Cuộc chiến mới trên “bầu trời mở”

Ngày 22-5, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi triệu tập họp khẩn trong ngày để thảo luận khả năng an ninh của châu Âu sẽ bị phương hại sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cùng Nga, với lý do “Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước” khi không cho phép Mỹ tiến hành các chuyến bay quan sát trên bầu trời Moscow, Abkhazia, Nam Ossetia và Chechnya…
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ có kế hoạch đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ có kế hoạch đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Nỗ lực cứu vãn

Hôm 21-5, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết việc rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức được thực hiện sau 6 tháng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 22-5 tuyên bố Moscow sẽ vẫn tuân thủ Hiệp ước Bầu trời mở cho đến khi thỏa thuận này còn hiệu lực và sẽ cố gắng cứu vãn hiệp ước này qua quá trình đàm phán với Mỹ. Động thái của Mỹ sẽ là đòn mạnh không chỉ giáng vào nền tảng an ninh châu Âu mà còn vào những lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ.

Bộ Ngoại giao Nga cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng nước này không tuân thủ hiệp ước khi ngăn cản Mỹ và Canada tiến hành các chuyến bay đã lên kế hoạch trong cuộc tập trận Center 2019 được tổ chức ở phía Nam của Nga và vùng Trung Á vào tháng 9-2019 với khoảng 128.000 quân và hơn 20.000 trang thiết bị.

Moscow phản hồi rằng, việc đảm bảo an ninh cho cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Canada vào thời điểm đó là bất khả thi do tình hình thay đổi nhanh chóng trong suốt cuộc tập trận trên quy mô lớn như vậy. Khi Nga đề xuất khung thời gian thay thế cho các chuyến bay này, Mỹ và Canada đã từ chối.

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 22-5, Ngoại trưởng 10 nước gồm Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Italy, Luxembourg, Hà Lan, CH Czech và Thụy Điển đều bày tỏ lấy làm tiếc về thông báo của Chính phủ Mỹ về việc trong 6 tháng tới sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

Tuyên bố khẳng định Hiệp ước Bầu trời mở đã đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng lòng tin trong nhiều thập kỷ qua nhằm tăng cường an ninh và sự minh bạch tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Các nước đồng thời nêu rõ sẽ tiếp tục đối thoại với Nga trên cơ sở những ý kiến đã thống nhất trước đó giữa các đồng minh trong NATO và các đối tác châu Âu khác để cùng tháo gỡ những bất đồng.

Số phận START-3 bị đe dọa

Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002, cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát ngắn theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước trên toàn bộ lãnh thổ nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các lực lượng và hoạt động quân sự.

Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi kể từ khi nhậm chức tháng 1-2017. Trước đó, ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988. Trong tất cả các trường hợp, ông Trump cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận.

Ngoài ra, ông Trump cũng bỏ lửng quyết định đối với một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START hay còn gọi là STAR-3).

Báo New York Times trích dẫn nguồn tin từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở có nghĩa ông Trump từ chối gia hạn START-3, được Nga và Mỹ ký năm 2010 và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

Theo giới phân tích, quyết định của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm tình hình chính trị, quân sự ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và làm xấu đi mối quan hệ giữa Nga và NATO trong bối cảnh Hiệp ước Bầu trời mở là một trong số ít các thỏa ước còn tồn tại để bảo đảm tính minh bạch giữa các bên.

Tin cùng chuyên mục