Cuộc chiến chống khủng bố chưa hồi kết ở châu Phi

Ở nơi xa xôi của miền Đông châu Phi, đằng sau những lớp dây kẽm gai và những bức tường bê tông, người ta có thể cảm nhận cuộc chiến chống khủng bố chưa hồi kết của Mỹ. Tại Lemonnier, căn cứ quân sự rộng 2,2km2, có các đội đặc nhiệm của Mỹ được giao nhiệm vụ chiến đấu chống lại chi nhánh mạnh nhất của Al-Qaeda trên thế giới.
Lính Mỹ trong chiến dịch truy quét Al Shabab ở Somalia
Lính Mỹ trong chiến dịch truy quét Al Shabab ở Somalia

Chiến lược mới

Nằm trên sa mạc cháy nắng ở đất nước nhỏ bé Djibouti, căn cứ Lemonnier trông như một pháo đài cát. Các đội biệt kích Mỹ xuất hiện từ phía sau cánh cổng nhanh chóng lên máy bay sang Somalia - nơi có “các cuộc giao tranh nhiều tập” để hợp cùng các lực lượng địa phương chống lại lực lượng Al-Shabab, chi nhánh lớn nhất của Al-Qaeda.

Cách Lemonnier khoảng 2.400km về phía Đông Bắc, khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ hoạt động tại các căn cứ trên khắp Iraq, nơi họ thường xuyên trở thành mục tiêu của tên lửa và súng cối được Al-Shabab cung cấp. Trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden liệt kê hàng chục quốc gia, từ Niger đến Philippines, nơi quân đội Mỹ đang thực hiện các chiến dịch chống khủng bố. Các nhiệm vụ này do 50.000 binh sĩ đảm trách. Giờ đây, căn cứ Lemonnier ở Djibouti đang đi đầu trong cách tiếp cận của ông Biden chống Al-Shabab. Tuy nhiên, theo tướng Townsend, chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ ở châu Phi (AFRICOM), việc bố trí lại lực lượng Mỹ bên ngoài Somalia tạo thêm phức tạp và rủi ro mới. Ông nói: “Hiểu biết của chúng tôi về những gì đang xảy ra ở Somalia bây giờ ít hơn so với khi chúng tôi ở đó”. Ngoài ra, các nhóm nhân đạo đã nhiều lần cáo buộc rằng, các cuộc tấn công của AFRICOM đã gây nhiều thương vong cho người dân trong khu vực hoạt động của lực lượng này.

Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã cam kết chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, nhưng ông không có kế hoạch rút lui khỏi các nhiệm vụ chống khủng bố toàn cầu. Một tháng sau khi rút khỏi Afghanistan hỗn loạn, ông Biden đang tiếp tục công việc mà những người tiền nhiệm của ông đã bắt đầu: thực hiện các nhiệm vụ quân sự ở nước ngoài trong khi vẫn duy trì các lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố được trang bị vũ khí hiện đại, có tính chiến đấu cao tại những nơi có nguy cơ.

Nhưng vấn đề đầu tư ở mức độ nào vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu là chủ đề của cuộc tranh luận nội bộ trong chính quyền ông Biden. Theo tạp chí Newsweek, đội ngũ an ninh quốc gia của tổng thống đang hoàn thiện một chiến lược chống khủng bố mới, từ đó sẽ quyết định mức độ triển khai lực lượng toàn cầu của Mỹ. Ông Biden đã tạm dừng hầu hết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thường gây chết nhiều người dân vô tội. Ở trong nước, ông cho tăng cường điều tra chống khủng bố về những kẻ cực đoan bạo lực, được đánh giá là mối đe dọa lớn nhất trong nước hiện nay.

Nguy cơ “Afghanistan thứ hai”

Mỹ có một lịch sử về việc triển khai quân đội đến Somalia, nhất là sự cố nổi tiếng “Black Hawk Down” (được dựng thành phim) vào năm 1993, khi 18 lính Mỹ thiệt mạng và 2 máy bay trực thăng bị bắn rơi ở Mogadishu. Sau ngày 11-9-2001, lực lượng đặc nhiệm Mỹ bắt đầu đưa quân trở lại nước này. 

Năm 2006, Al Shabab (trong tiếng Arab có nghĩa là “thanh niên”) đã tiến hành cuộc nổi dậy chống lại Chính phủ Somalia mong manh được Liên hiệp quốc hậu thuẫn. Những nỗ lực giúp ổn định Somalia đã đạt được một số thành công, như khi quân đội Kenya trong khuôn khổ Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) đánh đuổi Al-Shabab ra khỏi Mogadishu và thị trấn cảng Kismayo vào năm 2011. Cùng lúc đó, Mỹ cùng AMISOM tiếp tục các chiến dịch quân sự chống Al-Shabab trong nhiều năm. Đến những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút toàn bộ quân khỏi Somalia trước ngày 15-1-2021, vài ngày trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Kể từ đó, AMISOM đã phải liên tục đương đầu với các cuộc tấn công từ Al-Shabab. Trong trường hợp AMISOM rút đi, lực lượng an ninh và quân đội Somalia khó có thể ngăn chặn mối đe dọa của Al-Shabab. Sau những gì xảy ra tại Afghanistan, người dân Mỹ lo ngại điều tương tự có thể xảy ra với chính phủ yếu ớt của Somalia. Al-Shabab đã ca ngợi việc tiếp quản Afghanistan trên các kênh truyền thông xã hội và lặp lại mong muốn tấn công Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, không giống như Taliban, vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại với Mỹ một khi Al-Shabab lật đổ chính phủ tại Somalia.

Mỹ đã không thành công trong việc sử dụng máy bay không người lái để chống lại những kẻ khủng bố như Al-Shabab. Nhóm này rất lộng hành ở thủ đô Mogadishu, Somalia. Hôm 25-9, một ô tô chở đầy chất nổ đã phát nổ gần dinh tổng thống, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. 11 ngày trước đó, một kẻ đánh bom liều chết bước vào quán trà và kích nổ chiếc áo khoác có cài bom, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Al-Shabab chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 4.400 dân thường kể từ năm 2010. Nhóm này thỉnh thoảng thực hiện các cuộc tấn công nổi tiếng bên ngoài Somalia, trong đó có vụ tấn công vào trung tâm mua sắm Westgate cao cấp của Kenya vào năm 2013 khiến 67 người thiệt mạng.

Al-Shabab ít được chú ý hơn các tổ chức khủng bố khác, nhưng với 10.000 chiến binh, đây là chi nhánh lớn nhất của Al-Qaeda, kiểm soát những vùng nông thôn, miền Trung Nam Somalia. Giống như Taliban ở Afghanistan, nhóm này điều hành một mạng lưới ngầm chuyên tống tiền các chủ doanh nghiệp và áp đặt hình thức khắc nghiệt của luật Hồi giáo Sharia với các hình phạt như sỉ nhục nơi công cộng, ném đá và cắt cụt chân. Theo một nghiên cứu vào tháng 10-2020 của Viện Hiraal, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Somalia, Al-Shabab thu nhập 15 triệu USD mỗi tháng, ngang bằng với doanh thu của Chính phủ Somalia.

Tin cùng chuyên mục