Cuộc đời bi kịch của một nữ tướng cướp - Bài 2: Cuộc đời được huyền thoại hóa

Cuộc đời bi kịch của một nữ tướng cướp - Bài 2: Cuộc đời được huyền thoại hóa

Phoolan Devi sinh năm 1964 tại Gorha Ka Purwa thuộc bang Uttar Pradesh, ngôi làng nghèo không xa Behmai. Làng Gorha Ka Purwa nhỏ đến độ nó không hiện diện trong bất cứ bản đồ nào của Ấn. Dựng lên từ bờ sông thiêng Yamuna, nó chỉ có vài túp lều làm bằng bùn lợp rơm. Như 567.000 ngôi làng tương tự khắp Ấn, tập trung hơn nửa tỷ người Ấn Độ, Gorha Ka Purwa góp phần hình thành nên cái thế giới mà Gandhi từng nói đó mới chính là “nước Ấn Độ thật sự”.

Nạn nhân của bất công

Cuộc đời bi kịch của một nữ tướng cướp - Bài 2: Cuộc đời được huyền thoại hóa ảnh 1
Nhiều người Ấn tỏ lòng tiếc thương Phoolan Devi

Xuất thân từ gia đình nghèo, Devi - như mọi bé gái khác ở làng quê Ấn Độ - không được bố mẹ thương yêu (từ quan niệm trọng nam khinh nữ). Không biết chữ, Devi hiếm khi vượt quá 20 dặm xa khỏi làng.

Như mọi gia đình thuộc đẳng cấp bần cùng khác ở Ấn, nhà Devi cũng là nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc tồn tại hơn 2.500 năm. Cha Devi - Devidin - khá hơn vài người khác ở làng Gorha Ka Purwa: Ông có mảnh đất khoảng một mẫu. Dù vậy, ông vẫn đi làm thuê để nuôi gia đình.

Trước kia, đất cát nhà Devidin có nhiều hơn nhưng bị người anh của ông cùng con trai ông ấy chiếm gần hết. Cô gái nhỏ Devi uất ức nhưng bất lực. Khi lên 10 tuổi, Devi bắt đầu cuộc chiến giành lại đất. Một mình gặp người anh họ Maiyadin, Devi mắng nhiếc và sau đó cùng chị mình ra miếng đất của Maiyadin cắm dùi ngồi lì. Cô bị Maiyadin đánh bất tỉnh.

Năm 11 tuổi, với sự thúc giục của Maiyadin, Devi bị gả cho một ông góa từ một ngôi làng xa lớn tuổi gấp ba lần cô, với giá đổi lại chỉ là một con bò. Bị đánh đập tàn bạo, Devi trốn chồng, không lâu sau sinh nhật lần thứ 12 của mình.

Trong 10 năm kế, Devi đi đi về về làng, tự kiếm sống và sau đó kết hôn với một người anh họ tên Kailash. Cuộc hôn nhân không kéo dài. Cuộc chiến giành đất với Maiyadin vẫn tiếp tục. Khi 20 tuổi, Devi kiện lên tòa Allahabad. Năm sau, 1979, Devi bị bắt vì “tội đánh cướp nhà Maiyadin”. Một tháng trong tù là thời gian Devi bị bọn cảnh sát - bạn của Maiyadin - thay nhau hãm hiếp. Tuy nhiên, càng lúc Devi càng khiến dân làng xì xầm, bởi cá tính mạnh mẽ kỳ lạ của cô. Devi trở thành cô gái duy nhất trong làng bị nguyền rủa khi trần truồng tắm trong con sông thiêng Yamuna...

Buổi tối hôm lễ hội Sawan, đầu tháng 7-1979, là bước ngoặt trong đời Devi. Cô nghe người ta đồn rằng băng thổ phỉ nổi tiếng Babu Gujar đang lập trại tại bờ sông. Nửa đêm, khi ngủ ở nhà mình, Devi nghe tiếng chân bọn thổ phỉ. Chúng cầm đuốc và châm lửa đốt nhà cô. Devi bị bắt. Có người nói rằng Maiyadin đã chi tiền cho bọn thổ phỉ để chúng bắt Devi.

Một lần nữa, Devi lại bị hãm hiếp, lần này là Babu Gujar. Vào ngày thứ ba, tên phó Vikram Mallah của băng thổ phỉ đã bắn chết Babu Gujar. Hắn yêu trộm nàng từ lâu, khi nghe tiếng về cô gái mạnh mẽ này. Vikram Mallah lên làm thủ lĩnh và Devi trở thành tình nhân. Vikram dạy cô bắn súng và kỹ thuật đánh cướp. Chỉ năm sau, Vikram và Devi dẫn đám thổ phỉ của mình tung hoành khắp các vùng núi Ấn Độ. Họ cướp bóc, chặn xe lửa, tấn công các làng thuộc thành phần đẳng cấp cao...

Trước mỗi vụ cướp, theo yêu cầu của Devi, băng cướp luôn thực hiện một nghi lễ tại ngôi đền nào đó, tất cả đều nhằm tôn vinh nữ thần Durga - người mà Devi tin rằng luôn báo hiệu những gì nên làm. Trong một lần gặp phóng viên Mary Anne Weaver của nguyệt san The Atlantic Monthly, Devi kể về một điềm gỡ mà bà cho rằng đó là sự kiện quan trọng nhất trong những năm tháng sống đời thổ phỉ. Đó là một đêm hè tháng 8-1980, không lâu sau kỳ lễ hội Sawan Dui, Devi thấy một con bò ngồi ở gốc một thân cây khô tại rìa khu lều trại mình.

Cô năn nỉ Vikram dời trại nhưng hắn không nghe. Khi đang ngủ, họ choàng dậy bởi loạt tiếng súng. Vụ đột kích không phải do cảnh sát thực hiện mà là cuộc thanh toán nội bộ. Bọn ám sát là hai anh em ruột Lala Ram Singh và Sri Ram Singh, mới nhập băng vài ngày trước.

Sau khi giết Vikram Mallah, Lala Ram Singh và Sri Ram Singh bắt trói Phoolan Devi và đưa cô xuống chiếc thuyền, xuôi dòng Yamuna và cuối cùng đến làng Behmai. Devi bị nhốt trong căn lều hôi thối trong hơn ba tuần. Mỗi đêm, cửa lều được mở và từng người vào bên trong, thay nhau hiếp Devi. Bọn Thakur làm như vậy cho đến khi cô bất tỉnh.

Vào đêm thứ 23, sau khi anh em Sri Ram và Lala Ram vào núi, Santosh Pandit - một thầy dòng từ ngôi làng gần đó - lẻn vào lều, cởi trói Devi và mang cô lên chiếc xe bò. Thoát nạn và cùng với sự giúp đỡ của Man Singh, Devi tái lập băng thổ phỉ. 17 tháng sau, vào Ngày tình yêu, họ trở lại làng Behmai, giết chết 22 tên Thakur, trong đó có những kẻ từng hãm hiếp mình...

Biểu tượng chống lại bất công

Cuộc đời Phoolan Devi đã được huyền thoại hóa từ báo chí và điện ảnh. Năm 1996, đạo diễn từng được đề cử Oscar Shekhar Kapur đã dựng phim Bandit Queen, nói về cuộc đời Devi. Cũng trong năm đó, bà tung ra quyển hồi ký Tôi, Phoolan Devi. Không chỉ bởi nhiều chi tiết đời sống cá nhân đầy bi kịch, Devi còn là đại diện cho tầng lớp người bần cùng chống lại thành phần thuộc đẳng cấp cao như một bất công ngàn đời của truyền thống xã hội Ấn, như lời bà viết: “Cha tôi luôn giải thích rằng trong làng có hai loại người - người giàu sở hữu đất và người nghèo là thành phần như chúng ta. Người nghèo chẳng có gì, không đất cát, không tiền bạc và không quyền lực. Họ sinh ra chỉ để phục vụ. Không có cách nào khác...”.

Sau khi ra tù năm 1994, Devi gia nhập đảng Samajwadi - đại diện cho các giai cấp “thấp kém”. Bà trở thành thành viên Quốc hội. Thất cử năm 1998, bà quay lại chính trường năm 1999. Một thanh niên tên Sher Singh Rana ở thành phố Dehradun đã đầu thú, tự nhận mình giết chết Devi với 6 phát đạn. Động cơ, theo lời hắn, là trả thù cho cuộc thảm sát trước đó 20 năm, tại làng Behmai, khi Phoolan Devi giết chết 22 người Thakur - cũng là một cuộc trả thù nhưng là sự đòi lại công bằng cho tấm bi kịch từng lặp đi lặp lại suốt cuộc đời bà....

Phúc cẩm

Nữ hoàng giang hồ

Tin cùng chuyên mục