Cứu sông Đồng Nai - Quá chậm

5 tiêu chuẩn đều không đạt
Cứu sông Đồng Nai - Quá chậm

Ngày 29-7, UBND TPHCM đã tổ chức họp bàn giải pháp bảo vệ sông Sài Gòn, Đồng Nai (đoạn thuộc địa bàn TPHCM). Tại cuộc họp, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP khẳng định, sông Đồng Nai nguồn cung cấp nước chính cho 140 khu chế xuất, khu công nghiệp và gần 16 triệu dân. Hiện chất lượng nguồn nước đang suy giảm nhanh chóng, nhưng mọi biện pháp nhằm cứu lấy con sông này lại rất chậm.

Nhiều nhà máy nằm ven sông Đồng Nai là nguyên nhân gây ô nhiễm dòng sông này. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhiều nhà máy nằm ven sông Đồng Nai là nguyên nhân gây ô nhiễm dòng sông này. Ảnh: ĐỨC TRÍ

5 tiêu chuẩn đều không đạt

Ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cấp nước TP cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng nước trên sông Sài Gòn, Đồng Nai tháng 7-2010 cho thấy, 5 chỉ tiêu về chất lượng nguồn nước cấp đều không đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là ô nhiễm tại lưu vực sông Sài Gòn. Cụ thể, chất amoni vượt tiêu chuẩn cho phép 28 lần; nồng độ COD vượt 1,2 - 1,4 lần; DO, mangan và độ đục vượt 1,5 – 5 lần và vi sinh vượt 2 - 4 lần. Không chỉ vậy, tình hình xâm nhập mặn ở cả hai nguồn nước trên sông Sài Gòn và Đồng Nai diễn biến ngày càng phức tạp.

Lý giải thực trạng chất lượng nguồn nước sông bị ô nhiễm, đại diện Trung tâm Điều hành chống ngập TPHCM khẳng định, có đến hơn 1/2 (3.000km) đường sông, kênh rạch đã bị ô nhiễm. Và tất cả các chất thải ô nhiễm này đều đổ ra sông. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TPHCM cho biết, hiện tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp vẫn rất phổ biến.

Điều đáng nói, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Phần lớn các doanh nghiệp khi bị lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện đều có hệ thống xả thải ngầm nằm sâu dưới lòng đất, rất khó phát hiện. Ông Võ Quang Châu bức xúc, họng bơm nước cấp phục vụ sinh hoạt của Nhà máy nước Tân Hiệp nằm rất gần rạch xả thải của cụm công nghiệp Tân Quy. Từ năm 2007 đến nay, nhà máy liên tục phản ánh tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của cụm công nghiệp này, nhưng kết quả nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm hơn.

Không dừng lại đó, tình trạng chồng chéo trong quản lý kênh rạch, sông ngòi vốn tồn tại từ lâu đã khiến công tác bảo vệ môi trường không hiệu quả. Cụ thể, cùng quản lý về kênh rạch nhưng đang bị phân khúc cho nhiều cơ quan như Bộ GTVT (quản lý kênh rạch liên vùng), Sở GTVT (kênh rạch phục vụ giao thông thủy), Sở NN-PTNT (kênh rạch phục vụ tưới tiêu), Sở TN-MT (chung về vấn đề môi trường)… Về cấp phép xả thải thì chồng chéo giữa Sở TN-MT (doanh nghiệp nói chung) với Sở NN-PTNT (doanh nghiệp xả thải vào hệ thống kênh mương thủy lợi)… Cách phân khúc quản lý này dẫn đến tình trạng tất cả cùng quản lý nhưng tất cả cùng không quản lý. Kết quả là gần 50% hệ thống kênh rạch đã chết vì ô nhiễm.

Giải pháp bảo vệ thực hiện quá chậm

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, để bảo vệ nước sông Đồng Nai trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số biện pháp chính như điều tra thống kê nguồn thải chính đang gây ô nhiễm môi trường cho sông Sài Gòn và Đồng Nai. Đồng thời, kiểm tra, xử lý triệt để những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, cơ sở dệt nhuộm, chế biến thủy sản, tái chế và cao su…; xây dựng thêm hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động dọc theo sông và đặc biệt nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc cùng bảo vệ môi trường với thành phố.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, những giải pháp bảo vệ sông Sài Gòn, Đồng Nai đang triển khai rất chậm. Do đó, thời gian tới, yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, đề xuất thành lập ban chỉ đạo về bảo vệ nguồn nước bao gồm các cơ quan chức năng liên quan và các quận huyện nằm dọc sông. Ban chỉ đạo sẽ thống nhất các đầu mối về quản lý chất lượng nước sông, kênh rạch, cấp phép xả thải; phối hợp với tỉnh thành phía thượng nguồn để tránh tình trạng TP ra sức bảo vệ trong khi các nơi khác buông lỏng không quy hoạch doanh nghiệp sản xuất nằm dọc hệ thống sông.

Riêng Phòng Cảnh sát môi trường, Chủ tịch UBND TP yêu cầu sớm xây dựng quy chế cho phép đóng cửa các doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nghiêm trọng. Thời gian đóng cửa tùy vào mức độ vi phạm có thể 1 tháng, 3 tháng hoặc vĩnh viễn… Tất cả những yêu cầu trên phải sớm hoàn thiện trong tháng 9 để kịp cứu lấy nguồn nước sông Đồng Nai.

Từ năm 2005, lãnh đạo 12 tỉnh, TP (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An) đã ký cam kết gồm 7 điều. Trong đó nhấn mạnh, năm 2007 phải xử lý xong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 70% các KCN có hệ thống nước thải, bảo đảm đầu ra đạt tiêu chuẩn môi trường; vị trí xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại tập trung và tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để có thể xây dựng vào năm 2007…

Tuy nhiên, đến nay, theo thống kê của Tổng cục Môi trường, 70% số KCN vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc có xử lý nhưng không đạt tiêu chuẩn quy định.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục