Cuộc giao lưu mang chủ đề: “Biển đảo trong trái tim ta” giữa gần 400 học sinh, giáo viên trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TPHCM) và CB-CS Lữ đoàn 125 Hải quân, vào ngày đầu tháng 12-2013, ngay trong căn cứ lữ đoàn, trên những con tàu, khi thành phố đang dần chuyển mùa xuân với không khí chớm se lạnh lúc hừng đông, diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc của cả “chủ nhà” và “khách mời”. Nét hồn nhiên học trò cùng vẻ trang nghiêm, chân tình của các thầy cô giáo như hòa quyện thật tự nhiên với chất lính biển rắn rỏi, tự tin, lạc quan - tạo thành không khí vừa hào hứng sôi động vừa lắng đọng thiết tha “trong tim chúng ta là biển đảo quê hương”.
Sự trải nghiệm quý giá
Như một cuộc hành quân thật sự, náo nức và tề chỉnh, thầy và trò Trường THCS Lê Văn Tám tới Lữ đoàn 125 Hải quân khi nắng vừa lên. CB-CS hải quân trang nghiêm chào đón, rồi tay bắt mặt mừng, nhiệt tình, chu đáo hướng dẫn đoàn khách lên 6 con tàu. Một thoáng bỡ ngỡ pha chút bối rối, rụt rè nơi đoàn trò nhỏ khi thấy những con tàu to lớn lắc lư nhẹ nơi cầu tàu, nhưng ngay sau đó các cháu mạnh dạn tự tin hẳn, bám sát đội hình bước theo chân những người lính lên tàu.
Mắt nhìn háo hức và không ít những tiếng trầm trồ trong suốt thời gian các cô cậu bé đi thăm con tàu. Từ màn hình radar, buồng máy, hầm tàu đến nhà bếp, phòng ngủ…và những vũ khí, vật dụng trên tàu đều làm đám trẻ lạ lẫm, tò mò. Vừa lắng nghe, vừa tranh thủ ghi chép, các cháu như đang ở trong một tiết học vậy. Nghe những người lính trên tàu giới thiệu về đời sống, sinh hoạt, về nhiệm vụ học tập, sẵn sàng chiến đấu thật sinh động, không chỉ học trò, mà cả các thầy cô giáo cũng bị cuốn hút.
Cô bé Vương Ngọc Minh Châu, học sinh lớp 8, cười thật tươi: “Lúc mới lên tàu con hơi sợ nhưng sau thấy vui quá. Các chú hải quân thật vui vẻ, hòa đồng, chu đáo chuyện trò và chỉ dẫn cho chúng con từng chút một. Con hiểu nhiệm vụ của tàu là vận tải tiếp tế cho đảo xa”. Hỏi chuyện cậu bé Nguyễn Huy Cường, học sinh lớp 7, em hào hứng cho biết là đã hiểu chút chút về “các ngành” của tàu như hỏa lực, radar, chân vịt, điện… “Xuống thăm tàu, cháu thấy các chú vất vả, dầu mỡ, con thương và kính phục các chú quá”, Huy Cường nói.
Với các trò nhỏ là công dân TPHCM, việc được đến thăm một căn cứ hải quân, được đặt chân lên những con tàu hiện đại quả là một sự trải nghiệm thú vị. Điều quý giá hơn, hẳn mỗi em đều hiểu hơn về đời sống bộ đội, biết sẻ chia, trân trọng những vất vả, hy sinh của người lính hải quân và nâng cao ý thức trách nhiệm bản thân bằng chính sự phấn đấu “chăm ngoan, học giỏi”.
Cô giáo Phạm Đình Bích Giáng Kym bày tỏ: “Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ và biết ơn người lính biển. Được trải nghiệm thực tế một cách trực quan sinh động cuộc sống của bộ đội, thầy trò chúng tôi càng thấm hiểu câu nằm lòng của người lính biển “tàu là nhà, biển cả là quê hương””. Cùng suy nghĩ ấy, chúng tôi tin chắc toàn thể tập thể giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Văn Tám đều có chung cảm xúc như cô giáo Giáng Kym.
Hào hứng và sâu lắng
Chương trình văn nghệ của CB-CS hải quân và thầy trò Trường THCS Lê Văn Tám làm sôi động cả một góc căn cứ. “Biển đảo trong trái tim ta” - thấm đẫm trong những lời ca tiếng hát da diết, âm vang và lắng đọng. Nếu các ca khúc Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa, Hành khúc đường Hồ Chí Minh trên biển, Cháu yêu chú bộ đội… được “đội chủ nhà” và “đội khách mời” đan xen thể hiện thật tình cảm nhưng rất khó phân định “hơn thua”, thì sự hòa ca tha thiết của các thầy cô giáo cùng người chiến sĩ hải quân trong Hành khúc ngày và đêm ăn điểm hơn hẳn. Trong nhịp tay vỗ dạt dào của lứa trò nhỏ, nhạc điệu và ca từ của bài hành khúc như bừng lên trong khung cảnh: anh - người lính, em - cô giáo, đằm thắm tình yêu và phơi phới lạc quan ...anh đang mùa hành quân…, giáo án em vẫn mở cho ánh sao soi vào…
Bộ phim tài liệu về Đoàn tàu không số - tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân Anh hùng hôm nay, đã tái hiện quyết tâm, sự hy sinh của lớp cha anh trên đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, thu hút sự chú ý đặc biệt của các cô cậu học trò. Để ý, chúng tôi thấy không ít cháu nén cảm xúc, gạt vội những dòng nước mắt chợt tuôn. Bài trình bày ngắn gọn của một sĩ quan hải quân về lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, lịch sử Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam, với những hình ảnh minh họa sinh động, không hề làm “nặng nề” không khí mà còn được lứa học sinh chăm chú lắng nghe đầy hào hứng.
Thầy Nguyễn Học, Bí thư chi đoàn, góp phần lý giải: “Nhà trường chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho hoạt động chuyên đề này. Chọn mỗi lớp 10 em góp mặt trong buổi giao lưu, các em ý thức khi về trường, phải còn có trách nhiệm “truyền lửa” cho các bạn trong lớp về những nội dung quý giá mà các em lĩnh hội được. Chúng tôi tin rằng, qua hoạt động bổ ích này, niềm tin yêu, tự hào dành cho người lính biển và biển đảo quê hương sẽ ngày càng lan tỏa và ăn sâu vào tâm trí học trò”.
Cô học sinh lớp 9 Đinh Nguyễn Hồng Anh, thay mặt các bạn đã xúc động bày tỏ tình cảm với những người lính hải quân: “Buổi tham quan và sinh hoạt chuyên đề hôm nay cho chúng con những giờ phút tuyệt vời. Chúng con hiểu công việc, những vất vả của các chú; mong muốn góp sức mang niềm tin yêu từ đất mẹ tiếp sức cho đảo xa. Chúng con nguyện học tập tốt, rèn luyện tốt để tiếp bước các chú một cách xứng đáng”.
| |
THƯ NAM