Cuộc chiến thuế thép tiếp diễn

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đã phát hiện các sản phẩm thép tấm cuộn mạ thiếc của Canada, Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc đang được bán phá giá vào thị trường Mỹ.

Theo tuyên bố đưa ra ngày 5-1, Bộ Thương mại Mỹ cũng khẳng định các sản phẩm thép tấm cuộn mạ thiếc - kim loại màu bạc sáng bóng được sử dụng rộng rãi để sản xuất lon thực phẩm, sơn, bình xịt và các loại hộp đựng khác - nhập khẩu từ Hà Lan, lãnh thổ Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh không bị bán phá giá.

Kết quả, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với thép mạ thiếc nhập khẩu từ Canada, Đức và Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ BNN Breaking, mức thuế cao nhất được áp dụng đối với một số loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc là 122,5%. Nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, Baoshan Iron and Steel Co Ltd, hiện đối mặt với mức thuế chống trợ cấp đối kháng 650%, trong khi các nhà sản xuất thép khác của Trung Quốc là 331,9%. ThyssenKrupp Rasselstein của Đức và các nhà sản xuất khác của Đức đã được ấn định mức thuế cuối cùng là 6,88%, trong khi ArcelorMittal Dofasco của Canada và các nhà sản xuất khác của nước này được áp mức thuế 5,27%. KG Dongbu Steel của Hàn Quốc được ấn định ở mức 2,69%.

h8c-5105.jpg
Mỹ áp thuế chống phá giá mới với thép tấm cuộn mạ thiếc của nhiều nước. Ảnh: GETTY IMAGES

Các mức thuế cuối cùng phần lớn phù hợp với thuế chống bán phá giá sơ bộ của Bộ Thương mại đối với thép mạ thiếc nhập khẩu từ Canada, Đức và Trung Quốc áp đặt vào tháng 8-2023. Thời điểm đó, sau cuộc điều tra sơ bộ cho thấy công ty con của nhà sản xuất thép ArcelorMittal của Canada và ThyssenKrupp có trụ sở chính ở Đức đã bán phá giá thép mạ vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn loại tương tự ở thị trường trong nước của hai công ty này (với tỷ lệ bán phá giá lần lượt là 5,3% và 7%), Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với thép mạ thiếc nhập khẩu từ Canada, Đức. Riêng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cao nhất là 122,5% được áp dụng đối với thép tấm cuộn mạ thiếc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Canada đã bày tỏ sự thất vọng trước mức thuế chống phá giá trên, với lý do có thể có những tác động bất lợi đối với chuỗi cung ứng và lạm phát. Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada Mary Ng cho biết trong một tuyên bố: “Những mức thuế này không chỉ làm suy yếu chuỗi cung ứng giữa Canada và Mỹ mà còn làm trầm trọng thêm tác động của lạm phát ở cả hai bên biên giới. Canada sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của ngành thép Canada và người lao động trong ngành này”.

Dự kiến trong vài tuần tới, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu các mức thuế này có được áp dụng hay không.

Tin cùng chuyên mục