Cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện - Năm 2012” - Khép lại cuộc thi, lan tỏa một nhận thức trong cộng đồng

Cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện-Năm 2012” được Báo Sài Gòn Giải Phóng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM phát động ngày 16-8-2012, đến 22giờ  ngày 22-11-2012 là hạn chót nhận bài dự thi.
Cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện - Năm 2012” - Khép lại cuộc thi, lan tỏa một nhận thức trong cộng đồng

Cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện-Năm 2012” được Báo Sài Gòn Giải Phóng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM phát động ngày 16-8-2012, đến 22giờ  ngày 22-11-2012 là hạn chót nhận bài dự thi.

Sau hơn 3 tháng phát động, đến nay Ban Tổ chức đã nhận được trên 178 bài dự thi hiến kế về các ý tưởng, mô hình công nghệ cũng như các giải pháp tiết kiệm điện gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường nhưng có tính thiết thực, hiệu quả cao. Tuy chỉ là một cuộc thi mang tính “chuyên đề”do 2 đơn vị của TPHCM phối hợp tổ chức nhưng số lượng bài thi, đối tượng dự thi đã thể hiện sức lan tỏa trên phạm vi toàn quốc, khơi gợi đúng vào mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người dân. Điều này đã góp phần mang lại sự thành công nhất định cho cuộc thi…

Sức lan tỏa lớn

Trong thư gửi đến cuộc thi, nhiều bạn đọc đã cho rằng, xét về thời gian cũng như nội dung, cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện-Năm 2012” được phát động trong giai đoạn hiện nay là hết sức ý nghĩa. Bởi lẽ, tiết kiệm điện là một chủ trương lớn của Nhà nước, mang ý nghĩa ích nước lợi nhà. Biến chủ trương thành hành động cụ thể, cuộc thi nhằm tìm kiếm những hiến kế từ bạn đọc, những điển hình, nhân tố mới trong việc sáng tạo để thực hiện những giải pháp đồng bộ mang tính ổn định và phát triển bền vững. Có lẽ với tinh thần này, cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện-Năm 2012” đã nhận được không ít bài dự thi có nội dung “trăn trở” khi việc lãng phí điện vẫn tồn tại trong một bộ phận cộng đồng. Nhìn thẳng vào thực tế ấy, nhiều bài viết đã không ngại “phê bình thẳng thắn” những cơ quan, đơn vị lãng phí điện, đề nghị những biện pháp chế tài hiệu quả, đồng thời các tác giả đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp để tiết kiệm nguồn năng lượng điện.

Người dân chọn mua sản phẩm tiết kiệm điện.

Người dân chọn mua sản phẩm tiết kiệm điện.

Trong quá trình tiếp nhận các bài dự thi được gửi qua thư điện tử hoặc đường bưu điện, càng về cuối chương trình, lượng bài gửi về dự thi nhiều hơn, điều này chứng tỏ sự quan tâm về tiết kiệm điện đã và đang thấm sâu, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Về nội dung, các bài dự thi đã bám sát tiêu chí của cuộc thi, những vấn đề “phát hiện” tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng. Không dừng lại ở đó, nhiều bài dự thi vừa có tính phát kiến đồng thời mang đậm chất tuyên truyền, kêu gọi cá nhân, tập thể cùng tham gia hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện mà Nhà nước phát động trong thời gian qua. Cái được - cũng là thành công lớn nhất - của cuộc thi lần này là đã thu hút đông đảo các thành phần dự thi, từ cụ cán bộ hưu trí ở ngưỡng cửa “thất thập” đến anh công nhân, học sinh-sinh viên và cả những người đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cuộc thi được phát động ở TP.HCM nhưng lại có sức lan tỏa rộng ra cả nước, được bạn đọc ở các tỉnh, thành cùng tham gia như Đà Nẵng, Nghệ An, thậm chí lên đến cả vùng miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang…                   

Và cái tâm...

Khi nhận và đọc từng bài dự thi của từng tác giả, điều mà các thành viên của ban tổ chức cuộc thi cảm nhận được đó chính là tình cảm, là cái tâm của người tham dự luôn trân trọng và đánh giá cao nội dung của cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện-Năm 2012”. Với họ, khi kinh tế còn khó khăn, mọi công dân là người Việt Nam phải ý thức rằng tiết kiệm điện là quốc sách. Và chính họ là những người “tiên phong” cho phong trào tiết kiệm điện. Mỗi người một vẻ, mỗi bài thi một ý tưởng nhưng nội dung chính vẫn bám sát mục tiêu ích nước lợi nhà.

Kỹ sư Phạm Tài kiểm tra bộ đèn LED Nano trước khi lắp đặt.

Kỹ sư Phạm Tài kiểm tra bộ đèn LED Nano trước khi lắp đặt.

Tác giả Phạm Xuân Đông Dương, trong bài dự thi của mình, tâm sự rằng: “Tôi năm nay đã trên 75 tuổi, cái tuổi có thể nói đã đi gần hết một cuộc đời, đã trải qua bao cuộc chiến tranh, cái đói, cái khát… tôi đã kinh qua và có thể xoay sở được, nhưng quả thật nếu “đói ánh sáng điện” thì không thể tồn tại nổi. Từ ánh sáng của một bóng điện đã soi rõ vạn cuộc sống của chúng ta, đưa ta từ lạc hậu đến văn minh hiện đại như ngày nay. Có điện là có cuộc sống, cuộc sống có điện là có văn minh hiện đại. Nhờ điện mà có tất cả, vì vậy trong bối cảnh đất nước phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, tiết kiệm điện là việc làm cần thiết và bức bách buộc mọi người phải tham gia…”. Trên cương vị giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, tác giả Phạm Tài đến với cuộc thi khi “trình làng” công trình tiết kiệm điện bằng đèn LED Nano cho biết: “Khi nghĩ đến con số bình quân 1,7 tỷ đồng mỗi tháng cho chiếu sáng đường phố chưa tính đến ngõ xóm toàn thành phố là tôi “đau đầu”. Và hơn hai năm sử dụng, 55 bộ LED Nano đã được lắp đặt thí điểm tại 12 ngõ xóm ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn, thay cho các loại bóng đèn cũ. Và khi dùng bộ đèn LED Nano 24W đã tiết kiệm được 40% điện năng so với đèn compact 40W, 70% so với đèn Mercury 80W. Theo tôi, tiết kiệm năng lượng chứ không tiết kiệm ánh sáng…”.

Điều hứng thú hơn đối với ban tổ chức, sau khi đọc các bài dự thi được chọn đăng, không ít bạn đọc đã điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp đến báo SGGP để nhờ được hướng dẫn cách lắp đặt thiết bị tiết kiệm như các bài dự thi đã giới thiệu. Cụ thể, khi đọc bài dự thi “Sáng với mặt trời trong chai” của tác giả Phúc Anh, một bạn đọc ở Hóc Môn, đã viết thư liên hệ với ban tổ chức đề nghị được tiếp cận dự án này để lắp đặt thiết bị chai mặt trời cho căn nhà của mình.

Mô hình sử dụng điện bằng “chai mặt trời”.

Mô hình sử dụng điện bằng “chai mặt trời”.

Đến nay, cuộc thi tuy đã đang khép lại nhưng đã mở ra nhiều điều trong nhận thức của chúng ta, từ anh công nhân, chị nội trợ đến những viên chức hàng ngày phải cân đong đo đếm việc chi tiêu ngân sách gia đình rằng phải luôn tiết kiệm điện – tiết kiệm tại chính gia đình mình đến việc tiết kiệm điện khi bước chân vào công sở hay doanh nghiệp; tiết kiệm điện không phải là dè xẻn, ki bo mà là sử dụng hợp lý và hiệu quả các thiết bị điện, là tận dụng triệt để các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng mặt trời vào phục vụ cuộc sống.

Hy vọng rằng, sau cuộc thi này sẽ còn nhiều cuộc thi nữa được mở ra để tiếp tục là diễn đàn rộng mở tiếp nhận những ý kiến của mọi người dân cùng tham gia hiến kế tiết kiệm điện hiệu quả cho cộng đồng. Những bài dự thi này có thể sẽ là những dự án tiết kiệm điện khả thi cho hiện tại và mai sau nếu chúng ta biết đầu tư, nghiên cứu và phát triển nó.     

Tổng kết sơ bộ về cuộc thi “Ý tưởng Tiết kiệm điện 2012”

Ngày 22-11-2012 là ngày cuối cùng Ban tổ chức nhận bài dự thi, tổng cộng có tất cả 178 bài tham gia dự thi từ tất cả mọi miền đất nước như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Thọ, Lào Cai, Hải Phòng… Trong số các bài tham gia dự thi, Ban tổ chức sẽ chọn ra 40 bài cao điểm nhất (tiêu chí để chấm điểm gồm có: điểm ý tưởng giải pháp mới, điểm công nghệ mô hình mới, tính tuyên truyền cao, điểm biên tập theo phong cách viết bài) để chọn lựa giải thưởng. 18 bài cao điểm nhất đã được Ban tổ chức lựa chọn để đăng báo Sài Gòn Giải Phóng trong thời gian từ ngày 27-8 đến 19-11-2012. 13 giải thưởng chung cuộc dự kiến sẽ được trao đến tay bạn đọc vào ngày 18-12-2012 với cơ cấu giải thưởng như sau: 01 giải nhất trị giá 25.000.000 đồng, 01 giải nhì trị giá 15.000.000 đồng, 01 giải ba trị giá 10.000.000 đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng. Thông tin về người trúng thưởng sẽ được thông tin trên nhật báo SGGP vào các số báo tới. Mời các bạn đọc chú ý theo dõi.

BTC

T.T.

Tin cùng chuyên mục