“Cứu tinh” của loài trĩ đỏ

Thông tin về trĩ đỏ
“Cứu tinh” của loài trĩ đỏ

Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài trĩ đỏ - loài động vật quý hiếm có tên trong “Sách đỏ Việt Nam”, một người mê chim ở Đà Lạt đã mày mò thử nghiệm nhân giống thành công loài trĩ này. Đó là ông Trần Đình Nhơn, ở 39/1A đường Mê Linh, thành phố Đà Lạt. Người ta gọi ông là “vị cứu tinh của loài trĩ đỏ”.

  • Vị cứu tinh… tình cờ
“Cứu tinh” của loài trĩ đỏ ảnh 1

Ông Trần Đình Nhơn chăm sóc đàn trĩ.

Chuyện bắt đầu từ cuối năm 2000, tình cờ gặp một người dân tộc thiểu số mang mấy con chim nhỏ đi bán dạo, ông Nhơn mua 3 con nuôi làm cảnh. Khi mua, ông cũng chỉ nghĩ đây là loài chim rừng bình thường nhưng khoảng 3 tháng sau, những chú chim này lớn lên, phát màu rực rỡ.

Ông liền tìm sách tra cứu và biết đây là loài trĩ đỏ quý hiếm. Vốn rất mê nuôi chim và là một cán bộ công tác trong ngành lâm nghiệp, hiểu rõ giá trị của loài trĩ này nên ông Nhơn quyết định nhân giống chúng.

Nuôi được vài tháng thì một con mái bị chết, còn lại một cặp trống mái. Đến khoảng 8 tháng tuổi thì con trĩ cái bắt đầu đẻ trứng, ông lót ổ cho ấp nhưng không được nên mang cho gà ấp thử. Ấp được hơn 20 ngày, trứng gà đã nở hết mà trứng trĩ thì vẫn “trơ” như cũ, ông đập ra xem thấy có con bên trong mới biết trứng trĩ lâu nở hơn trứng gà. Ông lại mang mẻ trứng khác vào cho gà ấp và lần này những chú trĩ con đầu tiên chim chíp chào đời.

Đặc điểm của loài trĩ này là đẻ rất nhiều: mỗi ngày đẻ một trứng trong thời gian khoảng hơn 3 tháng (tổng cộng trên dưới 100 trứng), sau đó nghỉ để thay lông chừng 3 đến 4 tháng rồi lại tiếp tục đẻ. Cứ thế, ông Nhơn miệt mài chăm sóc và mang từng mẻ trứng cho gà ấp, nhiều lần phải nhờ gà của các hộ láng giềng ấp giùm.

Đến năm 2003, đàn trĩ của ông Nhơn đã lên đến hơn 50 con, lượng trứng đẻ ra khá nhiều nên ông nhờ bạn bè thiết kế một lò ấp trứng nhân tạo. Nhiệt độ của lò khoảng 390C, mỗi mẻ ấp 200 trứng, thời gian ấp khoảng 25 – 27 ngày. Từ thành công này, ông Nhơn quyết định nhân giống loài trĩ đỏ thật nhiều nhằm “đưa loài trĩ này ra khỏi Sách đỏ Việt Nam”.

  • Nhọc nhằn nghề nuôi trĩ
“Cứu tinh” của loài trĩ đỏ ảnh 2

Trĩ đỏ.

Ông Nhơn cho biết, nuôi trĩ đỏ và các loài trĩ khác gian nan nhất là giai đoạn chăm sóc. Ấp trứng trĩ không khó, cứ cho trứng vào lò ấp rồi bật điện ở nhiệt độ khoảng 37 – 390C, dùng tay đảo trứng cho đều mỗi ngày từ 2 đến 3 lần là được. Hiện ông đang đặt mua một lò ấp điện tử ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi lần ấp được 400 trứng với tỷ lệ nở cao.

Chăm sóc trĩ con là giai đoạn khó nhất. Sau khi trứng nở, phải cho trĩ con vào nuôi úm, tức cho trĩ con vào từng ngăn riêng biệt rồi mắc điện sưởi ấm thường xuyên. Điều đặc biệt là trĩ con vừa mới nở đã biết ăn. Thức ăn của trĩ trưởng thành rất đa dạng và dễ mua, dễ làm như các loại cám tổng hợp, bắp xay, lúa, rau xanh, cỏ…

Trĩ con thì khác, chúng chưa ăn được các loại lúa, rau, cỏ; cho trĩ ăn cám tổng hợp thì chúng sẽ bị dính phân, dễ chết. Bởi vậy, ông Nhơn phải nghiên cứu pha trộn bắp xay và cám tổng hợp theo tỷ lệ phù hợp dành riêng cho chúng. Chế độ vệ sinh chuồng trại đối với trĩ con cũng phải được quan tâm đặc biệt, nếu nuôi trĩ con gần các loài gia cầm khác thì chúng rất dễ bị lây bệnh.

Sau khi đã trưởng thành, trĩ dễ nuôi hơn cả gà, vịt bởi chúng có sức đề kháng rất tốt. Khoảng 8 tháng tuổi thì trĩ bắt đầu đẻ trứng. Trong nửa tháng đầu, 2 ngày đẻ một trứng, sau đó đẻ ngày một trứng to gần bằng trứng gà so. Ông Nhơn cho biết, trước thời gian trĩ đẻ trứng phải hạn chế cho trĩ ăn cám tổng hợp, nếu không trĩ mập quá, khó đẻ.

  • Những triển vọng

Trước khi mua được 3 con trĩ đỏ nói trên, vào đầu năm 2000, ông Nhơn được một người bạn ở huyện Đức Trọng mang tặng một cặp trĩ trắng (gốc Ấn Độ). Sau gần 5 năm, ông đã lai tạo được vài trăm con gồm 5 dòng với 5 màu sắc: đỏ, trắng, vàng, xanh và xanh lai tím. Biết tin ông nhân giống thành công loài trĩ đỏ, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước đã cử cán bộ đến tìm hiểu. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, du lịch cũng tìm đến mua giống trĩ đỏ về nuôi. Sau khi được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, ông Nhơn đã san sẻ nguồn giống loài trĩ quý hiếm này cho nhiều người, hướng dẫn họ kỹ thuật nuôi và chăm sóc.

Ông Nhơn cho rằng, nên nuôi phổ biến loài trĩ đỏ vì loài trĩ này ngoài việc nuôi làm cảnh còn là một thứ thực phẩm hảo hạng. Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi trĩ lại không lớn lắm. Với 40 con trĩ trưởng thành hiện tại, mỗi ngày ông Nhơn chỉ đầu tư 15.000 – 20.000 đồng tiền thức ăn và thuốc men. Ông tâm sự: “Khó khăn của tôi là không có mặt bằng để làm chuồng trại, nếu điều kiện thuận lợi, tôi cho rằng đầu tư nuôi trĩ lúc này sẽ mang lại siêu lợi nhuận”.

Với mức giá có thể gọi là “cao ngất ngưởng” như thế nhưng hiện nay ông Nhơn không có hàng để bán. Nhiều khách hàng ở tận Hà Nội gọi điện năm lần, bảy lượt đặt mua trứng, thậm chí ra giá 100.000/trứng nhưng vẫn chưa đến lượt. Gần đây, một người kinh doanh du lịch ở Vũng Tàu đặt cọc mua vài cặp trĩ giống để về phát triển thành một đảo trĩ tại thành phố biển.

Hiện ông Nhơn đang tận dụng không gian trong vườn nhà để làm thêm chuồng nuôi. Về lâu dài, ông có kế hoạch lập một trang trại nuôi trĩ tại Lâm Đồng, kết hợp vừa chăn nuôi vừa phục vụ du khách tham quan.

 Thông tin về trĩ đỏ

Trĩ đỏ có tên khoa học là Phasianus, thuộc lớp chim, bộ gà, họ trĩ. Trĩ đỏ có đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sắc đẹp; trĩ đực trưởng thành có đầu, họng và trước cổ xanh lục, các phần còn lại có màu nâu đỏ và nâu vàng với các chấm đen, phần dưới cơ thể, đặc biệt là phần ngực có màu tối hơn; trĩ cái trưởng thành lông có vằn, màu nâu điểm các chấm đen, mắt nâu đo, da trần ở mặt đỏ tươi, mỏ và chân màu ngà.

Thức ăn của trĩ đỏ là ngũ cốc, hạt cỏ dại và côn trùng. Nơi ở thích hợp của trĩ đỏ là vùng đồi núi thấp, có độ cao lên tới 800m, nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm và rừng thông. Ở Việt Nam trĩ phân bố tại Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái... Trên thế giới từng tìm thấy trĩ ở vùng Đông Nam Trung Quốc.

Thịt trĩ rất thơm ngon, trứng trĩ cũng có giá trị dinh dưỡng vượt xa nhiều loại trứng chim khác, nếu nuôi đại trà sẽ có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo giá thị trường hiện nay, một cặp trĩ trưởng thành (2kg/con) giá khoảng 4,5 triệu đồng; một quả trứng giá 70.000 đồng.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục