Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Phát huy lợi thế, khắc chế thiệt hại

Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Phát huy lợi thế, khắc chế thiệt hại

LTS: Lưu vực sông Đồng Nai có trục sông chính là Đồng Nai, các sông nhánh như La Ngà, Sài Gòn, Vàm Cỏ, sông Bé và các sông nhỏ ven biển. Trên các sông chính, khoảng 23 thủy điện đã và đang được xây dựng, vận hành. Điều này có lợi hay có hại đối với hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sự phát triển của cả khu vực? Báo SGGP trân trọng giới thiệu góc nhìn của GS-TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam về vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng.

        Lợi nhiều, hại cũng không ít

Tính tới thời điểm hiện tại, trên sông Đồng Nai có các thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 1, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 8 và Trị An. Với nhánh sông Bé có thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa. Riêng sông Sài Gòn có hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra còn hàng chục thủy điện nhỏ khác đã được cấp phép, đang trong giai đoạn xây dựng và chuẩn bị được đưa vào vận hành. Ước tính dung tích hữu ích của các hồ lớn trên vào khoảng 7,8 tỷ m3 và hiện tại đang vận hành (trong điều kiện bình thường, năm trung bình nước) vào khoảng 6,2 tỷ m3 cho cả lưu vực.

Câu hỏi đặt ra là việc xây dựng quá nhiều thủy điện sẽ có lợi hay có hại cho lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai? Câu trả lời là: có lợi nhưng hại cũng không ít. Cần phải nói rõ rằng bản thân thủy điện không có hại. Hại là do công tác quản lý, sử dụng của con người không đúng. Cụ thể, thủy điện có thể tạo ra mấy cái lợi. Thứ nhất là sản sinh và cung cấp nguồn năng lượng rẻ, dồi dào. Trên thực tế, nguồn điện năng phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều dựa vào sản lượng điện sản xuất từ hệ thống thủy điện này. Nếu không sử dụng năng lượng điện bằng thủy điện mà phải dùng điện sạch hoặc điện từ nhiệt điện thì khó để không xảy ra tình trạng khủng hoảng thiếu năng lượng và giá thành sẽ rất đắt, vượt quá sức chịu đựng của xã hội. Lợi ích thứ 2 mà thủy điện đem lại chính là tăng khả năng trữ nước để cấp nước cho vùng hạ du vào mùa khô. Hiện các thủy điện trên lưu vực có thể cung cấp lượng nước về hạ lưu sông Đồng Nai vào mùa khô dưới 6 tỷ m3. Trong tương lai, khi các hồ đã được xây dựng xong và đi vào vận hành sẽ được bổ sung thêm khoảng 1,5 - 1,6 tỷ m3 nữa. Ngoài ra, thủy điện còn đem lại lợi ích chống xâm nhập mặn vào mùa khô. Điển hình như khi chưa có hồ Trị An thì nước mặn từ biển theo thủy triều xâm nhập sâu đến khu vực cầu Đồng Nai. Tuy nhiên, khi hình thành thủy điện Trị An thì nước mặn đã bị đẩy sâu xuống Cát Lái. Và lợi ích cuối cùng mà thủy điện mang lại là sẽ giúp cắt lũ cho vùng hạ du.

Xả nước tại một miệng nước đập tràn thủy điện Srok Phu Miêng trên hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: Phạm Cao Minh

Xả nước tại một miệng nước đập tràn thủy điện Srok Phu Miêng trên hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: Phạm Cao Minh

Bên cạnh những cái lợi, hiện nay thủy điện đang gây nên những thiệt hại lớn. Nghiêm trọng nhất là tình trạng lũ chồng lũ, gây thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân các tỉnh phía hạ du. Diện tích rừng bị phá để xây dựng thủy điện không được các chủ đầu tư phục hồi hoặc bù đắp đúng như cam kết. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận công bằng, rằng nếu không có thủy điện thì lũ vẫn về. Chỉ có điều, nếu diện tích rừng không giảm thì lượng nước lũ sẽ giảm nhiều hơn, tốc độ dòng chảy cũng yếu hơn. Vậy xét cho cùng thì thủy điện không tạo ra lỗi mà lỗi chính là con người sử dụng, quản lý và vận hành thủy điện gây nên. Do vậy, vấn đề là làm thế nào để phát huy cái lợi và khắc chế cái hại do chính con người gây ra. Và điều này có thể làm được!

        Quản lý bằng quy chế

Thực tế hiện nay cho thấy, các hồ đều đã có quy trình vận hành riêng. Còn quy trình vận hành liên hồ trên mỗi bậc thang thì đang được xây dựng. Đây là mối quan ngại chính, nhất là trong điều kiện hiện nay các hồ vẫn tiếp tục được xây dựng. Do đó, giải pháp đầu tiên phải xây dựng ngay quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực với tính khả thi cao và phải được tích hợp với mạng lưới dự báo, cảnh báo sớm. Quy trình trên cũng cần đảm bảo cân bằng lợi ích nhà đầu tư và xã hội. Để an toàn cho phòng lũ thì các nhà máy thủy điện rất dễ mất cơ hội tích trữ nguồn nước và sản xuất năng lượng nên trường hợp nhà đầu tư bị thiệt hại do phải đảm bảo quy trình vận hành này thì cần có chính sách hỗ trợ tương thích từ phía nhà nước. Và để có thể làm được điều này, nhất thiết phải có sự điều phối, chỉ đạo ở cấp Chính phủ dựa trên các luật liên quan (như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường,...). Đồng thời, kết hợp thương lượng giữa các địa phương và các nhà đầu tư. Kế đến là buộc các nhà đầu tư phải khôi phục diện tích rừng bị mất cho lưu vực sông để ngăn chặn khả năng suy giảm sản lượng nước bổ cập cho sông.

Mặt khác, phải hiểu rằng, không có một quy trình vận hành liên hồ nào giải quyết được các vấn đề an toàn tuyệt đối cho hạ lưu. Vì thế, các tỉnh hạ du cần có sự chuẩn bị hạ tầng và khả năng thích ứng với các quy trình vận hành liên hồ. Chẳng hạn, chủ động tạo ra những hành lang thoát lũ để thích ứng với việc xả lũ nhanh. Một vấn đề quan trọng không kém khác là nhiệm vụ cấp nước (sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp,...) cho các tỉnh trong lưu vực sông và khu vực lân cận. Trong đó, đặc biệt quan trọng là cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu. Nhiệm vụ này phải được xác định là một trong những nội dung ưu tiên đặc biệt của việc quản lý nguồn nước và cũng là yêu cầu bắt buộc đặt ra cho các hồ chứa ở thượng nguồn. Cuối cùng là các cơ quan chức năng cần thiết phải hoàn thiện bộ máy quản lý, sử dụng nguồn nước dọc lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hiện đối với lưu vực này đang có hai ban quản lý là Ban Quản lý quy hoạch lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Cả hai tổ chức này đã đi vào hoạt động nhưng còn kém hiệu quả, chưa giải quyết được các vấn đề tồn tại. Trong tương lai, cần một tổ chức thống nhất có đầy đủ quyền lực để quản lý lưu vực, giải quyết các vấn đề liên quan đến nước trong một tổng thể thống nhất, không chịu quá nhiều hạn chế về địa giới hành chính và chịu tác động quá mạnh của các chính quyền địa phương (phân cấp hợp lý giữa tổ chức quản lý lưu vực sông và các chính quyền địa phương trong lưu vực).

Có thể thấy rằng, bản thân các nhà đầu tư đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng một nhà máy thủy điện. Do vậy, mọi giải pháp xử lý cần thiết phải xem xét đến các yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó cố gắng tối đa cân đối hài hòa giữa các lợi ích kinh tế và môi trường. Và trong tình hình thực tế hiện nay, không nhất thiết phải buộc các thủy điện ngưng hoạt động mà chỉ cần ban hành những quy chế có đủ sức mạnh, khả năng để điều chỉnh hành vi người sử dụng, quản lý và vận hành thủy điện. Như thế thì vừa giúp thủy điện phát huy tốt lợi thế của mình, vừa hạn chế được những thiệt hại cho chất lượng nguồn nước sông và người dân vùng hạ du.

GS-TS TĂNG ĐỨC THẮNG
(Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) 

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN-MT TPHCM: Cân bằng lượng nước cho toàn lưu vực

Thứ nhất là phải tính được tổng lượng nước vào của sông Đồng Nai, từ đó mới xác định được tổng lượng lượng nước sẽ chi ra. Bài toán này gọi là tính toán sự cân bằng lượng nước cho toàn lưu vực. Con số của bài toán này sẽ làm cơ sở để phân bổ lượng nước cho các đối tượng khai thác và sử dụng nguồn nước sông, trong đó có thủy điện. Đồng thời, định lượng khối lượng nước cho phép sử dụng trong mùa khô cũng như trong mùa mưa. Và cũng từ con số này mới có thể khẳng định được nên cho xây dựng bao nhiêu thủy điện, bao nhiêu hồ chứa, dung tích như thế nào thì vừa sức với sông Đồng Nai và khả năng chịu tải khu vực hạ lưu trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Thứ hai cần tính là lượng nước bổ cập cho sông Đồng Nai từ hệ thống rừng nhiệt đới, tức là loại rừng có 5 - 7 tầng thực vật và có độ tuổi từ 30 - 40 năm trở lên. Hiện hệ thống sông Đồng Nai đều thuộc địa phận trong nước. Sự sinh thủy của sông đều dựa vào khả năng tích nước mưa của diện tích rừng. Do vậy, để có cơ sở cho phép phá một phần diện tích rừng xây dựng thủy điện thì điều kiện cần là lợi ích từ việc sản xuất năng lượng từ thủy điện phải hơn lớn hơn những thiệt hại mà diện tích rừng bị mất đi. Mặt khác, dung tích của các hồ chứa thủy điện phải đủ sức tái cấp lại một lượng tương ứng với lượng nước mà diện tích rừng bị mất để bổ cập lại cho sông, nhất là vào mùa khô.

Để có thể hạn chế những thiệt hại do thủy điện gây ra trong thời gian tới, trước hết yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện phải luôn thường trực hai nhiệm vụ bắt buộc là vừa sản xuất điện nhưng phải tuân thủ tuyệt đối phương án cắt lũ trong trường hợp cần thiết. Song song đó, phải gấp rút đặt lại phép toán cân bằng lưu lượng nước cho lưu vực, khả năng tích nước và sinh thủy cho sông. Từ đó làm căn cứ để xác định có nên cho xây dựng thêm hay cần thiết phải phá bỏ một số công trình thủy điện vì sự an toàn khu vực hạ lưu.

MINH XUÂN (ghi)

>> Cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Giải pháp tổng hợp, hành động đồng bộ

>> Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”! - Bài 4: Hợp nhất quản lý

Tin cùng chuyên mục