Giám đốc Sở Giao thông - Công chính TPHCM Hà Văn Dũng:

Đã có kế hoạch hạn chế xe cá nhân

Đã có kế hoạch hạn chế xe cá nhân

Theo Giám đốc Sở GTCC TPHCM Hà Văn Dũng, cách nay khoảng nửa năm Sở đã trình UBND TP và UBND TP cũng đã trình HĐNDTP đề án tổ chức lại các hình thức đáp ứng nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2005 - 2010 trong đó đặt vấn đề hạn chế xe cá nhân như là một cách để chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đã có kế hoạch hạn chế xe cá nhân ảnh 1

Ông Hà Văn Dũng

- TPHCM hiện nay có tới 2,5 triệu xe gắn máy 2 bánh và 263.000 ô tô, đã vượt xa số lượng xe mà thành phố dự kiến sẽ có tới năm 2010 là 2,251triệu xe gắn máy 2 bánh, 95.000 ô tô…vậy còn chần chừ điều gì mà chưa quyết định hạn chế xe cá nhân, thưa ông?

- Theo tôi được biết, trong kỳ họp sắp tới vào tháng 7-2005 HĐND TP sẽ thảo luận để quyết định các chủ trương cần thiết về vấn đề này.

- Ông có nghĩ đến khả năng HĐND TP phải xem xét lâu là do đề án chưa được hợp lý không?

- Hoàn toàn không phải như vậy, ngay từ trước khi trình đề án, Thường trực HĐND TP đã có chủ trương chỉ đưa nội dung hạn chế xe cá nhân vào kỳ họp cuối của năm 2004 để đại biểu góp ý và chuẩn bị cho kỳ họp sau quyết định. Quốc hội cũng thường làm như thế.

Hơn nữa, tôi cũng muốn nói rằng, đề án này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát hiện trạng khá công phu, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết của rất nhiều tầng lớp nhân dân thông qua các buổi thảo luận giữa Sở với các tổ chức đoàn thể, các nhà khoa học, tổng hợp từ thư góp ý với diễn đàn: “Hạn chế xe cá nhân, cách nào?” trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Việt Nam Net…

- Nếu hạn chế xe cá nhân mà hoạt động vận tải hành khách công cộng còn chưa hoàn chỉnh như hiện nay thì người dân đi bằng gì?

- Chúng tôi luôn quan niện vận tải công cộng phải đi trước một bước trong việc tổ chức lại giao thông thành phố.Và trên thực tế chúng tôi đã thực hiện một loạt biện pháp để nhắm tới mục tiêu này. Năm 2002 chúng tôi tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách công cộng: thay xe cũ bằng xe mới, đề xuất UBND TP trợ giá vé xe buýt cho hành khách và đã được UBND và HĐND TP chấp thuận, mở thêm hàng chục tuyến buýt mới, tổ chức nhiều lớp đào tạo tài xế, nhân viên phục vụ xe buýt, tổ chức xe đưa rước công nhân và học sinh…

Số lượng hành khách đi xe buýt năm nay đã gấp 10 lần so với 3 năm về trước. Tất nhiên Sở còn phải làm rất nhiều việc để hoàn thiện hoạt động vận tải công cộng của thành phố…Thế nhưng, ngoài nỗ lực của bản thân, chúng tôi cần một số quyết sách lớn của thành phố: cho phép tổ chức làn xe ưu tiên cho xe buýt, phát triển xe buýt đến các tỉnh liền kề để hạn chế xe cá nhân vào thành phố, trợ giá cho việc đưa đón công nhân đi làm, cho doanh nghiệp vay ưu đãi trong việc đầu tư xe buýt mới…

Đã có kế hoạch hạn chế xe cá nhân ảnh 2

Tại TPHCM tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm.

- Trong khi cần chính sách để hoàn thiện hoạt động vận tải hành khách công cộng sao vội tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân?

- Chúng tôi có lộ trình hạn chế dần xe cá nhân trên nguyên tắc xe buýt “phủ” đến đâu thì hạn chế xe cá nhân đến đó. Trước mắt, Sở nhắm tới các đối tượng có hành trình di chuyển ổn định như cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên. Vừa qua, Sở đã ký kết một quy chế phối hợp giữa Sở và Ban quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp trong đó có việc tổ chức xe đưa đón công nhân.

Đồng thời, chúng tôi vừa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo trong việc tổ chức đưa đón học sinh… Tuy nhiên, các đề án này chỉ có thể thành công khi được thành phố chấp thuận những quyết sách lớn như đã nói ở trên.

- Như vậy có phải là đòi hỏi nhiều quá không…nào là hỗ trợ lãi vay đầu tư xe buýt, trợ giá cho việc đưa đón công nhân, học sinh, trợ giá vé xe buýt thí điểm… Một số tiền hẳn là không nhỏ, liệu ngân sách thành phố có kham nổi ?

- Chúng tôi không đòi hỏi điều này cho chúng tôi mà cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của thành phố. Số tiền trợ giá cho hoạt động này có thể lớn nhưng những thiệt hại do ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông gây ra… chắc hẳn còn cao hơn. Đó là còn chưa nói đến khía cạnh kinh tế, xã hội… trong một thành phố mà kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông xảy ra liên tục thì nền kinh tế sẽ bị kìm hãm, cuộc sống người dân sẽ rất khó khăn.

- Cảm ơn ông.

AN PHÚ
 

Tin cùng chuyên mục