
Họ là những người lính, trở về từ cuộc chiến giành độc lập cho Tổ quốc. Những tưởng ngày đoàn tụ gia đình sẽ ngập tràn hạnh phúc... Nhưng không. Họ vẫn còn tiếp tục chiến đấu, ở một chiến trường không tiếng súng, mà kẻ thù là bệnh tật, là những di chứng sau chiến tranh, và cả sự đói nghèo luôn vây bủa chung quanh.

Anh Dưỡng bên đống đồ đổ nát.
Qua khỏi vạt rừng cao su của Nông trường Bình Lộc thuộc Công ty Cao su Đồng Nai, chúng tôi đã nghe tiếng la hét ầm ĩ, tiếng va chạm, tiếng đổ vỡ…. Gương mặt anh Trịnh Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thiện huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, đầy vẻ lo âu, lắc đầu nói: “Nhà anh Dưỡng chắc lại có chuyện rồi!”.
Trong căn nhà nhỏ, ngoài cửa có một tấm biển ghi dòng chữ: “Nhà tình thương”, một người đàn ông ngồi trong đống ngổn ngang hét rất to: “Tất cả các đồng chí, nằm xuống, trong tivi có 2 trái mìn đã nổ”. Vừa hét anh vừa tháo chiếc dép ném về phía chúng tôi. Ném hết hai chiếc dép, anh nhặt những đồ vật vừa đập vỡ, một mảnh kính đâm vào tay anh bật máu…
Anh là Lê Văn Dưỡng. Rời quân ngũ năm 1982, anh Dưỡng trở về quê thì đột ngột lâm bệnh nặng và trở nên tâm thần. Chị Bùi Thị Hoài Thanh, vợ anh, sụt sùi kể: “Nhà có thứ gì ảnh cũng đập cho bằng hết. Nhiều bữa, cả nhà đang ăn cơm ảnh cầm mâm cơm ném ra ngoài sân làm chén bát vỡ hết, rồi chạy lên nghĩa trang thắp nhang cho tất cả các ngôi mộ. Nhiều đêm ngủ luôn ở đó không chịu về. Chiếc ti vi ảnh đập vừa rồi là của Hội Cựu chiến binh xã tặng nhân ngày 27-7. Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, tôi làm nghề chăn heo thuê, mỗi tháng được 1 triệu đồng, chỉ đủ cho 4 miệng ăn. Ảnh bị bệnh nhưng tôi đành “lực bất tòng tâm” vì không có tiền chữa trị”.

Ông Tạ Văn Ký và người con gái cũng bị điên.
Rời nhà anh Dưỡng, chúng tôi tìm đến nhà ông Tạ Văn Ký, dân tộc Chơro ở ấp Tín Nghĩa xã Xuân Thành huyện Thống Nhất. Ông Ký tham gia du kích xã trong những năm chiến tranh, sau khi đất nước hòa bình, ông đột ngột bị điên.
Ông có 3 người con gái, đứa đầu bị chết không rõ nguyên nhân, còn lại một người con bị tâm thần và một người bị liệt toàn thân. Căn nhà tình thương mà tường còn chưa được trát xi măng, còn lộ hàng gạch đỏ ông và gia đình đang ở là do Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa xây tặng từ năm 2004.
Chúng tôi đến nhà cũng là lúc vợ ông Ký bồng đứa con gái đang lên cơn co giật chạy lên xã. Ông và cô con gái thứ hai đang ngồi thu lu, sợ hãi nép trong góc nhà. Ông Lê Đình Xuân, Trưởng ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã Xuân Thiện, nói: “Ông Ký vừa bị liệt hai chân nên mới ở nhà. Cách đây 1 năm chúng tôi cũng khốn khổ vì suốt ngày ông ấy chạy ngoài đường cầm cờ và thổi còi tự nhận làm cảnh sát giao thông. Nhiều bữa ông bị xe máy tông gãy chân, chính quyền xã lo thuốc thang dùm. Gia đình có 4 người thì 3 bị tàn phế, chỉ có mình vợ ông đi nhặt hạt cao su thuê thì làm sao đủ ăn?”.
PHƯƠNG ANH