
Trước buổi làm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đến Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Phú Quốc thị sát, tìm hiểu công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đồng chí gặp gỡ từng người dân, công chức để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn phát sinh trong hoạt động của trung tâm.
Chứng kiến cảnh người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục đông, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu lãnh đạo đặc khu Phú Quốc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính; bố trí thêm nhân viên, tình nguyện viên ở các tổ hướng dẫn (đặt tại trụ sở các xã trước đây), để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, nhất là các thủ tục trực tuyến.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc Trần Minh Khoa cho biết, sau 1 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, đến nay, bộ máy của đặc khu hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, quá trình vận hành có một số khó khăn phát sinh: đặc khu chỉ có một Trung tâm Phục vụ hành chính công, trong khi khoảng cách từ phía Bắc đến phía Nam đặc khu dài hơn 30km, gây bất tiện cho người dân.
Ngoài ra, lượng hồ sơ thủ tục hành chính tăng đột biến (trong tuần đầu tăng 70% so với trước đây), do các xã, phường tập trung về 1 điểm. Để giảm tải, đặc khu đã thành lập thêm 7 tổ tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở các xã, phường cũ.
“Mỗi ngày, tôi và cấp phó phải ký khoảng 1.000 hồ sơ, mặc dù đã có quy định trong luật, nghị định và đã được ủy quyền. Tuy nhiên, với một số nội dung UBND tỉnh chưa trình HĐND tỉnh ban hành danh mục được ủy quyền, thì vẫn chưa thể thực hiện”, đồng chí Trần Minh Khoa cho biết và đề nghị tỉnh sớm quan tâm, trình ban hành danh mục ủy quyền, để Chủ tịch UBND đặc khu có thể phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ.
Theo đồng chí Trần Minh Khoa, Phú Quốc hiện có 321 dự án đầu tư cần giải phóng mặt bằng, trong khi đó, biên chế của đặc khu vẫn như các xã, phường khác. Do đó, đề nghị tỉnh điều động, biệt phái thêm lực lượng để giải quyết công việc, nhất là các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường…

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, Phú Quốc có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng Tây Nam bộ, thu ngân sách hiện chiếm khoảng 9.000 tỷ đồng trong tổng khoảng 25.000 tỷ đồng của tỉnh An Giang.
Để Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, cấp ủy, chính quyền đặc khu phải sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; các đơn vị, bộ phận trực thuộc phải chủ động gỡ khó, làm tốt công việc, không đùn đẩy trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhắc lại, một trong những mục tiêu của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là để sát dân, gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
“Đặc khu Phú Quốc phải làm tốt điều này. Làm sao để người dân khi đến làm thủ tục hành chính ở Trung tâm phục vụ hành chính công phải có niềm vui”, đồng chí lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị Phú Quốc phải làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về đất đai; công an đặc khu cũng phải tham gia hoạt động quản lý lĩnh vực này, để ngăn chặn vi phạm, sai phạm phát sinh ngay từ đầu, không để phát sinh các vụ việc phức tạp.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang lưu ý, đặc khu phải đảm bảo an ninh trật tự. Phú Quốc được ví như “thiên đàng du lịch”, do đó phải làm sao để du khách luôn cảm thấy an toàn khi đến đây. Công an tỉnh An Giang và Công an đặc khu phải phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc.
“Có lắp đặt 5-7 camera quan sát, hoặc bao nhiêu đi nữa cũng không bằng tai mắt của người dân. Phải tạo app, ứng dụng công nghệ để người dân tham gia giám sát, báo tin, tố giác tội phạm và theo dõi quá trình xử lý của công an trên đó”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu.