Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình

Lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trải dài dọc 11 tỉnh thành nhưng là một thể thống nhất. Chỉ có điều cách thức sử dụng cũng như bảo vệ dòng sông này thì lại chia phân đoạn theo từng tỉnh thành. Thế nên mới có chuyện các tỉnh, TP thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn cứ xả thải, dòng sông ngày càng gia tăng ô nhiễm nhưng trách nhiệm lại “cha chung không ai khóc”. Báo SGGP xin giới thiệu một phần trong tham luận của PGS-TS Phùng Chí Sỹ tại hội thảo “Giải pháp cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai” do Báo SGGP phối hợp với Sở KH-CN TPHCM tổ chức ngày 26-11.
Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình

LTS: Lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trải dài dọc 11 tỉnh thành nhưng là một thể thống nhất. Chỉ có điều cách thức sử dụng cũng như bảo vệ dòng sông này thì lại chia phân đoạn theo từng tỉnh thành. Thế nên mới có chuyện các tỉnh, TP thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn cứ xả thải, dòng sông ngày càng gia tăng ô nhiễm nhưng trách nhiệm lại “cha chung không ai khóc”. Báo SGGP xin giới thiệu một phần trong tham luận của PGS-TS Phùng Chí Sỹ tại hội thảo “Giải pháp cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai” do Báo SGGP phối hợp với Sở KH-CN TPHCM tổ chức ngày 26-11.

        Nhiệm vụ chiến lược

Để cải thiện chất lượng nguồn nước cũng như tăng hiệu quả cho các giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, trước hết, 11 tỉnh thành cần xác định đây là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thường xuyên đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư với những quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương trên lưu vực, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương; bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai phải được giải quyết tổng hợp và thống nhất trên toàn lưu vực, trên từng tiểu lưu vực, theo từng ngành và kết hợp hài hòa theo địa giới hành chính của 11 tỉnh, TP (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận) nhằm gìn giữ chất lượng, trữ lượng nước và bảo vệ môi trường toàn lưu vực; lấy phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái môi trường là chủ yếu kết hợp từng bước xử lý khắc phục các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên lưu vực đặc biệt những điểm và nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước; đối với các cơ sở sản xuất, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần thiết phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm bảo đảm đạt yêu cầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đối với tất cả các cơ sở sản xuất mới trong phạm vi lưu vực phải áp dụng công nghệ sạch hoặc dùng công nghệ xử lý ô nhiễm bảo đảm đầu ra đạt quy chuẩn môi trường; ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lồng ghép, gắn kết với các kế hoạch, chương trình, dự án khác có liên quan của nhà nước, bộ, ngành và từng địa phương trên lưu vực. Và cuối cùng là đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nội lực kết hợp với việc tăng cường quản lý nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và phát huy giải pháp truyền thống thích hợp để xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực.

Đoạn thượng nguồn sông Vàm Thuật bị ô nhiễm nặng, nước sông đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Ảnh: QUANG KHOA

Đoạn thượng nguồn sông Vàm Thuật bị ô nhiễm nặng, nước sông đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Ảnh: QUANG KHOA

        Năm mục tiêu cần đạt được

So với thực trạng ô nhiễm hiện nay của lưu vực, để cải thiện nguồn tác nhân gây suy thoái nguồn nước, 11 tỉnh thành cần thiết đặt ra và đạt được đồng bộ 5 mục tiêu: Phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; cải thiện môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trong đó, tại mỗi mục tiêu, cần đạt được những chỉ tiêu cụ thể. Đơn cử như đối với mục tiêu phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, 11 tỉnh thành phải hoàn thiện mạng lưới giám sát đất, không khí và mưa axít; hoàn thiện các kế hoạch, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch đạt 5% - 10% tổng năng lượng tiêu thụ vào năm 2020.

Với mục tiêu cải thiện môi trường, phải hoàn chỉnh phương án hạn chế tác động của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội tới tài nguyên đất; hoàn thiện các giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản; hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải tại các khu đô thị hiện hữu trên các tiểu lưu vực đạt 90%; giải quyết triệt để trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; có ít nhất 70% các khu vực đô thị và 100% các KCN, KCX, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; thu gom 95% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại. Còn với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phải bảo tồn và hạn chế suy thoái đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển; nâng độ che phủ rừng toàn lưu vực ít nhất đạt 50% tổng diện tích tự nhiên, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái.

Riêng với tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ môi trường thì cần hoàn thiện cơ chế phối hợp về quản lý, phân phối, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước; tăng cường cơ chế phối hợp chia sẻ nguồn nước, cân bằng nước trên toàn lưu vực; đạt được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của người dân với chính quyền. Cuối cùng là tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

        Hai nhóm giải pháp

Có 2 nhóm giải pháp công trình và phi công trình có thể áp dụng ngay để đạt được những mục tiêu trên. Với nhóm giải pháp công trình, các tỉnh cần tập trung phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và cây xanh đô thị; cải thiện và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xây dựng các công trình thoát nước mưa, cải tạo các kênh rạch, thu gom và xử lý tập trung nước thải sinh hoạt tại các đô thị... Chất thải sinh ra từ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được thu gom và xử lý. Xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý và tiêu hủy chất thải, bao gồm cả chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế và chất thải nguy hại. Tăng sức chứa nước và điều hòa nước mưa của các sông, hồ, ao nhằm chống ngập cho các đô thị.

Còn với giải pháp phi công trình, cần thực hiện ngay những dự án như dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình thủy lợi, đập chứa thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai đến các tỉnh hạ du; xây dựng quy trình vận hành hệ thống bậc thang thủy điện và thủy lợi, cơ chế phối hợp về quản lý, phân phối, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai; đánh giá khả năng tự làm sạch của hệ thống sông Đồng Nai, phân đoạn chất lượng nước sông. Đặc biệt là nên xây dựng quota xả thải trên lưu vực, xem xét khả năng mua bán quota xả thải để tạo cơ sở phân chia quyền lợi giữa các tỉnh thành trên lưu vực...

Việc lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai bị ô nhiễm đã được các chuyên gia môi trường cảnh báo từ những năm 90, khi các tỉnh kêu gọi đầu tư ồ ạt mà không quan tâm đến các yếu tố bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững. Đến đầu những năm 2000, vấn đề bảo vệ lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đã được đặt lên bàn hội nghị của các cơ quan chức năng, các tỉnh thành. Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, những giải pháp cần thiết để cứu lấy dòng sông này vẫn “bình chân như vại”. Nguyên nhân một phần là do các tỉnh thành chưa xác định rõ mục tiêu cần làm. Do vậy, việc xác định được chi tiết mục tiêu cần đạt được sẽ là cơ sở để đề ra những giải pháp cải thiện chất lượng nước sông thích hợp, hiệu quả.

PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ
(Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường)

>> Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Giải pháp tổng hợp, hành động đồng bộ

Tin cùng chuyên mục