Phước Sang cũng đã trao đổi, hứa hẹn về sự hợp tác với Hãng Hodafilm để làm bộ phim Em muốn là người nổi tiếng… Bà Đào Thu - Giám đốc Hãng Đào Thu Film, cho biết, các nhà làm phim thời những năm 90 như Hai Nhất, Lý Huỳnh… đều có ý định bắt tay quay lại sản xuất phim trong năm nay.

Hợp tác với các hãng phim nước ngoài là một hướng mở đang được nhiều hãng phim trong nước quan tâm. Hãng phim Hội Nhà văn đã hợp tác với Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc) làm bộ phim Hà Nội - Hà Nội – từng chiếu giới thiệu ở LHP Kim Kê 2006. Cuối tháng 4 này, bộ phim Dòng máu anh hùng, sản phẩm hợp tác giữa Hãng Chánh Phương film và một hãng phim tư nhân ở Mỹ, sẽ chính thức phát hành ở Việt Nam và ở nước ngoài (thông qua nhà phát hành Weisteins.Co - Mỹ).

Hãng phim Phước Sang vừa kết thúc phần quay ở hai nước Việt Nam và Hàn Quốc cho bộ phim kinh dị có tên Mười – hợp tác với Hãng phim Billy Pictures của Hàn Quốc. Hãng Việt Nữ của diễn viên điện ảnh Chiều Xuân chuẩn bị bấm máy bộ phim Đoạn tuyệt (kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nhất Linh) hợp tác với một hãng phim Mỹ. Còn Hãng Senafilm cũng thông báo kế hoạch hợp tác với hãng phim nước ngoài Vigilante Films thực hiện bộ phim Sài Gòn 1975 (kịch bản: Sâm Thương). Ngoài ra, một số dự án làm phim kinh dị, phim hành động đang trong giai đoạn thương thảo của một số hãng phim trong nước với nước ngoài…

  • ...Đến sức mạnh nhờ “ba cây chụm lại”…

Để thực hiện được những cảnh lũ quét, thiên nhiên kỳ bí trong phim Người vớt củi, kinh phí làm kỹ xảo cho phim là 2,1 tỷ không thể đủ. Hợp tác với Thiên Ngân, Hãng phim truyện 1 sẽ giải quyết ổn thỏa phần hậu kỳ, âm thanh, ánh sáng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, và Người vớt củi không còn sợ cảnh “áo gấm đi đêm” như hầu hết phim tài trợ nữa vì Thiên Ngân đang có trong tay hệ thống rạp Galaxy Nguyễn Du, cụm Galaxy Nguyễn Trãi mới khai trương cộng mối quan hệ bấy lâu với các hệ thống rạp khác trong cả nước. “Chắc chắn khâu phát hành sẽ bài bản và hiệu quả hơn, dễ dàng đưa bộ phim đến với người xem” - ông Vương Đức, Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam đồng thời là đạo diễn của Người vớt củi, khẳng định…

Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh Việt Nam quy định tối thiểu là 20% tổng số buổi chiếu phim Việt/năm, sản xuất một phim nội được nhập khẩu hai phim ngoại. Vừa có điều kiện mở rộng sang dòng phim nghệ thuật mang tính giáo dục tuyên truyền cao, Hãng phim Thiên Ngân vừa được lợi là có thêm đầu phim để thực hiện chức năng phát hành và nhập khẩu phim… Còn các hãng phim Nhà nước, nơi có trong tay đội ngũ đạo diễn, quay phim, biên kịch, biên tập; trang thiết bị làm phim tương đối chuyên nghiệp; khi hợp tác với tư nhân làm phim sẽ tiết kiệm được chi phí thuê mướn ê kíp rất nhiều. Nếu Hodafilm làm phim cùng Phước Sang sẽ được lợi từ hỗ trợ hậu kỳ (Hãng PS đã đầu tư hơn 1 triệu USD để nhập trang thiết bị - NV), casting diễn viên, tiếp thị quảng cáo…, từ đó việc đưa được phim đến với thị trường khán giả lý tưởng phía Nam cũng rất thuận lợi. Từ hàng chục năm nay, phát hành được phim ở phía Nam luôn là ước mơ ngoài tầm với của bất cứ hãng phim Hà Nội nào.

Trước đây, sự liên kết làm phim của hãng phim trong nước với nước ngoài, thực chất đa phần là làm dịch vụ như xin giấy phép, tổ chức ê kíp làm phim… “sang” hơn là được tài trợ để thêm vào kinh phí làm phim do Nhà nước cấp duyệt. Ông Phước Sang “bật mí” về hợp tác với hãng Billy Pictuers: “Chúng tôi hợp tác sòng phẳng, nghĩa là cùng góp vốn đầu tư sản xuất, mọi quyền lợi và trách nhiệm từ sửa chữa kịch bản, trả cátxê diễn viên… đều được cả hai bên thống nhất từng điều khoản trong hợp đồng. Thời điểm phát hành cũng phải tính đến thuận lợi chung cho cả hai bên”. Những cái lợi phải kể đến khi hợp tác làm phim với nước ngoài là: có cơ hội tiếp cận cách thức sản xuất phim chuyên nghiệp; học hỏi công nghệ làm phim hiện đại; tiếp thu kỹ thuật tiền kỳ và hậu kỳ. Sự hợp tác còn mang lại cho bộ phim cơ hội đi xa khi được trình chiếu ở hai nước và mở rộng thị trường ra các nước khác trên thế giới thông qua các LHP QT, các Hội chợ phim, các kênh phát hành…

Chuyện hợp tác lúc đầu có thể chưa “xuôi chèo mát mái” nhưng nhất định sẽ tạo được một con đường rộng mở cho việc sản xuất phim Việt nay mai.

Phúc Như Thủy

Tin cùng chuyên mục