Năm nay là năm thứ 10 tổ chức Khí hậu phối hợp với Liên hiệp quốc và thành phố New York tổ chức Tuần khí hậu bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Theo nghiên cứu Cơ hội và khí hậu, do các tổ chức C40 Cities, Viện Khí hậu mới của Đức và Hiệp ước Toàn cầu của các thị trưởng về khí hậu và năng lượng đồng thực hiện, các chính sách về chống biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2030 có thể tạo ra gần 14 triệu việc làm tại các đô thị trên thế giới, đồng thời giúp 1,3 triệu người tránh khỏi nguy cơ tử vong vì các vấn đề liên quan đến khí hậu, những chính sách phù hợp ở đô thị sẽ giúp thế giới tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm. Những định hướng phù hợp bao gồm đầu tư vào tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí tại các hộ gia đình cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các chính sách như phát triển dịch vụ giao thông công cộng sẽ giúp người dân tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí, giúp giảm tỷ lệ tử vong sớm do bệnh tật và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích đã được giới khoa học chứng minh, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) vẫn đang gặp thách thức lớn vì thiếu quyết tâm chính trị và đồng thuận giữa các nước. Tại vòng đàm phán ở Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng 9 này, các nước phát triển lừng khừng trong việc tuân thủ cam kết gây quỹ 100 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu, khiến Thỏa thuận Paris rơi vào thế bế tắc. Bên cạnh đó, báo cáo của Viện Phát triển hải ngoại Anh (ODI) cho thấy các nước công nghiệp lớn trên thế giới chi ít nhất 100 tỷ USD để hỗ trợ ngành dầu khí và than đá hằng năm. Theo đó, bất chấp cam kết chấm dứt trợ cấp ngành nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025, các nước G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ vẫn tiếp tục chi mạnh tay trong lĩnh vực này. Pháp xếp cao nhất trong số 7 nước về hỗ trợ sản xuất nhiên liệu hóa thạch, tiếp theo lần lượt là Đức, Canada và Anh, Mỹ xếp thấp nhất dù nước này đã rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bà Shelagh Whitley dẫn đầu nhóm nghiên cứu, chỉ trích: “Chính phủ các nước luôn nói họ không có đủ tiềm lực hỗ trợ chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tiềm lực có sẵn nhưng đang được sử dụng thiếu hiệu quả”.
Cũng chính các nước G7 đang ngầm hủy hoại khí hậu khi chưa đầu tư xứng đáng vào các công nghệ có lượng carbon thấp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết giá carbon tại các nước có nền kinh tế phát triển hiện quá thấp để cắt giảm phát thải khí nhà kính và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của BĐKH. Giá carbon, thông qua các kế hoạch kinh doanh thuế hoặc khí thải, được nhiều nước sử dụng để người tiêu dùng năng lượng phải trả chi phí ô nhiễm và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ carbon thấp. OECD đã kiểm tra giá carbon từ năm 2012 đến nay trong 42 nền kinh tế OECD và G20, chiếm khoảng 80% lượng khí thải carbon toàn cầu. Kết quả cho thấy mức giá carbon trung bình trên các quốc gia trong năm 2018 thấp hơn 76,5% mức chuẩn 30 EUR (35USD) một tấn mà tổ chức này cho là cần thiết.