“Cựu” nông dân và 26 bếp ăn từ thiện

“Cựu” nông dân và 26 bếp ăn từ thiện

Khổng Văn Dũng vốn xuất thân là một lực điền ở xã Thạnh Mỹ Lợi, huyện Thủ Đức (giờ là phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2). Với cách ăn mặc, xử sự chân chất và bình dị theo nề nếp của một gia đình làm nông có truyền thống lâu đời, Dũng chậm rãi mở đầu câu chuyện: “Tôi xem việc giúp đỡ cộng đồng là niềm vui của mình”.

Đại diện UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trao bằng tri ân cho mạnh thường quân Khổng Văn Dũng (trái). Ảnh: Đại Hỷ
Đại diện UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) trao bằng tri ân cho mạnh thường quân Khổng Văn Dũng (trái). Ảnh: Đại Hỷ

Ngay từ thời niên thiếu, nhiều lần chứng kiến người thân trong nhà mở lòng chia sẻ với người nghèo, kẻ sa cơ lỡ bước chút ít tiền mọn, vài ký gạo, gói mì… mặc dù gia đình không phải khá giả gì, anh phần nào hiểu được câu: “Sống trên đời cần có một tấm lòng”.

Học tập cách sống từ gia đình, Dũng âm thầm làm từ thiện theo cách riêng của mình. Mặc dù tham gia rất tích cực tất cả các phong trào, các hoạt động vì cộng đồng do địa phương phát động, anh và vài người bạn có tâm huyết cũng tự tập hợp nhau lại thành nhóm từ thiện riêng, nhưng anh vẫn cảm thấy chưa hài lòng với cách làm từ thiện theo kiểu cho và nhận thông thường đó.

Năm 2004, trong chuyến đi cứu trợ đồng bào nghèo tỉnh Trà Vinh cùng với các cán bộ Hội Chữ thập đỏ địa phương, được nghe nói về mô hình bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo, anh mới được giải tỏa. Lúc bấy giờ, bếp ăn từ thiện tại bệnh viện nơi anh đến thăm chỉ là một cái kho cũ, xập xệ, diện tích vài chục mét vuông được tận dụng lại. Cứ mùa mưa đến là các chị nấu bếp phải tất bật chống dột bảo vệ thực phẩm. Biết chuyện, anh Dũng liền mạnh dạn đề nghị với lãnh đạo địa phương và bệnh viện xin được đóng góp kinh phí xây dựng, mở rộng quy mô của bếp cơm nhân đạo này với số tiền 48 triệu đồng. Đến ngày khánh thành, anh lại cùng bạn bè trong nhóm từ thiện của mình mang theo tiền, hàng hóa đóng góp thêm nhằm nâng chất lượng bữa ăn cho người bệnh. “Thấy bếp ăn xây lại khang trang, sạch đẹp tôi mừng rơn vì từ đây tôi tin sự giúp đỡ của mình mang tính căn cơ, lâu dài”, anh Dũng vui vẻ nói.

Liên tiếp 2 năm sau đó, được sự giúp đỡ và động viên của các ban ngành địa phương, 3 bếp ăn từ thiện nữa đã được lập tại tỉnh Trà Vinh, với số tiền 50 triệu đồng mỗi bếp. Và cũng từ đây, con số 50 triệu đồng cho một bếp ăn từ thiện được anh đặt thành mức chuẩn riêng cho mình.

Không chỉ dừng lại ở Trà Vinh, suốt từ năm 2005 đến nay, người đàn ông “ghiền” làm từ thiện này đã tham gia cùng các tổ chức từ thiện xã hội tại TPHCM xây dựng tổng cộng 26 bếp ăn từ thiện từ mũi Cà Mau đến tận khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với tổng số tiền túi tự bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng. Có những địa phương anh Dũng đóng góp từ 3 - 4 bếp ăn. Có lúc, ngoài kinh phí xây dựng bếp ăn, anh còn nhận trách nhiệm đỡ đầu cho hoạt động của các bếp cơm từ 3 - 6 tháng.

Tuy miệt mài với bếp ăn từ thiện nhưng anh Dũng cũng không “bỏ rơi” hoạt động từ thiện xã hội tại nơi mình sinh sống. Tất cả các nguồn quỹ ở địa phương như khuyến học, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nông dân đều có sự đóng góp không ít thì nhiều của gia đình anh. Ngoài ra, hoạt động từ thiện của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, các cơ sở từ thiện xã hội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng không thiếu bóng anh.

Tò mò hỏi thăm nguồn kinh phí từ đâu để “xông pha” khắp mọi nơi, anh Dũng cho biết, đó là số tiền lãi mà gia đình anh có được khi mang toàn bộ số tiền đền bù đất gửi ngân hàng.

Chia tay anh Dũng ra về, chúng tôi thầm nghĩ nếu cuộc đời còn nhiều khó khăn vất vả này mà có thêm nhiều mạnh thường quân như anh, chúng ta sẽ có thêm biết bao mảnh đời bất hạnh, nhiều số phận cơ nhỡ, kém may mắn được giúp đỡ.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục