Chiều nào hẻm cũng đông, họ ngồi bằng đủ thế đủ kiểu, họ ngồi làm gì trong ngõ hẹp ấy, không ai biết họ nghĩ gì?
Mà thực tế họ đâu nghĩ gì! Một chị bị ung thư vú đội mái tóc giả đang nhặt nhạnh mớ rau, mặt chị điềm tĩnh và thoáng. Chân chị xổ sát đất, đầu gối chân này tì ngực, đối diện lúc nào cũng một nhóm “bà tám” không biết họ nói những gì. Đám đàn ông trẻ già cười hí hố, khuấy cà phê hút thuốc nhìn trời. Họ ngồi như thế đã lâu lắm… Ít nhất là từ ngày Điền về ở, lúc đầu vài người tưởng Điền là người Hoa, họ chào “nị hảo”, Điền cười không thân thiện cũng không xa lánh. Rồi cũng quen, bà xẩm thường hay chào nhất giờ bà cũng đã già, ít đi và bớt chuyện. Mấy cái ghế mủ lèo tèo, có cái đã gãy chân chồng hai ba lớp, có cái gắn lại bằng một miếng kẽm sáng đã hoen ố vài chỗ.
Điền thắt cà vạt, luống cuống một hồi không biết chọn màu nào, cái nào nhìn cũng bắt mắt nhưng thắt vào thì lại thấy “phô”, cảm giác bức bức, như ai kẹp vào cần cổ một cái gì. Con người không đủ sức tạo nên một không khí trang nghiêm cần thêm những phụ gia tơ lụa? Thứ “khô mực” vẫn thấy treo đầy trên các dãy phố hoặc trong các gian hàng tả pín lù.
Chỉ một chiếc cà vạt đủ thông báo chủ nhân của nó sắp có điều hệ trọng, ít nhất là với đám bạn già đang hú hí ngoài kia.
Chẳng có gì hệ trọng hơn một đám cưới.
Hai dây tơ hồng đã cuốn xiên nhau, giữa ngã tư là cái lồng đèn trĩu xuống đủ màu óng ánh. Phía trên, cánh quạt trần vẫn quay, trên nữa là đụng trần la phông, vài đợt rung rinh sau mỗi bước chân và có tiếng trẻ con la ó. Một đám rước truyền thống trên đường, người đi thứ ba có khuôn mặt hài che lọng cô dâu chú rể, cái mặt cười không che hết nỗi khát thèm nhìn trộm cô dâu. Phía sau nhiều mâm lễ áo thụng xốn xang, cặp đèn cầy nở hoa vàng, “song hỷ” co chữ đứng vuông màu đỏ, tất cả sẵn sàng.
Ngoài trước, một đám choai choai đang xây sòng, ngồi chùm hụp quật lá bài xuống nền đất loang lổ, chúng cười nói khạc nhổ tứ phía. Có đứa quật xong bài nhìn thọc sâu nhà có đám, buông lỏng “dê xồm gặm cỏ non”. Điền sửa lại hai cây đèn cầy, lát nữa nhà gái đến chỉ việc đốt lên là xong. Nghĩ đến chữ “nhà gái”, Điền hơi chột dạ, em Thêm đã mang tiếng một lần rồi, lần này còn “đẻ” việc cưới xin thêm một lần nữa để làm gì, làm gì nhỉ, em Thêm?
Sai lầm thứ nhất không sửa được, những lần kế tiếp chỉ là quán tính của nó.
Em làm việc trong hẻm này đã lâu, ngoài giờ làm em chỉ giam mình trong phòng trọ đọc sách. Loại sách dày, bìa nát bọc giấy bóng, chữ to xếp đống ngoài tiệm cho thuê đầu hẻm.
Mỗi lần nhận sách mượn từ tay Điền, em đều lắc đầu “sách anh khó hiểu” rồi ù chạy không quên ném lại cái cười tinh nghịch. Ôi cái cười len lỏi trong từng kẽ mưa!
– Thêm nè, nếu được chọn “người thương” trong xóm hẻm này em chọn ai?
– Ông chứ ai, không thương cũng bắt người ta khó nghĩ!
Thêm làm “tạp vụ” cho xưởng mộc, một lần có khách Đài coi hàng, hàng mộc không ra gì nhưng cô tạp vụ thì lọt mắt xanh. Ông chủ xưởng một duộc “tạo điều kiện cho con có nơi có chốn”, ai ngờ, nơi chốn ấy là nơi xa lắc xa lơ không bến không bờ! Đó là lần em vấp ngã, nhưng chả là gì so với quãng đời phía trước, Điền động viên và có dịp để thể hiện lòng mình.
– Thêm nè, năm xuân rồi, em nói em quên người ta mà người ở cạnh em cũng không thèm… nhớ?
– Người ta nhớ chứ bộ, biểu người ta nhớ là đủ thôi sao!
Sợ em tủi thân trong ngày vui, Điền đã chủ động nhờ người quen nhập vai “đàng gái”, lát nữa đây họ sẽ đến cùng cô dâu. Mọi chuyện thu xếp là thế nhưng đến khi giới thiệu “đây là mẹ cô dâu” không biết Thêm sẽ nghĩ sao, em buồn hay vui nhỉ? Bố mẹ em đã mất từ lâu. Một thân lên thành phố nhiều chông gai cạm bẫy? Hôm nay xem đây là bến bờ nhưng đến được nơi ấy phải qua nhiều sóng gió, ai bảo sóng gió dừng lại ở trong lòng, cho dẫu giữa ngày vui?
Lát nữa, từ đầu hẻm cho đến cuối hẻm, người quen hay không quen cũng tự động dạt ra, đám choai choai và mấy “bà tám” sẽ tạm ngưng chia bài để xộc cái nhìn vào thân hình cô dâu non nẩy, bàn tán về đám rước, chú rể cà vạt đỏ đầu xịt keo, giày bóng. Ô kìa, chú rể hôm nay không xù xì như mọi bữa, không lầm lì hâm hâm như bọn trẻ ranh thường trêu “trâu già thích gặm cỏ non”! Rồi đám già lụ khụ tấp qua cụng ly, cả đám trẻ ranh ranh cười nói tía lia cũng tấp qua cụng ly, bỏ dở cốc cà phê chiều...
Đang nghĩ miên man, điện thoại Điền tút tút, tin nhắn quen thuộc từ số máy của Thêm, dòng tin không dấu:
– Xin loi anh em ve que trua nay, em khong muon lam kho anh
TRUNG THÀNH