Cuộc gặp gỡ giữa những nhà làm phim tài liệu

Cuộc gặp gỡ giữa những nhà làm phim tài liệu

Vợ chồng nhà sản xuất phim kiêm đạo diễn phim tài liệu của Mỹ Carl Deal và Tia Lessin, cùng với nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh và Truyền hình Mỹ, bà Diane Carson, đã sang Việt Nam giao lưu với các nhà làm phim tài liệu trẻ của Việt Nam. Họ đã gây ấn tượng bằng bộ phim tài liệu “Trouble the water” (Dòng nước dữ) do chính cặp vợ chồng Carl Deal và Tia Lessin thực hiện…

“Cơn bão” của nước Mỹ

Bộ phim gợi nhớ hình ảnh miền Trung Việt Nam đang trải qua cơn lũ khắc nghiệt cướp đi bao tính mạng, đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. “Dòng nước dữ” là bộ phim tài liệu kể về cơn bão Katrina đã phá hủy thành phố New Orleans của nước Mỹ và số phận của những người dân dưới đáy xã hội bị nhấn chìm trong cơn bão ấy. Nhưng sâu xa hơn cả là việc mô tả “cơn bão” trong lòng những con người ở dưới đáy xã hội Mỹ. Hàng trăm ngàn người bị Chính phủ Mỹ bỏ mặc không chỉ trong cơn bão khủng khiếp ấy mà trong cả cuộc đời họ, chỉ vì họ nghèo, không có học và là dân da màu… 

Carl Deal và Tia Lessin

Carl Deal và Tia Lessin

Mặc dù mô tả cơn bão khủng khiếp đổ ập tới cuốn trôi nhà cửa, làm chết người… song những chi tiết đắt giá của bộ phim lại nằm ở sự lý giải nguyên nhân của cơn bão và nguyên nhân khiến cho những người dân trở thành nạn nhân trong cơn bão ấy. Điều gây nên sự chấn động là thiên tai xảy ra ở đất nước được xem là một cường quốc giàu mạnh nhất thế giới, nơi có điều kiện để hạn chế thiên tai xảy ra, thậm chí nếu nó có xảy ra thì cũng có đủ khả năng cứu nạn kịp thời. Thế nhưng khi nó xảy ra, người dân phải tự cứu mình… Hàng ngàn người chết oan và hàng chục ngàn người khác thoát chết nhưng lại có thái độ căm phẫn. Nhiều người, dù cơn bão đã đi qua nhưng không quay trở lại nhà vì không chịu nổi sự ám ảnh và giận dữ…

Bộ phim đã giành được hàng loạt giải thưởng cùng những đề cử tại các LHP quốc tế lớn: giải thưởng Gotham Independent cho phim tài liệu xuất sắc nhất (2009); giải của BGK LHP Sundance, giải của BGK LHP Full Frame Documentary, giải đặc biệt của BGK LHP Silverdocs, giải Henry Hampton của Hiệp hội Council on Foundations, giải của Hiệp hội Working Films, giải Kathleen Bryan (2008); đề cử giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất, đề cử giải của “Hiệp hội quốc gia dành cho sự tiến bộ của người da màu” cho phim tài liệu xuất sắc nhất, đề cử giải dành cho phim tài liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất phim Hoa Kỳ (2009).

Nói về hoạt động sản xuất phim tài liệu ở Mỹ, bà Diane Carson cho biết: “Phim tài liệu đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Mỹ. Đó có thể là những tiếng nói, là thái độ của người dân đối với chính phủ. Nhiều người coi phim tài liệu là một loại phim đáng chán, nhưng trong 20 năm gần đây điều đó đã thay đổi”.

Chia sẻ bí quyết làm phim tài liệu đối với các nhà làm phim trẻ ở VN, vợ chồng Carl Deal nói: đó là việc phá vỡ những quy luật, những nguyên tắc, không đi theo quan điểm chính thống nào sẽ càng làm tác phẩm hay hơn.

Một góc nhìn về cuộc sống ở Việt Nam

Trong khuôn khổ của cuộc giao lưu, thông qua Phòng Văn hóa thông tin của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, các nhà làm phim tài liệu Mỹ đã có cuộc gặp gỡ với một số nhà làm phim tài liệu trẻ ở Việt Nam vào sáng 6-11. Các nhà làm phim Mỹ đã được xem 2 bộ phim tài liệu của 2  đạo diễn trẻ Lan Phương và Lê Minh.

Phim của đạo diễn Lan Phương có cái tên “Khóc mướn”, đang có một chuyến “lưu diễn” tại 10 trường đại học ở Mỹ. Trong buổi chiếu giới thiệu phim, Lan Phương cho biết đây cũng là lần đầu tiên bộ phim “Khóc mướn” được chiếu tại Việt Nam. Bộ phim kể về một trong những “nghề lạ” ở Việt Nam, nghề “khóc mướn” trong các đám tang.

Giao lưu giữa nhà làm phim Mỹ (bìa phải) với các nhà làm phim trẻ Việt Nam.

Giao lưu giữa nhà làm phim Mỹ (bìa phải) với các nhà làm phim trẻ Việt Nam.

Câu chuyện của chị khiến người xem khám phá sự bất ngờ từ một công việc kỳ lạ, những người làm công việc đó với niềm say mê và cả cái tâm của người làm nghề. Còn Lê Minh giới thiệu phim “Chung cư của tôi”. Đây là một góc nhìn trực tiếp của người làm phim khi biến mình thành một nhân vật trong câu chuyện để kể về cuộc sống của những người sống quanh mình tại một khu chung cư cũ… Hai bộ phim đã tạo được ấn tượng đối với những nhà làm phim tài liệu của Mỹ.

Bà Diane gọi buổi xem phim là “điểm sáng nhất trong chuyến đi của chúng tôi đến Việt Nam”. “Tôi để ý thấy khán giả xem phim ở Hà Nội và TPHCM rất chuyên nghiệp. Các bạn chú ý tới từng chi tiết trong phim. Tôi cho rằng các bạn đã tạo được mối quan hệ sâu sắc giữa tác phẩm và người xem”, bà nói. Còn bà Tia Lessin thì bất ngờ đối với phim tài liệu của các tác giả trẻ VN: “Các bạn khiến tôi xúc động, phim được làm rất tốt”.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục