
Mổ tim ở Việt Nam với giá tiền “rất” Việt Nam chỉ là giấc mơ ban ngày của hàng ngàn ngàn người bệnh tim nước ta, cách đây hơn 15 năm. Tháng 1-1992, “giấc mơ ban ngày” của những bệnh nhân tim đã trở thành sự thật. Viện Tim Thành phố được thành lập.
15 năm là khoảng thời gian không quá dài nhưng chẳng quá ngắn để khẳng định tài năng và tâm sức của tập thể cán bộ, nhân viên và y bác sĩ Viện Tim bằng danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước trao tặng vào những ngày đầu năm mới này.
Và người luôn đứng ở phía sau những con số làm nên hào quang của Viện Tim, từ những ngày đầu thành lập đến nay, đó là BS Giám đốc Viện Tim, Nguyễn Ngọc Chiếu.
Bóng bình minh

Người có công đầu trong việc thành lập Viện Tim là BS Dương Quang Trung, khi ấy đang là Giám đốc Sở Y tế Tp Hồ Chí Minh và GS BS Alain Carpentier, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch BV Broussair.
Nhưng người lèo lái Viện Tim đi qua khỏi những khúc quanh ngặt nghèo của những thời khắc đấu tranh căng thẳng giữa lý lẽ trái tim và sự ngỡ ngàng của cơ chế lạ, trong ánh mờ sáng của buổi bình minh đổi mới lại chính là BS Nguyễn Ngọc Chiếu.
Viện Tim được UBND TPHCM cho phép thành lập theo hình thức “không giống ai” ở thời ấy: Là đơn vị sự nghiệp của Sở Y tế TP, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nhân đạo đặc biệt, hoạt động theo quy chế tự quản tự cân đối thu chi hoàn toàn không nhằm mục đích lợi nhuận và phải giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo, không được nhận kinh phí từ ngân sách hay viện trợ để vận hành bộ máy.
Cơ chế là thế, về bộ máy tổ chức thì còn lạ hơn. Viện Tim được quản lý bởi Hội đồng Giám sát gồm 10 thành viên (5 người Pháp, 5 người Việt Nam) và một Ban giám đốc mà Giám đốc Viện Tim được bầu chọn trực tiếp từ HĐ Giám sát và đại diện Sở Y tế. Và, BS Nguyễn Ngọc Chiếu đã đảm nhận chức vụ Giám đốc Viện Tim từ tháng 2-1991 liên tục đến nay, 15 năm.
Vốn đầu tư cho Viện Tim là 6 triệu USD, trong đó GS Alain Carpentier và Hiệp hội Alain Carpentier góp 3 triệu USD bằng trang thiết bị, không hoàn lại. Nhưng, vốn đầu tư lớn nhất mà GS Alain Carpentier “đổ” vào Viện Tim đó là giúp con người.
Êkíp mổ tim hở gồm 12 người, được đào tạo tại Pháp trong 2 năm( 1989 -1991) đã là “thế hệ vàng” thứ nhất của Viện Tim suốt 15 năm qua, khiến mọi người ngưỡng mộ: BS Nguyễn Văn Phan, BS Phan Kim Phương, BS Nguyễn Thị Thanh, BS Nguyễn Thị Quý, BS Lê Thị Diệp,… Đến nay, BS Phan Kim Phương đã có hơn 7.000 ca mổ và BS Nguyễn Văn Phan cũng gần 7.000 ca; những con số vàng này đã khiến giới phẫu thuật tim khu vực ngẩn ngơ.
BS Diệp, người “đa đoan” chuyên “sống thay” cho hàng chục ngàn bệnh nhân bằng máy tim phổi nhân tạo sau khi BS Quý đưa người bệnh vào cõi mơ bằng thời gian gây mê chính xác đến từng phút. BS Thanh, BS Bản lại là những BS đón người bệnh về đời thực với nhịp đập nhẹ nhàng đều đặn của những trái tim đã được sửa chữa ở khoa hồi sức.
Và 15 năm qua, nói đến thành quả của Viện Tim không thể không nói đến tâm sức của BS Phạm Nguyễn Vinh, Trưởng khoa Nội tim mạch, Phó Giám đốc, một trong những thành viên có tiếng nói quyết định trong những ca hội chẩn “đau đầu” nhất của Viện Tim.
Nhớ lại những gian nan thử thách đã phải vượt qua vào buổi đầu đầy khó khăn ấy, bây giờ, mỗi khi ngồi ngẫm lại, BS Nguyễn Ngọc Chiếu, Giám đốc điều hành Viện Tim suốt 15 năm qua, chỉ biết… cười.
Thể nghiệm thành công mô hình quản lý hoàn toàn mới mẻ ấy là một thử thách lớn lao với những người làm công tác quản lý Viện Tim, ông nói: ”Không biết bao lần chúng tôi đã tưởng không thể vượt qua khó khăn để đi tới.
Những lúc đang bi quan muốn buông xuôi thì nước mắt mệt nhọc vì trái tim đau yếu của những bệnh nhân bé dại mặt xanh, môi tím đang chờ được cứu giúp đã xốc chúng tôi dậy, buộc chúng tôi phải đi tới. Phải cứu người! Đó là mệnh lệnh từ trái tim đã chỉ lối cho chúng tôi đi đến ngày hôm nay”.
Những thế hệ vàng
Kết thúc năm đầu tiên, Viện Tim mổ được 490 trường hợp. 5 năm sau ngày thành lập, năm 1997, Viện Tim đã mổ được 1.066 trường hợp, đạt được sự mong đợi buổi ban đầu là sẽ mổ được trên 1.000 trường hợp mỗi năm. 15 năm với hơn 16.000 ca mổ đã đồng nghĩa với 16.000 người được đổi đời bởi họ không chỉ được cứu sống mà còn học hành và làm được việc, hội nhập vào xã hội và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Thành tích ấy không xóa bớt được nỗi ray rứt, chua xót trong lòng Giám đốc Chiếu, khi đến nay vẫn còn 8.700 người bệnh chờ mổ, dù hai phòng mổ của Viện Tim sáng đèn suốt năm, kể cả ngày Tết, lễ. Rất nhiều lần ông đã phải ký đóng hồ sơ phẫu thuật bởi người bệnh đã chết cùng trái tim đau yếu trong khi chờ được cứu sống, bằng phẫu thuật!
Anh hùng lao động Phan Kim Phương, “phẫu thuật viên vàng” của khu vực, Phó Giám đốc Viện Tim, đã chia sẻ gánh nặng tâm lý và cùng ông đi tìm phương án thoát hiểm cho những bệnh nhân đang thắc thỏm chờ mổ từng ngày. Đó là phải thực hiện nhanh việc chuyển giao kỹ thuật mổ tim cho các bác sĩ Việt Nam, ngay tại Việt Nam và mở ra nhiều trung tâm phẫu thuật tim ở nhiều nơi nữa, ngoài Viện Tim.
BV Trung ương Huế được chọn là nơi chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở đầu tiên của Viện Tim. Ngày 17-1-2000, ca mổ tim hở đầu tiên thành công ở khu vực miền Trung được cứu sống. Đến nay đã có 2.000 bệnh nhân được cứu sống ở Huế, trong đó có nhiều chục bệnh nhân nghèo được mổ miễn phí, theo quy ước ban đầu của Viện Tim.
Thành công ở Huế đã khẳng định Viện Tim có khả năng tự mình chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở mà các BS: Phan Kim Phương, Nguyễn Văn Phan, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Thanh, Lê Thị Diệp đã tiếp nhận từ BV Broussais Pháp, 10 năm trước.
Đến nay, Viện Tim đã thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật cho 10 bệnh viện bạn và đào tạo hơn 1.500 bác sĩ về siêu âm tim, bệnh lý tim mạch và các vị trí của một êkip mổ tim hở, hình thành một mạng lưới các bác sĩ tim mạch có chất lượng cho cả nước.
Không chỉ chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở cho các bác sĩ ở: BV Tim Hà Nội, BV Đại học Y Dược, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Triều An, Tâm Đức, BV 115 mà BS Phan Kim Phương, BS Nguyễn Văn Phan, BS Phạm Nguyễn Vinh, BS Nguyễn Thị Quý... đã tạo nên một “thế hệ vàng” thứ hai ở Viện Tim bằng những tên tuổi mới: Văn Hùng Dũng, Hồ Huỳnh Quang Trí, Đỗ Quang Huân, Huỳnh Ngọc Long, Dương Thúy Liên…
Cứu người, mệnh lệnh từ trái tim

Rất nhiều chuyện như đùa đã được BS Chiếu thực hiện thật nghiêm túc suốt 15 năm làm giám đốc ở Viện Tim như chuyện cô sinh viên Y khoa nghèo ở Bình Thuận được bạn đưa đến Viện Tim khi cô tím ngắt như một cái xác, chỉ có đôi môi tím tái động đậy nói thều thào cùng những giọt nước mắt lăn dài: “Con không muốn chết trẻ. Con phải sống nuôi mẹ, nuôi em. Cứu con với bác ơi...”.
Quyết định mổ khẩn cấp để cứu người được giao cho phẫu thuật viên Phan Kim Phương. Cô bé ấy bây giờ đã là bác sĩ. Còn chuyện người cha đưa cô con gái tím ngắt đến Viện Tim bằng chiếc xích lô “câu cơm” với lời cầu xin cứu con ông với tiền đóng viện là giá bán chiếc xích lô cũ.
Sau ca mổ miễn phí ấy, BS Chiếu đã mang chiếc máy may của người vợ quá cố tặng cho cô gái để mưu sinh, phụ cha già, nuôi em. Có cô giáo tỉnh xa đã nghiến răng bán nhà cứu con. BS Chiếu biết chuyện, ông đã ký giấy trả tiền cho cô chuộc lại căn nhà bởi ông không thể nhìn mẹ con cô giáo nghèo vừa được cứu sống lại phải dở sống dở chết lần nữa vì sống lay lất, không nhà.
Ở Viện Tim, sinh mạng bệnh nhân nghèo cũng được trân trọng như sinh mạng người giàu. 15 năm qua , đã có 4.323 người bệnh nghèo được cứu chữa miễn phí ở Viện Tim này (chiếm 1/3 trong tổng số người được mổ), với hơn 90 tỷ đồng được trợ giúp từ Hiệp hội Alain Carpentier và các nhà hảo tâm. Con số ấy nói lên một thành quả khác, thành quả của những trái tim nhân ái vị nhân sinh.
Biết bao cay đắng và không ít hạnh phúc đã có trong suốt 15 năm gắn bó với Viện Tim, nhưng điều đọng lại trong lòng vị bác sĩ nhân hậu sắp bước vào tuổi 60, Nguyễn Ngọc Chiếu đó là để nâng Tầm, tập thể cán bộ, y , bác sĩ của Viện Tim đều rèn chữ Tâm trước khi học chữ Tài, và, tất cả đều đã và đang làm việc bằng tất cả trái tim mình vì mục đích cứu người.
Chẳng thế mà BV Tim Tâm Đức, bệnh viện tư, do chính các thành viên của Viện Tim đóng góp xây dựng cũng đã dành nguồn tiền vận động được để mổ miễn phí cho 100 người bệnh nghèo, trong số 500 ca mổ đã được thực hiện tại Tâm Đức, trong 6 tháng qua.
***
Bây giờ, điều mà “phẫu thuật viên vàng” Phan Kim Phương và Giám đốc Nguyễn Ngọc Chiếu đang mơ ước là việc phát triển khoa Phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, nâng cấp kỹ thuật thông tim can thiệp bệnh mạch vành và nâng cao kỹ thuật mổ bắc cầu động mạch vành ở nước ta cùng với yêu cầu cấp thiết về nâng cấp thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất Viện Tim, để giảm nhanh số người bệnh chết oan vì chờ mổ quá lâu…
Phạm Thục