* Tôi đi bộ đội năm 1977, xuất ngũ năm 1981, tôi làm nhiệm vụ quốc tế và có giấy tờ theo Quyết định 62 của Bộ Quốc phòng cấp. Quê gốc tôi ở Thanh Hóa, hộ khẩu ở Tiền Giang và hiện làm bảo vệ cho một trường ở quận Tân Phú, TPHCM. Tôi có được cấp/mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo diện 62 ở TPHCM không? (LÊ THANH THẢO, tạm trú quận Tân Phú, TPHCM)
* Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, khoản 2 Điều 22 quy định trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Còn theo điểm d khoản 3 Điều 1 Thông tư Liên tịch số 41/2014 ngày 24-11-2014 thì người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011 của Thủ tướng thuộc đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng.
Bệnh nhân có BHYT khám bệnh tại một bệnh viện ở TPHCM
Như vậy, theo các quy định trên, ông đang làm việc tại trường ở quận Tân Phú thì phải tham gia BHYT bắt buộc tại trường; nếu ông thuộc đối tượng theo Quyết định số 62/2011 thì nộp hồ sơ để hưởng quyền lợi BHYT cao hơn, kèm phiếu giao nhận hồ sơ 402 để được đổi thẻ BHYT có mức hưởng theo quy định. Ông có thể nộp thông qua trường học hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH.
* Tôi chiến đấu ở chiến trường K từ năm 1980, chuyển ngành năm 1984. Tôi có BHYT mã HT3, vậy tôi có được hưởng mã HT2 không, thủ tục ra sao? Quyết định chuyển ngành của tôi không còn, nhưng trong hồ sơ đảng viên có ghi thời gian chiến đấu tại chiến trường K, quyết định kết nạp Đảng của tôi cũng ghi ở đơn vị đóng tại K, vậy tôi có cần ghé quận ủy xin xác nhận không? (dinhtuong…@gmail.com)
* Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011 được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh. Như vậy, ông thuộc đối tượng được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, thẻ BHYT được chuyển đổi sang sang mã quyền lợi cao hơn (mức 2). Ông cần lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh trên thẻ BHYT (theo phiếu giao nhận hồ sơ 402), kèm theo quyết định chuyển ngành nộp cho cơ quan BHXH quận/huyện nơi cấp thẻ để giải quyết.
Hiện nay, quyết định chuyển ngành của ông không còn thì ông có thể làm đơn đề nghị hưởng BHYT không đồng chi trả rồi gửi cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ căn cứ vào hồ sơ hưu trí rồi giải quyết cho ông. Ông không cần phải xin xác nhận của quận ủy.
* Tôi là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, đang hưởng BHYT HT2. Năm 2016, tôi được Hội đồng giám định và Sở LĐTB-XH TPHCM ra quyết định công nhận mất sức 81% do bệnh, có trợ cấp và phụ cấp hàng tháng. Tôi có được chuyển đổi thẻ BHYT từ ký hiệu HT2 sang CC được không? Mã thẻ BHYT nào thì quyền lợi tốt hơn? (ĐẶNG TÀI TOÀN, quận 11, TPHCM)
* Người thuộc đối tượng là người có công với cách mạng (mã đối tượng trên thẻ BHYT là CC), bao gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Nếu ông thuộc đối tượng là bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn là HT1. Ông cần lập hồ sơ theo phiếu giao nhận hồ sơ 402 kèm theo quyết định công nhận là bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ (BHXH quận 11) để điều chỉnh quyền lợi hưởng từ mức 2 sang mức 1.