Cuộc khảo sát cho tương lai

Một cuộc khảo sát (do Khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM thực hiện) với mẫu trên dưới gần 1.000 người, về công tác chỉnh trang, hoạt động khai thác cụm Công viên Bến Bạch Đằng, trạm xe bus đường sông, công trường Mê Linh - tượng Đức Thánh Trần đã cho thấy mức độ hài lòng khá cao của người dân khi thụ hưởng giá trị của các di tích văn hóa lịch sử được đặt bên cạnh “quà tặng” của thiên nhiên - sông Sài Gòn.

Cuộc khảo sát cũng được tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực liên quan, đồng thời mở rộng, đào sâu vào các giải pháp kết nối nhằm khai thác đa tầng, đa chiều không gian thủy và bộ, bờ Đông (Thủ Thiêm) và bờ Tây của thành phố, về dòng chảy thời gian và giá trị di sản bản địa xưa - nay… Từ đó, thấy rõ “tham vọng” tất yếu của chính quyền thành phố trong việc tạo sức bật kinh tế - xã hội từ chính văn hóa - dịch vụ đặc thù của đất và người Sài Gòn - TPHCM.

Điều đáng nói là ở cách “hiệu triệu”, một mặt tôn trọng và đề cao tầm nhìn, kiến thức và giải pháp từ đội ngũ chuyên gia; mặt khác lắng nghe, tiếp nhận suy nghĩ, ý kiến, đề xuất của người dân, nhất là những công dân có sự gắn bó, trưởng thành và mối quan tâm sâu sắc, kỳ vọng với chính mảnh đất mà họ yêu quý. Trên cơ sở từng ý kiến mang tính độc lập và trách nhiệm ấy, chính quyền thành phố sẽ quy nạp để “diễn dịch” một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả lâu dài nhất bằng bảng quy hoạch, lộ trình thực hiện, hoàn thiện, vận hành sẽ công khai đến toàn dân. Chính nhân dân là người nghiệm thu công trình bằng sự thụ hưởng, giữ gìn, phát triển.

Tất nhiên, chỉnh trang, khai thác một đoạn sông Sài Gòn cùng với các công trình hữu quan trên bờ là một bước thí điểm mà chính quyền thành phố - qua nhiều năm - đã nhìn thấy trước cũng như đặt ra quy hoạch khá sớm. Chắc rằng, những ý kiến xác đáng sẽ được tiếp nhận, nghiên cứu để có cách thức, lộ trình thực thi phù hợp, như: tăng thêm lượng bus đường sông để tránh tình trạng chờ khá lâu hiện nay, trang bị thêm nhà chờ, nhà vệ sinh ở các điểm dừng của tuyến giao thông đường thủy này; thiết kế cầu hoặc đường hầm để kết nối người từ khu phố đi bộ trung tâm - Nguyễn Huệ ra khu vực công trường Mê Linh, Công viên Bến Bạch Đằng…

Nhìn rộng ra, là khai thác hiệu quả sử dụng của hệ thống giao thông đường thủy kết nối với hạ tầng, dịch vụ ven sông, trên bờ cùng hệ thống đường bộ giao thoa; cũng như đưa vào kế hoạch chỉnh trang, vận hành công viên dọc theo sông Sài Gòn (những đoạn còn lại), sông Thị Nghè, sông Bến Nghé, sông Kênh Tẻ… Tất cả vừa lưu giữ và khơi thông một phần ký ức vùng sông nước, cái phẩm cách khoáng đạt, hào sảng, tháo vát; vừa kích hoạt, thúc đẩy, phát triển tính thích ứng, năng động, sáng tạo của ưu thế công nghiệp - dịch vụ (hiện tại), cộng hưởng thành động lực, trên nền tảng sức mạnh nội lực mà đi tới tương lai.

Tin cùng chuyên mục