Thị trường cát sau quyết định cấm khai thác

Cung giảm, cầu tăng, giá ngày càng cao

Cung giảm, cầu tăng, giá ngày càng cao

TPHCM - đặc biệt là phía Đông và Nam TP - thuộc vùng phù sa cận sinh, nền đất yếu, chưa ổn định, lớp bùn nhão do các chất hữu cơ phân hủy có nơi dày đến hơn 1m… Vì vậy, khi xây dựng, dù là loại công trình nào, việc tạo dựng nền hạ chỉ có thể sử dụng vật liệu thích hợp nhất là cát. Nếu chỉ tính sơ bộ mỗi hécta san lấp với cao độ 1,7m đã cần đến trên 20.000m3, nếu tính luôn cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó thì sẽ ngốn xấp xỉ 30.000m3. Chỉ tính riêng nhu cầu về cát san lấp mặt bằng, xây dựng... mỗi năm lên đến hàng chục triệu m3.

“Bùng nổ” nhu cầu sử dụng

Cung giảm, cầu tăng, giá ngày càng cao ảnh 1

Trong một vựa cát. Ảnh: Quốc Hùng.

Những năm 1990, khi bắt tay vào xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, các nhà đầu tư đã yêu cầu phải có từ 4 - 5 triệu m3 cát mới san lấp, xây dựng. Đến năm 1994, khi khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Nam Sài Gòn) xây dựng - mở đầu là đại lộ Nguyễn Văn Linh và nhiều khu công nghiệp, khu dân cư mới - cùng với nhu cầu xây dựng nhà ở không ngừng tăng lên do đời sống người dân được cải thiện, “cơn sốt” cát ngày càng tăng cao.

Những tháng cuối năm 2004, giá cát dao động từ 40.000đ đến 78.000đ/m3 (tùy loại) và hiện nay vọt lên 55.000đ - 125.000đ/m3 (giá sỉ, nếu bán lẻ tăng thêm vài ngàn đồng nữa), mà có lúc không đủ nguồn cung ứng. Giá cát san lấp có đến 40% tạp chất, cung ứng tại Nhà Bè và quận 7 hiện đã trên 55.000đ/m3; cát Vĩnh Long hoặc Tân Châu dùng trong xây, tô chưa qua sàng lọc không dưới 90.000đ/m3; cát Tân Ba dùng cho đổ bê tông qua sàng hiện đã lên đến 125.000đ/m3. Còn cát nhập từ Campuchia, có loại lên đến 125.000đ/m3.

Số lượng dự trữ của các vựa cát trong cảng Bình Thung (quận 7) không còn nhiều, chỉ từ vài trăm đến dưới 1.000m3. Tại bãi cát của DNTN B.T chúng tôi thấy công nhân ở đây đang rửa và sàng lọc số cát ít ỏi của mình để đóng bao, cung ứng cho một đơn vị trong khu chế xuất và khu vực Nam Sài Gòn, với giá trên 90.000đ/m3.

Anh Thanh, một người nhiều năm kinh doanh cát, cho biết do khan hiếm nên giá cát tăng mạnh, khiến anh gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện một số hợp đồng đã ký vào đầu năm.

Từ một loại vật liệu rẻ tiền, cát ngày càng có giá trên thị trường vật liệu xây dựng, đồng thời, cũng bắt đầu được phân loại theo thương hiệu. Trước năm 1975, các nhà thầu xây dựng chỉ biết đến cát Đồng Nai, cát Tân Ba dùng cho đổ bê tông, nhưng nay thì cát 2 thương hiệu trên gần như cạn kiệt, và đã xuất hiện các loại thương hiệu mới như cát Tân Châu, Vĩnh Long, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Bến Tre, Tây Ninh, và gần đây là cát nhập từ Campuchia. Nhưng về phẩm chất tất cả đều thua xa cát Tân Ba, Đồng Nai.

“Công nghệ” chế biến cát thành... cát

Cát là sản phẩm thiên nhiên mà đến nay con người chưa thể tạo ra hoặc làm giả. Do nhu cầu ngày càng tăng mà nguồn cung giảm nên gần đây xuất hiện “công nghệ” chế biến cát thành... cát. Trong đó, những thương hiệu cát được người tiêu dùng tín nhiệm, bị “pha” nhiều nhất.

Đơn giản nhất trong “công nghệ” này là pha trộn. Chỉ cần tỷ lệ 40% cát Campuchia trộn với 60% cát Tân Ba, người mua phải mua với giá cát Tân Ba. Cát vàng Vĩnh Long phơi khô, trộn theo tỷ lệ 50/50 với cát Đồng Nai cũng khó phát hiện…

Giới kinh doanh cát còn “đãi cát” san lấp, lấy ra những hạt lớn, hong khô, trộn vào cát xây dựng. Với nhà kinh doanh lẻ, chỉ cần làm động tác “đong thiếu” là lợi nhuận tăng thêm. Các loại xe ben vào lấy cát tại cát vựa bị “cạp mất” từ 0,5 đến 0,8m3 (tùy xe lớn nhỏ). Còn tại các cửa hàng bán lẻ, khi người bán chở bằng xe ba gác, tối đa mỗi m3 người mua chỉ nhận được 0,9m3.

Do một thời gian dài buông lỏng công tác quản lý loại tài nguyên này nên các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh cát đã mặc sức khai thác bừa bãi và sử dụng một cách lãng phí vì là “của chùa”. Nhờ cát mà nhiều người từ tay không đã trở thành “đại gia” trong ngành kinh doanh VLXD, thậm chí thành những nhà đầu tư nhà đất, thầu xây dựng lớn ª

NGỌC BÌNH

Tin cùng chuyên mục