Cướp lộc không mang lại may mắn

Trong những ngày đầu năm, lại một lần nữa dư luận phải choáng váng khi chứng kiến hình ảnh cướp lộc gay cấn như trong phim chưởng ở sân Thiên Trù - Chùa Hương, hay cảnh cả ngàn người vòng trong, vòng ngoài hừng hực sát khí, bám theo kiệu rước lễ, chỉ chực lao vào cướp phết - với đúng nghĩa đen, tại lễ hội Gióng Đền Sóc…

Nếu trước đây, cướp lộc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện ước muốn được may mắn, hạnh phúc thì nay tục lệ này đã biến tướng tới mức phản cảm, nhức nhối. Người ta không chỉ cướp lộc ở cửa đền, cửa thánh, mà ngay tại cửa Phật nhiều người cũng chen lấn, đè đầu, cưỡi cổ nhau để hòng có được chút lộc cầu may. Hành vi được coi là nhuốm màu phàm tục ấy đã làm cho các lễ hội thêm gam màu tối.

Không rõ bắt nguồn từ đâu mà trong tiềm thức của những người tham gia lễ hội lại nảy sinh tâm lý muốn may mắn suốt năm thì phải cướp. Từ cướp ấn, cướp phết, cướp lương, đến lộc cũng… cướp. Người ta sẵn sàng xô đẩy, giẫm đạp, cào cấu nhau đến ngất xỉu. Thậm chí vào dịp này năm ngoái, ở Đền Trần Nam Định, người tham gia hành lễ còn nhảy lên bàn thờ để cướp cho bằng được mấy nhánh hoa đang cắm trong lọ. Còn ở đền Gióng, để có được một giỏ hoa tre, một trái cau, lá trầu, cả đám đông chẳng ngần ngại giẫm đạp lên nhau, trèo lên cả bàn thờ, xô đổ cả bát hương… Thánh thần nào sẽ phù hộ, độ trì cho những hành vi xấc xược ấy?

Một số người đã biến văn hóa truyền thống thành văn hóa… cướp. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trước đây còn phẫn nộ lên tiếng thì nay hễ đến mùa hội, tận mục sở thị xong chỉ im lặng ngao ngán. TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo chia sẻ, nhiều người luôn tin rằng, đi lễ và cướp lộc là một phần không thể thiếu của việc thực hành nghi lễ tôn giáo, nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì chúng ta nhận về chỉ là “quả” của một nhân duyên đã gieo từ trước đó. Nếu sống tu tâm, hài hòa với môi trường và xã hội, năng làm việc thiện, nói lời hay, lẽ phải thì đương nhiên con người sẽ nhận về những thành quả đẹp mà không cần phải lao đi cướp lộc ở các đền, chùa. Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng là cùng lúc họ tin và thực hiện hành vi khác nhau. Chùa họ cũng đi, đền, phủ họ cũng đi với thái độ rất mê tín. Một ngôi mộ, một hòn đá, một ông thầy không biết theo đạo nào cả họ cũng tin, theo một cách mù quáng. Đó là chỉ báo lệch chuẩn về ứng xử trong đời sống.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng, trong công cuộc phục dựng các giá trị cổ truyền mấy chục năm qua cùng việc nở rộ lễ hội tràn lan khắp các vùng miền, đã vô tình làm sống dậy rất nhiều tín ngưỡng nguyên thủy. Trong số đó có nhiều yếu tố đi ngược lại tôn chỉ của các tôn giáo cũng như quan niệm đạo đức con người. “Cướp lộc là quay lại hành vi tín ngưỡng trung cổ”, ông Bùi Trọng Hiền khẳng định. Thêm nữa, đứng ở góc độ giáo lý nhà Phật đó cũng là hành vi dị đoan không hề có trong tôn chỉ của giáo lý. Giáo lý nhà Phật khuyên con người tu để loại bỏ tam độc “tham, sân, si” chứ không dạy, khuyến khích chúng sinh cướp bóc lấy lộc. Vì thế, mới hiểu hình ảnh nhà sư đứng ném lộc ở cửa chùa như một kiểu ban phát, châm ngòi cho cái xấu trong chúng sinh, là không chấp nhận được. Không đúng sự tôn nghiêm của nhà chùa.

Sống trong một xã hội hiện đại mà cứ trông chờ điềm may từ siêu nhiên, đó phải chăng là một cách “bao biện” cho thói quen lười biếng, ỷ lại. Nói như ông Nguyễn Quốc Tuấn: Nếu cứ mải mê muội tin vào chuyện cướp lộc để có điều may thì e rằng thần linh cũng sẽ bỏ loài người mà đi...

MAI AN

Tin cùng chuyên mục