Cuộc chiến toàn cầu chống ma túy kéo dài trong nhiều thập niên cho tới nay vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự. Đó là lý do vì sao hơn 1.000 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có 27 thành viên của Hạ viện và 6 thượng nghị sĩ Mỹ đã trình thư ngỏ lên Liên hiệp quốc (LHQ) trước hội nghị thượng đỉnh về chống ma túy, do Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ chủ trì, diễn ra trong tuần này.
Bức thư, còn có chữ ký của hơn 230 chuyên gia y tế, cho rằng, chính sách kiểm soát ma túy trong thế kỷ 20 đã thất bại thảm hại đối với sức khỏe toàn cầu, an ninh và nhân quyền. Ngoài ra, theo nội dung bức thư, cuộc chiến chống ma túy tập trung quá nhiều vào hình sự và hình phạt đã tạo ra một thị trường ma túy ngầm rộng lớn, làm nảy sinh nhiều tổ chức tội phạm kéo theo nhiều vấn đề khác như bùng phát bạo lực, lũng đoạn nền kinh tế và làm xói mòn các giá trị đạo đức cơ bản.
Mục đích của hội nghị do ĐHĐ LHQ tổ chức nhằm thiết lập các tiêu chuẩn và trọng tâm trong chính sách chống ma túy toàn cầu những thập kỷ tới. Lần cuối cùng LHQ tổ chức một hội nghị tương tự là vào năm 1998 với phương châm “một thế giới không có ma túy - chúng ta có thể làm điều đó”. Các quốc gia thành viên LHQ cam kết sẽ thúc đẩy một xã hội không còn lạm dụng ma túy và phát triển chiến lược, nhằm loại trừ hoặc giảm đáng kể việc sản xuất và sử dụng các chất bất hợp pháp vào năm 2008.
Kể từ đó, không thể phủ nhận một số thành tựu nhưng bên cạnh đó là không ít những thất bại. Các nhà cải cách hy vọng, phiên họp đặc biệt trong tuần này sẽ chứng kiến sự thay đổi nhận thức về kiểm soát ma túy quốc tế. Theo tờ Washington Post, không thể áp đặt một cách duy ý chí cuộc chiến chống ma túy mà không xem xét kỹ cùng lúc nhiều khía cạnh. Vì vậy, ngôn ngữ về việc thúc đẩy một xã hội “không còn lạm dụng ma túy” và “phải loại bỏ việc sản xuất các loại ma túy” không còn phù hợp.
Thật vậy, chính sách chống ma túy trong hơn 18 năm qua cũng chứng kiến nhiều xu hướng khác với LHQ. Đơn cử tại một số bang của Mỹ đã đi tiên phong về chính sách ma túy riêng biệt không theo liên bang, đặc biệt là chính sách sử dụng cần sa. Một số quốc gia đã chuyển hướng sang xóa bỏ kết án về ma túy, nhất là án tử hình và thậm chí hợp pháp hóa cần sa cũng như tập trung vào việc giảm thiểu tác hại. Nhiều đề xuất cho rằng, thay vì cấm hoàn toàn, nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng có hạn chế một số ít chất gây nghiện, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của các chất gây nghiện. Hơn thế nữa, một số quốc gia muốn nhấn mạnh vào việc điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng và tái hòa nhập xã hội với người nghiện, nhằm giảm thiểu tác hại của ma túy với sức khỏe cộng đồng và giảm hậu quả xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi, nhất là từ các nước bạo động bùng phát do nguồn cung ma túy gây ra như Mexico. Mấu chốt là làm sao thế giới phải tìm ra cách tiếp cận đúng đối với cuộc chiến chống ma túy. Đây sẽ là một quá trình lâu dài. Sau cuộc họp tuần này, dự kiến đến năm 2019, LHQ có khả năng thiết lập một kế hoạch hành động mới về ma túy. Có thể có cả các cuộc thảo luận cụ thể hơn về việc xác định lại các quy định quốc tế về các chất gây nghiện, nhưng điều này sẽ phải mất thêm nhiều năm.
THỤY VŨ